Sử dụng sản phẩm “hồi xuân”: Kẻo mất tiền oan

ANTĐ - Chỉ trong một buổi tối trên truyền hình, hàng loạt các sản phẩm như Tố nữ nhất nhất, Sâm Angella, Viên uống Bảo xuân, Younger… với quảng cáo cùng một công dụng giúp chị em lấy lại tuổi xuân, sắc đẹp và sinh lý nữ đã khiến không ít khán giả phát ngán phải chuyển kênh vì sự quá lạm dụng của các công ty dược phẩm.

Bùng nổ thực phẩm phục hồi sinh lý

Đánh trúng vào tâm lý của nhiều phụ nữ ở tuổi mãn kinh, tiền mãn kinh, muốn được hồi xuân như thời con gái, các công ty dược phẩm đã thi nhau tung ra thị trường những sản phẩm với tác dụng cải thiện nội tiết tố, đánh thức tuổi xuân, mang lại vẻ đẹp hấp dẫn, quyến rũ. Nhưng thực chất, chất lượng sản phẩm như thế nào thì còn nhiều điều phải bàn. Chị Nguyễn Mai Hương, 40 tuổi, Dịch Vọng, Cầu Giấy quyết định đầu tư thử nghiệm. Sử dụng sản phẩm 3 tháng nhưng chị cũng chẳng thấy có tác dụng gì rõ rệt. Đáng nói là những sản phẩm này có giá không hề thấp. Trung bình một viên có giá thấp nhất là 4.000 đồng, cao nhất là 10.000 đồng, ngày 4 viên, như vậy một tháng người sử dụng cũng phải chi một khoản tiền lên tới vài triệu đồng. Chị Nguyễn Mai Hương cho biết: Cảm giác như mình bị lừa. Nếu nói phải sử dụng thời gian dài mới có tác dụng, tức một năm thì số tiền phải bỏ ra cũng lên tới 15-20 triệu đồng mà không biết có cải thiện được “tuổi xuân” hay không chưa kể nếu dừng thuốc thì lại trở về ban đầu.

Còn với nam giới, “tăng cường sức mạnh đàn ông”, “thời gian thể hiện đẳng cấp”, “phong độ đỉnh”... lại là những khẩu hiệu thương mại được in trên nhiều loại thực phẩm chức năng dành cho đàn ông để thu hút giới mày râu quan tâm. Đối tượng sử dụng được hướng dẫn chung là nam giới bị các triệu chứng yếu sinh lý, rối loạn cương dương, liệt dương, xuất tinh sớm, vô sinh nam do tinh trùng ít và yếu, mãn dục nam... Điển hình là loại thực phẩm chức năng được quảng cáo có tác dụng kích thích cơ thể tăng tiết hormone giới tính một cách tự nhiên, có tác dụng nhanh và kéo dài thời gian sinh hoạt tình dục. 

Theo số liệu tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, hiện 1-2%/tổng số khoảng 4.000 thực phẩm chức năng đã được cấp phép thuộc nhóm hỗ trợ sinh lý, bổ sung estrogen và testosterone cho nữ và nam giới. Đó là một con số không hề nhỏ. 

Tuy nhiên theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, lão hóa là một quá trình hoàn toàn tự nhiên mà không một ai có thể tránh khỏi. Những sản phẩm với quảng cáo phục hồi sinh lý thực chất chỉ là hỗ trợ một phần và có người hợp, có người không hợp. Do vậy không thể nói uống loại này, loại kia là quá trình lão hóa của cơ thể sẽ dừng lại. 

Lạm dụng thầy thuốc để quảng cáo

Có thể thấy rất nhiều sản phẩm được giới thiệu và khẳng định tác dụng bởi bác sĩ tại các bệnh viện có tên tuổi. Ví dụ sản phẩm B. được quảng cáo là do bác sĩ T ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương nghiên cứu lâm sàng trên 35 phụ nữ và khẳng định có tác dụng tốt. Điều này khiến người tiêu dùng đặt câu hỏi liệu có sự liên kết giữa bác sĩ và công ty dược phẩm để đánh vào lòng tin của khách hàng.

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, quy định hiện hành cấm thầy thuốc và cơ sở y tế sử dụng hình ảnh, uy tín của mình để quảng cáo. Nghiêm cấm sử dụng tên, hình ảnh thầy thuốc để tư vấn về bất kỳ sản phẩm cụ thể nào. Như vậy rõ ràng các công ty dược phẩm đã vi phạm quy định về quảng cáo, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Tại các nước trên thế giới, thực phẩm chức năng thường được bán ở siêu thị và giá rẻ hơn so với thuốc chữa bệnh. Đồng thời cũng không có kiểu giới thiệu thực phẩm chức năng do bệnh viện nghiên cứu lâm sàng hoặc do bác sĩ  nổi tiếng quảng cáo tiếp thị.