Sự hồi sinh kỳ diệu của cô gái đánh bom liều chết

ANTD.VN - Halima, năm nay 20 tuổi đáng ra đã chết tại một khu chợ ở Chad khi được nhóm khủng bố Boko Haram giao nhiệm vụ gia nhập nhóm đánh bom liều chết. Tuy nhiên, vào ngày cuối năm 2015, cô gái đã sống sót và hiện đang học cách để làm lại cuộc đời.

Chỉ còn vài mét nữa là đến ngôi làng quê hương yêu dấu, Halima không thể chần chừ được nữa, đôi chân rảo bước nhanh khi nhìn thấy những túp lều đầu tiên. Đó là cảm giác sung sướng khi được về nhà, dù chỉ là một chuyến thăm ngắn. Dáng đi của Halima cứ xiêu vẹo, bởi cô không dễ dàng gì đi trên cát bằng… đôi chân giả.

Halima không mấy khi về thăm nhà trên đảo Gomerom Doumou thuộc khu Hồ Chad, nằm ở rìa phía Nam của Sahara và nối liền một dải Cameroon, Chad, Nigeria và Nigeria. Quãng đường từ thị trấn nhỏ Bol ở Chad đến hòn đảo quê hương của Halima thường phải đi bằng thuyền, mất độ 1 tiếng rưỡi, len lỏi qua một mê cung của những hòn đảo nhỏ và thảm cỏ nổi.

Cô chạy qua hàng rào gỗ nhà cha mẹ, nhưng không ai ở nhà. Dân làng ở đây thường đi xa nhiều ngày, thậm chí vài tuần để câu cá hoặc đưa đàn gia súc đến nơi có điều kiện chăn thả tốt hơn. Ở trung tâm ngôi làng, những người hàng xóm cũ của Halima đang ngồi trong bóng râm. Họ chào phái đoàn đi cùng Halima với cái gật đầu khe khẽ. Nhóm này bao gồm ông Mahamat Boka  - Thị trưởng của Bol, người cũng làm giáo viên và đang hướng dẫn Halima đọc và viết; Eli Sabuwanka, một nhân viên của tổ chức viện trợ Nhân đạo và Toàn diện. Cả nhóm đã giúp Halima có được đôi chân giả.

Sự hồi sinh kỳ diệu của cô gái đánh bom liều chết ảnh 1Được học đọc, viết, Halima nhận ra giáo dục là vũ khí lợi hại nhất chống lại quân khủng bố Boko Haram

Theo tiếng gọi của đội quân thánh chiến

Halima đã có một tuổi thơ tuyệt vời ở Gomerom Doumou và cô yêu mảnh đất này, nơi thời gian dường như đứng yên, với cát mịn và hàng cây rợp bóng mát khi mặt trời lên cao. Ở đó có những túp lều làm từ bùn, gỗ và lau sậy, xung quanh là đàn gia súc nhởn nhơ. Cuộc sống bình lặng này đã kết thúc vào ngày cô phải theo chồng đến khu trại của nhóm khủng bố Boko Haram. Vài năm sau, Halima trở thành một kẻ đánh bom tự sát.

Kết hôn ở tuổi 14, không ai hỏi Halima rằng đó có phải là điều cô muốn hay không. Chồng cô chỉ hơn vài tuổi và anh ta gia nhập nhóm khủng bố Boko Haram, giống như nhiều cư dân khác trên các đảo thuộc hồ Chad. Họ đi theo tiếng gọi của đội quân này do cảm thấy tương lai mịt mờ, lại thấy Boko Haram hứa hẹn sẽ thực thi luật Hồi giáo Sharia hà khắc và quét sạch nạn tham nhũng tràn lan. 

Trong nhiều năm, Boko Haram đã phát động một chiến dịch bạo lực nhằm thiết lập một nền Hồi giáo thần quyền ở khu vực Đông Bắc Hồi giáo ở Nigeria, không xa đảo quê hương của Halima. Hơn 27.000 người đã thiệt mạng vì các cuộc tấn công do tổ chức khủng bố này thực hiện trong suốt 9 năm qua và 1,8 triệu người đã phải bỏ quê hương đi lánh nạn. 

Không lâu sau khi kết hôn, Halima theo chồng đến trại Boko Haram. Điểm dừng chân đầu tiên của họ là một khu định cư nhỏ ở Cameroon. “Ở đó thật tồi tệ. Hầu như không có gì để ăn”, cô kể. Thời gian đó, chồng cô đi vắng biền biệt, rồi họ được lệnh rời đến Nigeria. Lần này, họ lặn lội di chuyển nhiều ngày liền, trong cảnh đói khát và trẻ sơ sinh thì không thể sống sót sau cuộc hành trình. “Các bà mẹ chỉ đơn giản là phải để những đứa con chết bên lề đường”, Halima ngậm ngùi kể lại. Cô ở lại với Boko Haram cho đến ngày 22-12-2015 - ngày xảy ra vụ tấn công.

