Chuyến du hành khám phá quá khứ qua bảo tàng “ảo” (Bài 2):

Sự “đứng im” khó hiểu của các bảo tàng trước sự phát triển của công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Dù biết là xu thế tất yếu trong hoạt động bảo tàng tương lai, nhưng ở Việt Nam, bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ và có kế hoạch chuẩn bị kỹ càng của một số bảo tàng, vẫn có không ít các đơn vị “đứng im” trước cuộc chuyển mình của công nghệ.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiến hành trưng bày 3D “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” từ cách đây vài năm

Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiến hành trưng bày 3D “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” từ cách đây vài năm

Khi “ảo” chi tiết hơn thật…

Các đơn vị bắt tay vào thực hiện xây dựng bảo tàng “ảo” 360 trên toàn quốc chỉ tính trên đầu ngón tay. Điều đó đủ nói lên sự hiếm hoi và khó khăn khi các đơn vị bảo tàng bắt tay vào quá trình số hóa hiện vật và xây dựng không gian “ảo” trên Internet. Đi đầu trong xu hướng này có thể kể đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Từ năm 2013, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã dùng ứng dụng này để giới thiệu 2 trưng bày chuyên đề: “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam”.

Sau phản hồi tích cực của công chúng bao gồm cả về nội dung và phương thức chuyển tải hiện đại, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp tục lập kế hoạch và xây dựng nội dung giới thiệu hệ thống trưng bày thường trực. Khi truy cập vào website của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, người truy cập sẽ thấy hiện ngay lên phần tham quan bảo tàng “ảo” ở nội dung “Tham quan 3D”. Tại đây, bảo tàng đã xây dựng 4 nội dung tham quan trực tuyến là Việt Nam thời tiền sử, văn hóa Đông Sơn, Triều Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần và Óc Eo - Phù Nam.

Có những khách tham quan đánh giá rằng, xem trưng bày “ảo” thấy dễ hiểu, chi tiết và đầy đủ thông tin hơn tham quan trưng bày thật. Chẳng hạn, khi quan sát trống đồng Ngọc Lũ trong tủ kính tại khu trưng bày thực, du khách không thể cảm thụ được hết những giá trị của bảo vật quốc gia này.

Nhưng khi tham quan trên trưng bày tương tác “ảo” 3D, khách tham quan có thể quan sát được các chi tiết hoa văn trang trí cũng như các thông tin chi tiết về hiện vật và tự tương tác với các nội dung tham quan mà mình mong muốn... Dù được đánh giá tích cực, tuy nhiên trong số khoảng hơn 9 triệu lượt truy cập website/năm của Bảo tàng Lịch sử quốc gia thì đến nay, bảo tàng cũng chưa có công cụ để đánh giá lượt truy cập cũng như đánh giá, mức độ khai thác của công chúng đối với bảo tàng ảo 3D này.

Bên cạnh các đơn vị đang bắt tay vào xây dựng trưng bày 3D, hiện đa số các bảo tàng trong nước đều trung thành với lối trưng bày thực tế. Con số này đạt tỉ lệ rất cao, gần như 100% đối với các bảo tàng tuyến tỉnh, thậm chí còn có cả các bảo tàng tuyến Trung ương.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - một trong những bảo tàng hàng đầu của cả nước về trưng bày tác phẩm nghệ thuật hiện nay vẫn chưa tiến hành trưng bày 3D cũng như xây dựng bảo tàng “ảo”. Trong 1, 2 năm trở lại đây, dù đã chăm sóc nhiều hơn tới website của mình, nhưng các triển lãm được đưa lên fanpage hay website cũng chỉ dừng lại ở việc đưa tác phẩm của các danh họa kèm theo chú thích bằng hình thức trưng bày đơn giản, cho dù đó là một xu thế tất yếu trong hoạt động bảo tàng.

