Sự hồi sinh phi thường của "Hòn ngọc Ấn Độ Dương"

ANTD.VN - Người Colombo lúc nào cũng lo đến giờ tắc đường, dù dân chưa đến 650.000 người. Tôi mỉm cười… 

Vẻ đẹp của những bệnh viện ở Colombo

Colombo - Thủ đô của Sri Lanka - chỉ tắc ở một số đoạn đường chính, và tắc ở đây mang nghĩa đi chậm vì đông xe thôi chứ không hẳn là không nhúc nhích được. Còn lại, thành phố thơ mộng. Tôi thấy bình yên khi ánh mắt chạm vào từng góc phố sẫm màu lục của Thủ đô, những đoạn đường vắng vẻ lơ thơ lá rụng trên vỉa hè, cả những con ngõ nhỏ đang chao dốc với hằng hà biệt thự xinh xắn im ắng sau những cánh cửa nâu. Đô thị này yêu thích màu trắng.

Lối kiến trúc giản dị mà tinh tế, khiến gia chủ hẳn cũng hạnh phúc trong thanh thản. Colombo không hề giống bất kỳ thành phố nào mà tôi từng đi qua, dù con số ấy cũng ngót nghét một trăm có lẻ. Những công trình để lại từ thời thuộc địa khiến Colombo như một cô gái trang nhã trong bộ đồ thời thượng mà lại sở hữu những món trang sức gia bảo sang trọng và đắt giá. Và chính điểm nhấn ấy khiến người ta phải trầm trồ mà ngưỡng mộ. 

Nghĩa trang nằm giữa một ngã năm đông người qua lại

Ngỡ ngàng với bệnh viện, nghĩa địa và toilet

- Cái gì kia, Sunethra?

- Bệnh viện đấy!

Bệnh viện ư? Cái ngôi nhà cầu kỳ mái ngói đỏ hồng pha trắng giữa ngã năm đường, trông như một phần cung điện, có lẽ được để lại từ những người Hà Lan, giờ thành bệnh viện. Bệnh nhân ở trong ấy cũng nhanh khỏi ốm, chắc thế. Tôi vốn kinh nhất là nghĩa trang và nhà tang lễ, kinh nhì là bệnh viện, vì vẫn cho đấy là những nơi phong thủy không tốt. Nếu muốn khởi đầu một ngày phấn chấn, không gì hơn là đi vào phòng tập gym.

Ở đó có những con người khỏe mạnh, hừng hực sức sống, ý chí và năng lượng, ngay cả thứ mồ hôi đang vã ra từ họ cũng chẳng có gì phải ghê gớm vì mất vệ sinh. Nhưng nếu muốn tinh thần sa sút, cứ đi qua cổng nghĩa địa và dọc hành lang bệnh viện, sáng ấy trời sẽ u ám ngay, dù hành lang có sáng loáng lên và các xe đẩy có tẩy trùng cỡ nào thì một không gian bệnh hoạn ốm yếu vẫn cứ ám vào đầu óc người ta như một thứ năng lượng xấu. Nhưng bệnh viện mà lộng lẫy và duyên dáng nhường kia thì một chuyến truyền dịch trong ấy cũng chẳng là gì. 

Trước khi đi, bà Đại sứ lưu ý tôi nên ghé qua Dutch Hospital (Bệnh viện Hà Lan) để tham quan. Trời, sao lại tham quan bệnh viện? Nhưng Dutch Hospital không phải là ngôi nhà xinh đẹp mà tôi vừa nhìn thấy, mà nó nằm tận đầu đại lộ Galle Face Green, đối diện Ngân hàng Ceylon, cách không xa Tháp Đồng hồ và nhà Quốc hội. Một trong những công trình cổ nhất thành phố giờ được trưng dụng thành trung tâm mua sắm và ăn uống hết sức thanh lịch và nhã nhặn.

Các gian bán đồ thời trang và lưu niệm, 4 thế kỷ trước từng là phòng chữa bệnh cho tướng sĩ Hà Lan dưới sự quản lý của Công ty Đông Ấn Hà Lan. Sau đó người Anh đã biến nó thành doanh trại, còn những căn rộng lớn này có lẽ là phòng ngủ của binh lính. Sri Lanka bảo tồn được nhiều công trình cổ như thế.

