Sử dụng điện thoại, tai nghe khi tham gia giao thông: Hại mình, hại cả người khác

ANTĐ - Hiện nay không ít người, đặc biệt là các bạn trẻ đang có trào lưu vừa tham gia giao thông vừa sử dụng tai nghe để học ngoại ngữ và nghe nhạc. Điều này không chỉ đe dọa sự an toàn của bản thân  mà còn cho những người xung quanh.

Sử dụng điện thoại, tai nghe khi tham gia giao thông: Hại mình, hại cả người khác ảnh 1Sử dụng điện thoại, tai nghe khi tham gia giao thông tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn

Chết vì thiếu hiểu biết

Cách đây ít ngày, tại địa phận huyện Thường Tín (Hà Nội) đã xảy ra vụ tai nạn đường sắt khiến một nam thanh niên tử vong tại chỗ. Nạn nhân được xác định là anh N.V.B - sinh viên một trường cao đẳng trên địa bàn. Theo những người chứng kiến, nguyên nhân là do thanh niên này đeo tai nghe và bằng qua đường sắt mà không để ý đèn tín hiệu báo tàu đang đến. Cũng liên quan đến tàu hỏa, anh N.L.H (41 tuổi, ở phường 15, quận Gò Vấp, TP.HCM) đã tử vong tại chỗ khi đi xe máy qua điểm giao cắt với đường sắt. Do đeo tai nghe nhạc, anh H đã không nghe thấy tiếng còi cảnh báo của bộ phận rào chắn nên đã đâm thẳng xe vào đoàn tàu đang chạy.

Không chỉ phải trả giá bằng mạng sống của mình, một số người đeo tai nghe khi tham gia giao thông còn có hành vi chống người thi hành công vụ khi được yêu cầu dừng xe. Ngày 15-10 vừa qua, tại Km111+ 600, Quốc lộ 4D, thuộc huyện Sa Pa, tổ CSGT CAH Sa Pa (Lào Cai)  khi tuần tra kiểm soát ở khu vực này đã phát hiện một người điều khiển xe môtô sử dụng thiết bị âm thanh (đeo tai nghe) khi tham gia giao thông. Khi bị ra tín hiệu dừng xe, người này không những không chấp hành mà còn cố tình tăng ga lao thẳng vào những người đang làm nhiệm vụ, khiến 1 CSGT bị gãy chân.

Trước đó, tại khu vực đường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, lực lượng CSGT đã ra hiệu lệnh yêu cầu một nam thanh niên dừng xe để kiểm tra do anh này vừa đeo tai nghe vừa điều khiển xe phân khối lớn chạy tốc độ cao. Tuy vậy, người thanh niên này đã đột ngột tăng tốc bỏ chạy. Do phóng quá nhanh, không làm chủ được tốc độ, đối tượng vi phạm đã đâm vào 2 xe máy đi cùng chiều. Lý giải về nguyên nhân dẫn đến hành vi này, nam thanh niên khai nhận do có uống rượu, lại đeo tai nghe nhạc nên không nghe thấy hiệu lệnh dừng xe, không làm chủ được tay lái.

Có thể nói, trong cuộc sống hàng ngày, tai nghe là một vật dụng khá hữu ích của mỗi cá nhân khi muốn nghe nhạc, nghe đài mà không làm ảnh hưởng tới những người xung quanh. Tuy vậy, nó cần được sử dụng đúng lúc. Bạn Nguyễn Hồng Hạnh - sinh viên Trường ĐH Quốc gia chia sẻ, hiện nay trên đường rất dễ bắt gặp hình ảnh các bạn học sinh, sinh viên vừa đeo tai nghe, thậm chí vừa nhắn tin, gọi điện khi tham gia giao thông. Mặc dù các phương tiện khác nháy đèn, bóp còi xin vượt, song các bạn này hầu như không nghe thấy, chỉ đến khi bị CSGT yêu cầu dừng xe mới… bừng tỉnh.  Điều đáng nói là hầu hết những người sử dụng tai nghe khi đi đường đều cho rằng việc làm của họ là vô hại. 

Dễ gặp tai nạn

Về tình trạng trên, theo đại diện của Phòng CSGT - CATP Hà Nội, thời gian gần đây, số lượng các vụ tai nạn do sử dụng máy nghe nhạc MP3, điện thoại di động hay các thiết bị điện tử khác trong lúc di chuyển có chiều hướng gia tăng. Việc sử dụng tai nghe khi điều khiển phương tiện sẽ khiến người tham gia giao thông không thể nghe được tiếng còi hiệu của phương tiện khác cũng như tín hiệu điều khiển của CSGT, đồng thời bị mất tập trung lái xe, trong khi đó, giao thông luôn tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ. Ngoài tai nghe, việc sử dụng điện thoại khi lái xe cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Không chỉ người đang điều khiển phương tiện mà ngay cả người đi bộ đeo tai nghe khi đi đường cũng rất dễ gặp tai nạn.

Đeo tai nghe khi tham gia giao thông là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Khoản 3, Điều 30, luật này đã quy định rõ, người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi: Đi xe dàn hàng ngang; Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác; Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính… Còn theo Điều 6, Nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường; Không có báo hiệu xin vượt trước khi vượt; Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính khi điều khiển xe sẽ bị phạt tiền từ 60.000 - 80.000 đồng…

Số liệu thống kê cho thấy, chỉ tính riêng năm 2014, ở Delhi, Ấn Độ đã có gần 400 người thiệt mạng trong các vụ tai nạn xe lửa vì đeo tai nghe nhạc khi băng qua đường ray. Mặc dù đã được các lực lượng chức năng nhắc nhở, cảnh báo, chế tài xử phạt đã có, song không ít người vẫn tỏ ra coi thường, phớt lờ quy  định, cố tình duy trì thói quen có hại này. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh, mỗi cá nhân cần sử dụng tai nghe đúng lúc, đúng thời điểm, kẻo khi xảy ra tai nạn mới hối hận thì đã quá muộn.