Sự im lặng tuyệt đối và cuộc dạo chơi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - 24 năm kể từ khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời xa cõi tạm, những người bạn, người em thân thiết từng có mối duyên gặp gỡ, kề cận với ông (kể cả những người xa lạ nhưng có mối giao cảm với ông trong âm nhạc) đã có dịp ngồi lại để cùng nhau “ôn cố tri tân”, hoài niệm về cuộc “ở trọ trần gian” trước khi trở về với “cát bụi” của vị nhạc sĩ tài hoa.

Những người bạn cũ

“Hạ trắng - Ký ức một thời” là tên gọi đêm nhạc được các nghệ sĩ trong CLB Saxophone Msax tổ chức tại Hà Nội để tưởng nhớ 24 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong không gian khán phòng nhỏ nhưng ấm cúng, ngoài những người yêu nhạc Trịnh còn có sự xuất hiện của nhiều vị khán giả đặc biệt, đó là những người lưu giữ những kỷ niệm không thể nào quên, những hồi ức đẹp đẽ về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong số ấy có Thiếu tướng Phạm Chuyên - nguyên Giám đốc CATP Hà Nội, Đại tá Đào Lê Bình - nguyên Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô. Còn trên sân khấu, nhân vật chính là nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn - người được cố nhạc sĩ tài hoa cùng gia đình ông xem như “em út” trong nhà.

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn thời trẻ bên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn thời trẻ bên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Gần 5 năm kể từ sau khi bị đột quỵ, trải qua 4 lần phẫu thuật, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn đã có cú lội ngược dòng thần kỳ khi từ chỗ chỉ còn “1% cơ hội sống” như lời cảnh báo của bác sĩ, anh đã quay trở lại cuộc sống bình thường, thậm chí vẫn có thể tiếp tục ôm saxophone và thổi hồn vào âm nhạc. Trần Mạnh Tuấn gọi đêm nhạc lần này là “cuộc hẹn đặc biệt” bởi khán giả ngồi ở phía dưới có cả những người thân thiết với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hơn cả anh, như “bố Chuyên” (cách gọi thân tình của anh với Thiếu tướng Phạm Chuyên). Dù biến cố về sức khỏe khiến nam nghệ sĩ phát âm khó khăn hơn trước, nhưng mỗi khi nhắc đến “anh Sơn” (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn vẫn không nhầm lẫn hay bỏ sót bất cứ chi tiết nào.

Những ký ức cũ

Theo lời kể của nam nghệ sĩ, anh bén duyên với nhạc Trịnh từ trước khi gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Từ năm 8 tuổi, khi bắt đầu tập saxophone, Trần Mạnh Tuấn đã rất thích chơi ca khúc “Hạ trắng” dù khi ấy còn quá nhỏ để có thể hiểu hết ý nghĩa được gửi gắm trong ca từ. Sau này, khi quen biết với nhạc sĩ họ Trịnh, anh được chính tác giả kể cho nghe về sự tích “Hạ trắng” và thêm yêu thích nhạc phẩm này hơn. Theo đó, bài hát được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết vào năm 1961 khi còn là sinh viên sư phạm chớm bước sang tuổi 22. Lần đó, trong một lần bị sốt cao đến mê man giữa thời tiết mưa nắng thất thường ở Huế, nhạc sĩ họ Trịnh đã mơ thấy một cô gái xinh đẹp tặng mình bó hoa dạ lý hương. Khi tỉnh dậy, nhìn sang chiếc bàn bên cạnh thấy ai đó đã cắm sẵn một lọ dạ lý hương, ông hiểu rằng có lẽ chính mùi hương dịu dàng, thơm ngát từ những bông hoa đó đã đưa mình vào cơn mơ chuếnh choáng.

Một vài ngày sau, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến thăm bố của một người bạn bị ốm nặng và được nghe câu chuyện tình cảm động về ông cụ. Trước đó, cụ bà bị sảy chân ngã rồi qua đời. Con cháu vì sợ cụ ông “sốc” nên đã giấu kín việc cụ bà mất cho tới khi lo chôn cất xong xuôi. Hai ông bà đã gắn bó với nhau cả cuộc đời, ngày ngày vẫn nằm chung trên chiếc sập gụ, cụ bà vẫn đều đặn mỗi ngày đun nước pha trà cho cụ ông uống, nên khi không thấy bóng dáng của người vợ hiền, cụ ông lờ mờ hiểu ra chuyện. Quá đau khổ, cụ ông sinh tâm bệnh và rồi không lâu sau cũng ra đi. Từ giấc mơ về giai nhân với mùi hương dạ lý hương và mối tình thủy chung đến cuối đời của hai bậc cao niên, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết nên “Hạ trắng” với những câu hát chất chứa nỗi niềm: “Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc màu gọi mãi tên nhau…”.

