Sự hy sinh của chiến sĩ an ninh trong kịch Lưu Quang Vũ

ANTD.VN - “Nữ ký giả” của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã trở thành tác phẩm gắn liền với thương hiệu của Đoàn Kịch nói CAND và là “tờ giấy thông hành” đưa tên tuổi của đoàn đi vào làng sân khấu. 

Sự hy sinh của chiến sĩ an ninh trong kịch Lưu Quang Vũ ảnh 1Hình ảnh của vở “Nữ ký giả”

Cảm hứng từ nhân vật có thật

Ở những ngày đầu mới thành lập, lãnh đạo Đoàn Kịch nói CAND đã có chủ ý sẽ tạo nên một tác phẩm gây tiếng vang. Do vậy, trong số những tên tuổi của làng viết kịch, Lưu Quang Vũ đã được “chọn mặt gửi vàng” để viết một kịch bản ca ngợi người chiến sỹ an ninh.

Với tài năng của mình, Lưu Quang Vũ không quá khó khăn để xây dựng hình ảnh về cô nữ ký giả Hà Thu được lấy cảm hứng từ nhân vật Huỳnh Bá Thành, một chiến sỹ an ninh hoạt động trong lòng địch thời Sài Gòn trước 1975, một nhà báo, nhà ký họa. Nhưng Lưu Quang Vũ đã làm mềm mại hình ảnh về người chiến sỹ công an bằng việc xây dựng hình ảnh từ một nam chiến sỹ công an thành một cô nữ ký giả hoạt động trong lòng địch.

Ở lần đầu tiên dàn dựng, Đoàn Kịch nói CAND chỉ có vỏn vẹn 11 diễn viên nên để xây dựng vở kịch này, đoàn đã nhờ tới một số diễn viên chủ lực của các đoàn nghệ thuật bên ngoài như NSƯT Thanh Tú, NSND Trọng Khôi… 

Đến năm 1985, vở “Nữ ký giả” được dàn dựng lại để đi tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại TP.HCM. Lần dàn dựng này, ngoài các nghệ sỹ của đoàn còn có các diễn viên không chuyên ở các đội văn nghệ của công an các địa phương và các trường an ninh.

Dù dàn diễn viên không thật sự chuyên nghiệp nhưng “Nữ ký giả” đã được nhà nghiên cứu sân khấu Tất Thắng ví như một trong 5 “cỗ xe tăng” của hội diễn năm 1985 cùng với các tác phẩm của Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội… Với một chiếc HCV cá nhân dành cho nghệ sỹ Hương Dung và một HCB dành cho nghệ sỹ Trần Nhượng, “Nữ ký giả” là tấm giấy thông hành đưa tên tuổi của Đoàn Kịch nói CAND bước chân vào làng kịch nghệ từ đó. 

Kịch bản bị sửa 6 lần

Kỷ niệm đáng nhớ về vở “Nữ ký giả” là tác phẩm được cố Bộ trưởng Phạm Hùng xem tới 7 lần và yêu cầu sửa kịch bản tới 6 lần. Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ vốn là người hiền lành nhưng kịch ông viết thường dữ dội.

Nhà viết kịch này muốn gây kịch tính, thương xót nên đã để cho ký giả Hà Thu hy sinh ở phần cuối của vở kịch. Cô đã bị tên phản động trong chính quyền Sài Gòn bắn chết sau khi hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng - gặp Tổng thống Dương Văn Minh yêu cầu ông ra lời tuyên bố đầu hàng. Nhưng Bộ trưởng Phạm Hùng không quan niệm cứ chết mới thể hiện được sự cống hiến và hy sinh cho đất nước mà cái kết cần có hậu hơn với những người đã dấn thân cho Tổ quốc.

Không phải là Bộ trưởng Phạm Hùng khắt khe hoặc can thiệp quá sâu vào vở kịch mà đó là sự quan tâm đặc biệt, là tình yêu, là trách nhiệm sâu sắc với một tác phẩm nghệ thuật mà ông tâm đắc. Tác giả Lưu Quang Vũ đã ghi vào kịch bản là: “Sửa lần cuối cùng” thì cũng là lần thứ bảy Bộ trưởng Phạm Hùng xem và ông đã rất hài lòng: “Thế là tôi đã cứu sống được ký giả Hà Thu! Một chiến sỹ an ninh thông minh, mưu trí, dũng cảm như vậy không thể chết được. Chết thì tiếc lắm”. 

Với sự can thiệp của Bộ trưởng Phạm Hùng, ký giả đã được trở về quê và gặp lại mẹ, một cái kết hậu với người nữ chiến sỹ an ninh. Vở kịch “Nữ ký giả” cũng gắn liền với tên tuổi của NSND Trần Nhượng trong vai cố vấn Mỹ-Robert. Ngày đó, NSND Trần Nhượng chỉ nặng có 49kg, cao 1m68, người gày gò và chưa biết người Mỹ trông như thế nào.

Trong khi, nhiều bạn diễn khác đóng vai Việt cộng lại to cao hơn ông rất nhiều. Vở diễn được thi và biểu diễn tại Sài Gòn, nơi mà người dân đã từng sống với Mỹ mấy chục năm khiến nghệ sỹ Trần Nhượng khá lo lắng. Nhưng thật may  mắn, ông đã được thầy Đình Nghi chỉ ra cách diễn “Mỹ còi nhưng rất Mỹ” bằng việc tìm ra tác phong đặc biệt.

Khi diễn xong, ra phía ngoài sân khấu, nghệ sỹ Trần Nhượng hỏi khán giả xem vai diễn của ông có giống Mỹ không, nhiều người cho biết: “rất giống”. Vậy là, ông đã khắc phục được vấn đề hình thể để làm tốt vai diễn của mình bằng cách diễn, tác phong, tạo hình bên ngoài và cách di chuyển. 

Vở diễn “Nữ ký giả” còn mang về cho NSƯT Hương Dung tấm HCV hội diễn năm 1985 và sau đó, tác phẩm đã được lưu diễn tại các tỉnh và phục vụ cán bộ chiến sỹ. Tuy nhiên, vở kịch “Nữ ký giả” cũng chỉ tồn tại được một thời gian vì phải trả lại diễn viên của các đoàn nghệ thuật để họ trở về địa phương tiếp tục làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, cho đến nay, dù nhiều tác phẩm mới đã được ra đời nhưng “Nữ ký giả” vẫn là vở diễn được nhắc đến nhiều nhất mỗi khi nhắc tới thương hiệu của Đoàn Kịch nói CAND.