Ngay cả tòa phát thanh quốc gia mà tiền thân là Radio Ceylon, trạm phát sóng radio đầu tiên ở châu Á (1923) trông cũng cổ kính không kém, với những dãy nhà màu trắng cửa nâu theo kiểu lâu đài, có lẽ là kiến trúc thuộc địa Anh. Ban nãy tôi vừa nhắc đến vẻ đẹp của các bệnh viện ở Colombo và cũng kịp nhớ ra một nghĩa trang xanh mướt giữa lòng thành phố trên đường về thăm tư gia của nghệ sĩ nhiếp ảnh Sarinda Unamboowee.

- Công viên kia tên gì thế, Sarinda?

- Nghĩa trang đấy.

Nghĩa trang này cũng rất cổ, chắc thế. Nó nằm giữa một ngã năm đông người qua lại và những tấm bia mộ sau hàng rào sơn đen được bao quanh bởi những tầng cây um lá. Được an nghỉ vĩnh hằng ở nơi đông vui và đẹp đẽ nhường ấy… kể cũng bõ. Tôi đang định nói rằng văn minh thường được quyết định ở những thứ tưởng chừng rất ngớ ngẩn và kinh hãi là bệnh viện, nghĩa địa và cái toilet, thì ở bảo tàng quốc gia Sri Lanka, tôi nhìn thấy vô số toilet cổ được trưng bày.

Đó là những xí xổm bằng đá được làm từ hai ngàn năm trước, thậm chí có chiếc được thiết kế rất cầu kỳ theo hình dáng cổng vào một ngôi nhà lớn và cái lỗ ở giữa tượng trưng cho… lối vào. Bệ xí xổm mà cũng nạm khắc hoa văn cầu kỳ uốn lượn đến thế, lại còn từ thời trước Công nguyên trong khi giữa thế kỷ 21 này, vẫn còn khối đồng bào tự nghĩ ra những lối xả rác thải cơ thể rất “thiên nhiên”. 

Ngơ ngác với kỳ quan thứ 8 của thế giới

Người Sri Lanka đã rất văn minh và có khiếu thẩm mỹ cao từ lâu đời. Hơn 500 bức tranh tạc trong động đá ở núi Sư Tử Sigiriya (thế kỷ IV) đã trở thành kỳ quan thứ 8 và được coi là phòng tranh lớn nhất thế giới. Tôi bắt đầu tiếc vì không còn thêm ngày nào nữa để được đến Sigiriya, khi ngơ ngác ngước nhìn phiên bản của các bức tranh đá trong bảo tàng, miêu tả những mỹ nhân đảo với chiếc mũi nhọn và khuôn ngực trần căng tròn như trái táo mọng nước. Cả ngàn năm trước mà hội họa của Sri Lanka đã phát triển đến ngưỡng này ư? 

Sri Lanka, cũng giống như Việt Nam, dường như không quan tâm nhiều đến chuyện cần phải xây dựng thương hiệu du lịch. Sự băn khoăn ấy lớn lên mỗi ngày khi tôi lang thang khắp Colombo rộng lớn. Quốc đảo này có hình giọt lệ, nhưng cũng có người nhìn ra giống một viên ngọc, hoặc trái lê, nên Sri Lanka được vinh danh bằng nhiều tên gọi mỹ miều: Giọt lệ Tích Lan hay Hòn ngọc Ấn Độ Dương.

Phiên âm “Tích Lan” xuất phát từ “Ceylon”, tên gọi cũ của Sri Lanka mà bây giờ người bản địa vẫn thích thú giữ lại trên hầu hết nhãn mác trà và cả biển hiệu khách sạn, ngân hàng, cũng như các văn phòng chính thức khác, mặc dù từ năm 1972, giấy tờ hành chính đã không còn xuất hiện Ceylon nữa. Có phải vì Ceylon nổi tiếng hơn Sri Lanka, hay người xứ họ cũng thích hoài niệm xưa cũ. Riêng tôi cũng thích Ceylon, bởi tên ấy xuất hiện nhiều ở văn chương, trong những cuốn sách in bằng giấy đen thời thiếu nguyên liệu. 