Hai nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn và Lê Duy Mạnh trong đêm nhạc tưởng nhớ 24 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Hai nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn và Lê Duy Mạnh trong đêm nhạc tưởng nhớ 24 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Tri âm

Cũng trong dòng hoài niệm về người anh nhạc sĩ, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn bồi hồi tâm sự, thật ra anh vốn là dân khí nhạc nên khi chơi nhạc thường tập trung vào giai điệu nhiều hơn. Song may mắn ở chỗ, nhờ được gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, anh được nghe kể nhiều giai thoại mà không phải ai cũng biết, từ đó yêu từng câu chữ được gửi gắm trong ca khúc và chơi nhạc thăng hoa hơn, chạm đến cảm xúc của người nghe hơn.

Những vị khán giả đặc biệt - những người lưu giữ những kỷ niệm đẹp về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng hội ngộ ở Hà Nội và tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa

Những vị khán giả đặc biệt - những người lưu giữ những kỷ niệm đẹp về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng hội ngộ ở Hà Nội và tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa

Nam nghệ sĩ chia sẻ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất ít nói. Nhiều khi anh em ngồi uống cà phê với nhau ở quán nhỏ trước cửa Nhà hát TP.HCM vài tiếng đồng hồ mà vị nhạc sĩ họ Trịnh không nói câu nào. Chính Trần Mạnh Tuấn cũng không dám phá vỡ sự lặng im đó, chỉ âm thầm thắc mắc trong lòng: “Không biết anh ấy sáng tác nhạc vào lúc nào?”. Sau này anh mới hiểu, mỗi khi im lặng là lúc Trịnh Công Sơn đang thả hồn vào âm nhạc, để rồi sau đó về nhà là lập tức ghi lại ý tứ, ca từ, giai điệu để hoàn chỉnh thành tác phẩm. Rất nhiều bản nhạc Trịnh đã ra đời như thế.

Hay như trước khi trình diễn “Diễm xưa” - ca khúc đã trở thành một trong những tuyệt phẩm trong gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn bất ngờ tiết lộ, ai cũng nghĩ bài này vị nhạc sĩ sáng tác về một bóng hồng cụ thể nào đó, nhưng thật ra không phải. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng kể với anh rằng, ông viết “Diễm xưa” bắt nguồn từ những buổi chiều ngắm nhìn bóng dáng xinh đẹp của các nữ sinh Đồng Khánh lướt qua trong tà áo dài thướt tha.

Đặc biệt, giữa những khoảng lặng trên sân khấu, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn không quên nhắc đến người bạn đời của mình - chị Kiều Đàm Linh với tình yêu thương vô bờ, sự trân trọng và lòng biết ơn. Nam nghệ sĩ xúc động bày tỏ, nếu không có chị thì có lẽ anh đã “xanh cỏ” lâu rồi và cũng hài hước nói vui, nhờ có chị mà tới giờ anh đang có tất cả 5 bức tranh sơn dầu được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẽ tặng. Chuyện là khi cả hai bắt đầu tìm hiểu nhau, năm ấy chị vừa tròn 18 tuổi, anh dẫn chị đến giới thiệu với người anh nhạc sĩ. Nhiều lần đi diễn khuya về, cả hai được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giữ lại nhà để chuyện trò hàn huyên, rồi chơi nhạc có khi đến 2 - 3 giờ sáng. Mỗi lần như vậy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại bảo người nhà mang toan lên để ông vẽ Trần Mạnh Tuấn. “Lúc đó mình còn trẻ, không quen ngủ trễ, mới chơi 1 - 2 bài đã buồn ngủ rồi, mấy lần suýt ngủ gật. May có cô bạn gái biết nhìn xa trông rộng, đá chân một cái cho tỉnh ngủ, thế là lại được anh Sơn vẽ tranh cho. Nhờ vậy mà tới giờ mình có tới tận 5 bức tranh của anh” - nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn vui vẻ kể.