Sự hồi sinh kỳ diệu của cô gái đánh bom liều chết ảnh 2Halima chịu cảnh tật nguyền vì mất 2 chân sau vụ nổ bom

Không đi cũng sẽ bị giết

Halima rất sùng đạo và luôn là người đầu tiên có mặt tại những buổi thuyết giảng về kinh Koran ở Nigeria. Nhưng sau đó, một vị chức sắc tôn giáo nói rằng cô có thể đi thẳng lên thiên đường nếu trở thành một “kamikaze” - kẻ đánh bom liều chết mặc dù Halima không tin rằng một vụ đánh bom tự sát có thể là ý muốn của Chúa trời. “Nếu không đi, chúng tôi sẽ giết cô”, những chiến binh Boko Haram nói với cô. Halima đã cố gắng trốn 7 lần, nhưng lần nào cũng bị bắt lại. Sau thất bại cuối cùng, một trong những chiến binh nói với cô: “Nếu còn chạy trốn lần nữa, chúng tôi sẽ tàn sát cô như một con vật”.

Nhớ lại thời điểm được lựa chọn là “kamikaze”, Halima thoáng chốc giận dữ: “Đáng lẽ chồng tôi phải đi, nhưng anh ta không muốn”. Đến ngày họ được cử đi làm nhiệm vụ, Halima đi cùng 4 người đàn ông và 2 người phụ nữ khác. Halima đã hy vọng có thể sử dụng cơ hội này để trốn thoát, nhưng cô và những người khác đã bị đánh thuốc mê. “Tôi lơ mơ và chỉ nhớ mang máng những gì đang diễn ra”, cô nhớ lại. Các thiết bị nổ được đóng gói trong ba lô và túi, Halima cho vào túi nilon xách đi, một số người khác có dây đai quấn quanh người. 

Họ đi theo con đường xuyên hồ đến Chad, một hành trình dài 3 ngày đầy gian nan. Cả nhóm đã được lệnh đặt bom vào khu chợ họp ban ngày ở Iga, gần thị trấn nhỏ Bol. “Khi chúng tôi lên bờ tới Chad, trời đã tối”, Halima kể, nhưng những người bảo vệ làng đã phát hiện ra nhóm người lạ khi họ lầm lũi đi trong bóng tối. 

Bị dân làng bao quanh, Halima đứng cách nhóm đi cùng một quãng ngắn, cô run rẩy cầu nguyện. Túi chứa đầy chất nổ của cô đang ở chỗ nhóm người kia và bọn họ đã kích nổ bom trong tình thế bị bao vây. Halima là người duy nhất sống sót, nhưng mảnh bom đã xé toạc cả hai chân cô. Không ai trong số dân làng mất mạng, chỉ có một số người bị thương vì mảnh đạn. Và dân làng đã cứu Halima, mặc dù cô là một trong những “kamikaze”. Cô bị mất máu nghiêm trọng và điều kỳ diệu là cô đã sống sót sau vụ nổ bom. 

Sự hồi sinh kỳ diệu của cô gái đánh bom liều chết ảnh 3Những con thuyền gỗ nối các đảo trên hồ Chad, nơi có nhiều thanh niên đi theo đội quân Boko Haram

Mở ra con đường sống 

“Nhiều người ở Bol ngày nay biết câu chuyện của tôi và đối xử tốt với tôi”, Halima nói. Cô cũng nhận được hỗ trợ từ Liên hợp quốc và các tổ chức viện trợ. Cô dần dần phải học cách chấp nhận cơ thể tàn tật của mình, chấp nhận những gì cô đã trải qua và kiểm soát cảm xúc của mình. Nhưng người phụ nữ trẻ cũng có một mục tiêu. “Tôi quyết tâm học đọc và viết tốt”, cô nói. Fanjanirina Ratsiferana, nhân viên của tổ chức Nhân đạo và Toàn diện nói: “Tôi đã gặp cô ấy khi cô ấy đang lê mình từ một gốc cây đến trường tiểu học để học”. Bây giờ Halima có chân giả và với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNPF), cô được học tại một trường tư thục nhỏ. Cô ấy sẽ không trở lại hòn đảo quê hương trong thời gian này. 

Được học đọc và học viết, Halima nhận ra rằng giáo dục là vũ khí tốt nhất chống lại đội quân khủng bố Boko Haram. Chỉ khi kinh tế - xã hội phát triển, đàn ông trong làng sẽ ngừng tham gia chiến đấu trong hàng ngũ quân khủng bố Boko Haram, phụ nữ sẽ không còn bị bắt cóc và các cô gái sẽ không còn kết hôn ngoài ý muốn. Nhưng ở Chad, một giáo viên thường phụ trách 120 học sinh, bởi vậy đội ngũ giáo viên thiếu trầm trọng. “Làng tôi đang phát triển và kết nối thương mại với bên ngoài. Nó cần một ngôi trường thích hợp với đủ giáo viên”, Halima nói trong chuyến thăm nhà ngắn ngủi.

Cuối buổi về thăm nhà, Halima được người hàng xóm đưa ra thuyền trên lưng lừa. Cô gái 20 tuổi lưu luyến ngắm từng chi tiết của ngôi nhà mình, và khi động cơ thuyền gầm rú, cô bưng mặt khóc.