Nhà văn Di Li 

Mươi tuổi tôi đã chí mắt vào đấy để nhìn thấy Ceylon xa xôi, cái thuở các đại văn hào vẫn còn du hành khắp thế giới bằng xe lửa và tàu thủy. Họ cập bến hải cảng Colombo sầm uất, nơi mà 2.000 năm trước những thương nhân cổ đại từ Ba Tư, Trung Đông, Myanmar, Indonesia, Malaysia, Thái Lan đã qua lại tấp nập để bán buôn và tiếp nhiên liệu. Họ uống trà trên ô cửa sổ phòng khách xây theo kiểu Anh và ngắm nhìn những con tàu chỉ còn là một chấm tròn đen trũi trên Ấn Độ Dương rực nắng.

Và họ dạo chơi trong những khu chợ ầm ĩ đầy người bản địa đang hối hả bán mua bên những sọt gia vị. Rồi ngồi ké trên chiếc xe hơi cổ của một nhà tài phiệt nào đó trong công ty Đông Ấn Anh mà tò mò ngắm nhìn những đồn điền chè, quế, đường, tràm, cà phê, cao su xanh mướt triền đồi. Sau mỗi chuyến đi dài lê thê ấy, chứ chẳng phải thuộc loại cuống quýt như tôi, những vùng đất mới sẽ ẩn hiện trong tác phẩm, càng hay hơn khi thấp thoáng vài cô gái bản địa với nụ cười kín đáo và đẹp một cách nhẫn nhịn. 

Sự quật cường sau nửa thế kỷ độc lập

Trong cuốn du ký kinh điển “Phương Đông lướt ngoài cửa sổ” mà tôi chẳng lấy làm yêu thích gì cho lắm, Paul Theroux đến Ceylon từ năm 1973, thời thịnh trị của Sirimavo    Bandaranaike (nữ Thủ tướng đầu tiên ở châu Á). Tác giả chỉ dành cho “Giọt lệ Tích Lan” vỏn vẹn hơn chục trang với những chán ngắt từ cảm xúc về “hòn đảo Ceylon đói kém”: những tri thức dự hội thảo phàm ăn, những kẻ đi tàu hay xin vặt và cả những gã trơ trẽn ở cảng Colombo. Không có gì về Ceylon ngoài sự nhàm tẻ và chết đói.

Nhưng kể cũng đã 45 năm qua rồi. Nửa thế kỷ để một quốc dân lột xác như cách người am tường rửa sạch viên ngọc bị chôn vùi và lãng quên trong đất cát trước khi soi nó dưới ánh đèn vàng mà ngắm nghía từng vệt sáng lấp lánh tinh khiết đang tỏa ra từ những lát cắt. Nhưng ngạc nhiên thay, 50 năm trước, dường như Ceylon hấp dẫn du khách mộ điệu còn hơn cả bây giờ, khi mà các tập đoàn 5 sao Hilton, Cinnamon Grand, Kingsbury đang dàn hàng trên đại lộ Galle Face Green để sẵn sàng cung cấp những dịch vụ hoàn hảo và xa xỉ nhất thế giới. 

Cộng đồng Sri Lanka có 75% người Sinhala và 18% người Tamil. Thiểu số ấy nhất định đòi thành lập nhà nước Ealam độc lập ở Đông Bắc Sri Lanka. Nhà nước nào cũng ghét ly khai. Và sau mỗi cuộc tranh đấu cho ly khai, ngân sách sẽ bị thâm hụt còn nhân dân thì khốn đốn. Đối nội chẳng xong, Chính phủ hết hơi cho quảng bá du lịch, vả cũng chẳng du khách nào báu bở mà mò đến một quốc gia đang có nội chiến.

Nhưng có lẽ càng thế, lại thấy sự phát triển của Sri Lanka là một sự phi thường. Khi tôi viết những dòng này, Sri Lanka đang nhộn nhịp kỷ niệm 70 năm ngày giành lại độc lập từ tay người Anh (4-2-1948). Và thể tất, kỷ niệm cả sự quật cường hồi phục sau nửa thế kỷ độc lập.