Hồi tưởng về người anh nhạc sĩ tài ba, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn bộc bạch, từ năm 1992 khi bắt đầu quen ông thì hầu như cứ từ 1 đến 2 tháng là anh lại bay vào Sài Gòn để diễn. Anh cũng là người duy nhất chứng kiến giây phút nhịp tim của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hiển thị trên màn hình từ hai chữ số rơi dần về số 0. Căn phòng mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nằm trước khi qua đời được gọi là phòng chăm sóc đặc biệt, nhưng thật ra rất bình dị, chỉ khác ở chỗ “đi vào cổng này, đi ra cổng kia, mỗi giường cách nhau khoảng 4 gang tay”. Trong đám tang Trịnh Công Sơn, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn đã tiễn đưa ông bằng những bản nhạc Trịnh cuối cùng và khép lại với “Cát bụi”. Cũng ngần ấy năm kể từ sau khi nhạc sĩ qua đời, những đêm nhạc Trịnh do gia đình ông đứng ra tổ chức, Trần Mạnh Tuấn đều được tin tưởng giao đảm nhận vai trò Giám đốc âm nhạc. Tới giờ, anh cũng không nhớ mình đã hòa âm bao nhiêu bản nhạc Trịnh, có điều mỗi bản phối đều có màu sắc riêng, không giống nhau.

Sự giao cảm tĩnh lặng

Lắng nghe những bản nhạc, những câu chuyện cảm động về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua dòng ký ức của nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn trong đêm nhạc “Hạ trắng - Ký ức một thời”, Đại tá Đào Lê Bình xúc động bộc bạch, ngồi ở phía dưới, nhìn nam nghệ sĩ đưa những ngón tay bấm kèn, ông chỉ sợ Trần Mạnh Tuấn run tay bấm nhầm. Nhưng thật kỳ diệu khi thấy anh chơi nhạc vẫn vô cùng điêu luyện, thậm chí còn da diết và hay vô cùng, hay hơn cả khi anh còn vẹn nguyên sức khỏe. Có lẽ bởi anh đã ngấp nghé, đối diện và vượt qua đoạn khủng khiếp nhất của đời người, trở về từ “cửa tử” nên càng cảm nhận và thấm thía được mọi chuyện, để rồi anh chơi nhạc như “tằm nhả tơ”.

Đại tá Đào Lê Bình thổ lộ, ông quen biết với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thông qua Thiếu tướng Phạm Chuyên. Với ông thì gặp nhau là cái duyên, còn kỷ niệm đôi khi được tạo nên bởi chính sự giao cảm, đồng điệu trong âm nhạc. Và một trong những điều ông vô cùng ấn tượng ở vị nhạc sĩ tài hoa chính là sự tĩnh lặng. Có lần ông chứng kiến một vị tướng ngồi với một vị nhạc sĩ, họ không trò chuyện gì nhiều, chỉ tương tác bằng sự im lặng và ngẫm ngợi. Lúc ấy, ông cảm nhận dường như giữa họ có một vòng tròn nhân gian ở trên đầu và mối giao thoa lớn nhất chính là sự đồng cảm. Sau này, ông hiểu rằng, sự im lặng tuyệt đối dẫn đến sự tự do tuyệt đối và những sáng tác tuyệt đối.

Có lần, tôi chứng kiến một vị tướng ngồi với một vị nhạc sĩ, họ không trò chuyện gì nhiều, chỉ tương tác bằng sự im lặng và ngẫm ngợi. Lúc ấy, tôi cảm nhận dường như giữa họ có một vòng tròn nhân gian ở trên đầu và mối giao thoa lớn nhất chính là sự đồng cảm. Sau này, tôi hiểu rằng, sự im lặng tuyệt đối dẫn đến sự tự do tuyệt đối và những sáng tác tuyệt đối.

Đại tá Đào Lê Bình,

Nguyên Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô

Nhớ lại lần gặp đầu tiên với nhạc sĩ họ Trịnh, Đại tá Đào Lê Bình chia sẻ, cuộc gặp lần đó diễn ra trong một chiều mưa Sài Gòn, ngoài Thiếu tướng Phạm Chuyên, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì còn có cả nhạc sĩ Văn Cao. Cả hai vị nhạc sĩ đều có điểm chung là rất lặng lẽ, khiêm nhường, không nói nhiều. Lần ấy, chủ đề câu chuyện là xoay quanh ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao, khi bài hát chưa được tác giả giới thiệu rộng rãi. Sau này, sáng tác được phổ biến ở trong Nam đầu tiên trước khi đến với người yêu nhạc cả nước.