Bảo tàng “ảo” có độ chân thực và sống động không thua kém gì bảo tàng thực tế (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Mỹ)

Bảo tàng “ảo” có độ chân thực và sống động không thua kém gì bảo tàng thực tế (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Mỹ)

Không đồng bộ trong tiến hành bảo tàng “ảo”

Giải thích cho việc chậm trễ áp dụng công nghệ trong trưng bày, ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, bảo tàng không gặp khó khăn ở kinh phí thực hiện nhưng lại gặp khó khăn ở nội dung trưng bày. Việc thống nhất được nội dung đưa lên online vẫn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp từ đội ngũ chuyên môn cũng như giới nghiên cứu. Chính vì thế, bảo tàng cứ nhùng nhằng giữa việc nên hay không. Và nếu mọi chuyện thuận lợi, sớm nhất trong năm 2020, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mới bắt tay vào xây dựng bảo tàng “ảo” 3D.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam do Nhà nước đầu tư xây dựng và nằm trong hệ thống các bảo tàng quốc gia ở Việt Nam, đến nay trên website của bảo tàng cũng chưa áp dụng công nghệ để giúp du khách tiếp cận các hoạt động và hiện vật từ xa. Bà An Thu Trà - Phó trưởng Phòng Trưng bày, Truyền thông và công chúng (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) cho biết, đơn vị này từng làm bảo tàng “ảo” bỏ túi bằng các đĩa CD từ rất sớm.

Và đến nay, không phải Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chưa bắt tay vào thực hiện bảo tàng “ảo” 3D. Xu hướng này đã được đơn vị nắm bắt và xây dựng dự án thực hiện. Tuy nhiên, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thận trọng và muốn đánh giá hiệu quả thực sự của mô hình bảo tàng “ảo” dựa trên nền tảng phát triển của công nghệ. Từ đó sẽ đề xuất các hướng khai thác cho phù hợp với thực tế hoạt động.

“Chúng tôi mong muốn áp dụng công nghệ và khao khát làm bảo tàng “ảo” 3D và có ý tưởng để thực hiện. Nhưng bây giờ, chúng tôi không vội vàng mà cần đánh giá lại mô hình này để hướng đến cái đích cuối cùng là mang lại hiệu quả, sự hài lòng trong sử dụng công nghệ cho du khách” - bà An Thu Trà nói.

Với các bảo tàng tuyến tỉnh hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn ngân sách, việc chưa bắt tay vào xây dựng bảo tàng “ảo” 3D được một chuyên gia nhìn nhận là do vấn đề kinh phí. Nguồn ngân sách eo hẹp vốn để duy trì hoạt động đã khó thì nói gì việc làm những thứ lớn lao hơn. Chưa kể, trong quá trình tinh gọn bộ máy hoạt động, không ít các địa phương đã sáp nhập các bảo tàng vào các đơn vị khác, làm cho chức năng của bảo tàng bị biến đổi, không trọn vẹn và toàn tâm toàn ý với công tác bảo tồn và phát huy giá trị hiện vật.

Chính vì thế, xu thế phát triển của bảo tàng thế giới hầu như nằm ngoài các bảo tàng tuyến tỉnh. Tuy nhiên, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, một trong những bảo tàng tuyến tỉnh hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo du khách tới tham quan dù mới ra đời vào năm 2013 nhưng trên website đã có ngay chương trình tham quan trực tuyến dễ hiểu, dễ áp dụng.

Một người chưa từng tới bảo tàng này vẫn hoàn toàn có thể nắm bắt không gian trưng bày với các phòng ốc, hiện vật. Đây có thể coi như điểm sáng hiếm hoi của hệ thống bảo tàng tuyến tỉnh đã áp dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động của mình. Lý do có nhiều, nhưng có lẽ, cơ chế tự chủ đã giúp cho bảo tàng này chủ động và linh hoạt trong sử dụng nguồn vốn.

“Bảo tàng không gặp khó khăn ở kinh phí thực hiện nhưng lại gặp khó khăn ở nội dung trưng bày. Việc thống nhất được nội dung đưa lên online vẫn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp từ đội ngũ chuyên môn cũng như giới nghiên cứu. Chính vì thế, bảo tàng cứ nhùng nhằng giữa việc nên hay không. Và nếu mọi chuyện thuận lợi, sớm nhất trong năm 2020, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mới bắt tay vào xây dựng bảo tàng “ảo” 3D”.

Ông Nguyễn Anh Minh (Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)

“Chúng tôi mong muốn áp dụng công nghệ và khao khát làm bảo tàng “ảo” 3D và có ý tưởng để thực hiện. Nhưng bây giờ, chúng tôi không vội vàng mà cần đánh giá lại mô hình này để hướng đến cái đích cuối cùng là mang lại hiệu quả, sự hài lòng trong sử dụng công nghệ cho du khách”.

Bà An Thu Trà (Phó trưởng Phòng Trưng bày, Truyền thông và công chúng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam)

(Còn tiếp)

Bài 3: Bảo tàng “ảo”: Khó khăn xây dựng không nằm ở kinh phí