Sự ích kỷ của Công Phượng và “canh bạc” của Miura

ANTĐ - Nhìn Công Phượng tham bóng đến độ ích kỷ trong trận gặp Uzbekistan, nhiều khán giả trên sân Thống Nhất đã la ó tỏ ý không hài lòng. Có người còn cay nghiệt: "Công Phượng đang cô lập đồng đội".

Hai từ "cô lập" đeo bám Công Phượng những ngày qua. Sau trận thắng Indonesia hôm 9-3, từ một vài hình ảnh cầu thủ số 10 thoát xuống, ra dấu xin bóng nhưng không được đồng đội cung cấp bóng và thế là người ta suy diễn ra chuyện Công Phượng bị đồng đội cô lập. 

Dễ hiểu khi ở trận gặp Uzbekistan tối 14-3, Công Phượng là cái tên gây chú ý nhất của U23 Việt Nam - chú ý không chỉ bởi lần đầu tiên được xếp đá chính mà người ta còn xem liệu anh có thực sự bị đồng đội cô lập hay không. Và 90 phút sau đó là một sự thật: Không ai cô lập Công Phượng cả. Thậm chí anh còn là người được chuyền bóng và trao nhiều cơ hội nhất.

Sự ích kỷ của Công Phượng và “canh bạc” của Miura ảnh 1Công Phượng sa đà vào lối chơi cá nhân nhưng lại thiếu hiệu quả

Thế nhưng, Công Phượng đã đáp trả công sức đó của đồng đội bằng sự ích kỷ. Chân sút xứ Nghệ quá lạm dụng khả năng đi bóng (chưa đủ độ chín) của mình mỗi khi có bóng và đa số tình huống đều bị chặn đứng bởi lối chơi kín kẽ của hàng thủ Uzbekistan. Nhiều tình huống, Văn Toàn, Huy Toàn và sau đó là Thanh Bình chạy chỗ khá thoáng chờ một đường chuyền nhưng phải chưng hửng bởi Công Phượng quá ham rê dắt hoặc chuyền quá muộn. Thêm nữa, nếu như đồng đội khi mất bóng sẽ lao vào tranh cướp để lấy lại quyền kiểm soát bóng, thì Công Phượng hiếm khi làm điều tương tự, như thể nhiệm vụ lấy bóng và cung cấp bóng là trách nhiệm của người khác.

Chứng kiến cách chơi bóng có phần ích kỷ đó của Công Phượng, nhiều khán giả từ chỗ đến sân để "bảo vệ" anh khỏi sự cô lập đã cay nghiệt thốt lên: "Công Phượng đang cô lập đồng đội!".

Trong mắt HLV Miura, Công Phượng được đánh giá cao, đến nỗi, thông tin hậu trường cho biết chỉ duy nhất Công Phượng là được ông thầy người Nhật "bật đèn xanh" cho những pha đi bóng cá nhân, thay vì phải nhanh-gọn-hiệu quả và chơi tập thể như tiêu chí đề ra cho phần còn lại của đội tuyển. Người trong cuộc chưa ai lên tiếng xác nhận sự ưu ái đó dành cho Công Phượng là có thật. Thế nhưng quan sát các trận đấu đã qua rõ ràng Công Phượng đã được thể hiện cái "đặc quyền" đó trong sự im lặng (đồng nghĩa với chấp thuận) từ phía HLV Miura.

Giá trị của Công Phượng nằm ở khả năng tạo đột biến và đó là thứ ông Miura cần cho giải đấu sắp tới, trước các đối thủ được đánh giá là trên cơ U23 Việt Nam. Nhưng giá trị đó của Công Phượng - với sự non nớt của một cầu thủ trẻ vừa chập chững lên đá giải chuyên nghiệp - chưa thể là "mỳ ăn liền" có thể sử dụng ngay cần phải có thời gian trui rèn, tích lũy.

HLV Miura đã trao niềm tin và cơ hội trui rèn cho "số 10" ở cả 3 trận đấu đã qua và rất có thể là cả trận đấu với Thái Lan ngày 22-3 tới.

"Phép thử Công Phượng" ở loạt giao hữu có thể cho ra "quả ngọt" ở giải đấu chính thức, nhưng cũng có thể không. Không ai dám chắc. Nhưng có một điều có thể cảm nhận sau màn thể hiện vừa qua, đó là niềm tin của một bộ phận người hâm mộ vào Công Phượng và Miura đã thay bằng dấu hỏi lớn. Và nếu tiếp tục sa đà vào lối chơi bóng ích kỷ như đã thể hiện ở trận Uzbekistan vừa qua, Công Phượng từ chỗ là nhân vật mang lại hy vọng có thể trở thành "tội đồ" của đội tuyển bất cứ lúc nào.

Liệu Công Phượng có "kịp lớn" để "cứu" HLV Miura khỏi thua trong "canh bạc" vòng loại châu Á mà ông thầy người Nhật đã sớm "đặt cửa" Việt Nam sẽ thắng?