Cuộc gặp tiếp theo với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn theo lời kể của Đại tá Đào Lê Bình thì đông hơn, có rất nhiều những người bạn nhạc cùng thời với ông như nhạc sĩ Thanh Tùng, nhạc sĩ Tôn Thất Lập, nhạc sĩ Từ Huy… Khuya hôm ấy mọi người về nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nghỉ và được em gái ông là bà Trịnh Vĩnh Trinh nấu cháo cho ăn. Dù đã quen với sự ít nói của nhạc sĩ họ Trịnh, song Đại tá Đào Lê Bình vẫn không khỏi ngạc nhiên khi thấy những người trong gia đình ông cũng đều vậy, rất ít nói, chủ yếu nghe nhau và nghe người khác nói nhiều hơn. Sau này khi hay tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ốm nặng, Thiếu tướng Phạm Chuyên đã bay từ Hà Nội vào TP.HCM thăm. Trước chuyến đi, Thiếu tướng Phạm Chuyên đã về cây nhãn tổ ở Hưng Yên mua những quả nhãn đầu mùa ngon nhất, ngọt nhất để mang vào tặng người bạn nhạc mà mình yêu quý. Lần ấy, qua lời kể của Thiếu tướng Phạm Chuyên thì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn thế, vẫn không nói gì nhiều.

Đặc biệt, Đại tá Đào Lê Bình cho biết, chính Thiếu tướng Phạm Chuyên là người quyết liệt nhất trong việc hiện thực hóa ý tưởng đặt tên phố Trịnh Công Sơn ở Hà Nội. Khi ấy, với vai trò Ủy viên Thường vụ Thành ủy và HĐND TP Hà Nội, Thiếu tướng Phạm Chuyên đã đưa ra ý tưởng tuyệt vời này và trình bày thuyết phục để rồi tất cả mọi người đều nhất trí.

Câu hát ẩn chứa nhiều sự kỳ ngộ

Xuất hiện khiêm tốn trong đêm nhạc, Thiếu tướng Phạm Chuyên tâm sự, hơn 20 năm nay, ông không xuất hiện ở những chỗ đông người. Vị tướng một thời của Công an Hà Nội trải lòng, ông biết đến âm nhạc của Trịnh Công Sơn trước khi quen người bạn nhạc tài năng này. Ngược dòng về thời điểm sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, một người bạn ở Đà Nẵng gửi tặng ông chiếc máy chạy băng, trong đó có rất nhiều sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ngay lần đầu tiên nghe những ca khúc này, ông đã rất yêu nhạc Trịnh và trân trọng tài năng của vị nhạc sĩ. Thiếu tướng Phạm Chuyên giãi bày, ông rất yêu văn nghệ, bạn bè của ông phần nhiều cũng là các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhạc công… Việc gặp gỡ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng là một mối duyên đặc biệt.

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn “thổi hồn” vào những sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn “thổi hồn” vào những sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Có lần, lúc gần 1 giờ sáng, khi đang nghe nhạc Trịnh, Thiếu tướng Phạm Chuyên tò mò về một ca khúc mà đoạn kết có câu “Cuối đời còn gì nữa đâu, đã tàn mộng mị khát khao, đôi khi con tim hẹn hò, ngậm ngùi vì một ngày mưa bắt đầu…” nên lập tức nhấc điện thoại hỏi về hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa của bài hát này. Sau đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kể, ngày trước ông có quen một cô bạn gái. Trong lần hẹn cô bạn này vào một buổi chiều ở Sài Gòn thì cơn mưa bất chợt đổ xuống như trút nước, ông xách xe đạp đứng chờ mãi mà mưa không tạnh nên quay vào và sáng tác nên bài này. Tới giờ, phu nhân của Thiếu tướng Phạm Chuyên vẫn hay ngân nga sáng tác này nhưng đoạn cuối thường biến tấu thành: “Đôi khi con tim hò hẹn, vì một ngày vui bất ngờ”. Và với ông, đêm nhạc lần này giống như câu hát ẩn chứa nhiều sự kỳ ngộ ấy, là một ngày vui bất ngờ với những người yêu mến nhạc Trịnh, yêu quý tài năng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.