Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Tội ác cần ngăn chặn!

ANTĐ - Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, tình hình vi phạm ATTP trong nông nghiệp vẫn nhức nhối. Ngành nông nghiệp vẫn nổi cộm những vấn đề gây bức xúc như việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn tràn lan, lạm dụng kháng sinh trong thú y, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng... làm mất uy tín của nông sản Việt.
Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Tội ác cần ngăn chặn! ảnh 1

Hiện người dân khá dễ dàng mua bán các chất cấm trong chăn nuôi như Salbutamol và Clenbuterol

10% mẫu rau tồn dư thuốc vượt ngưỡng 

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho hay, số liệu giám sát ATTP nông thủy sản trên diện rộng 9 tháng qua cho thấy, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm ATTP còn cao, một số chỉ số ATTP chưa cải thiện so với năm 2014. Cụ thể, còn 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng vượt ngưỡng cho phép; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt mức giới hạn cho phép; 16% mẫu thịt phát hiện có Salmonella, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng.

Trong khi đó, trung bình hàng năm, tỷ lệ mẫu rau tồn dư thuốc BTVT vượt ngưỡng chỉ ở mức 6-8%. Đại diện UBND TP Hà Nội và TP.HCM đều cho rằng, 9 tháng qua cả 2 địa phương đều tăng cường thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu các loại nông lâm thủy sản để phân tích, giám sát chất lượng. Ngoài ra, đã thực hiện ký kết với các tỉnh, thành phố lân cận trong việc giám sát nguồn thực phẩm cung cấp vào Hà Nội và TP.HCM, hình thành các chuỗi sản xuất rau, củ và chăn nuôi an toàn.

Tuy nhiên, cả 2 thành phố  đều là những đô thị đông dân cư, mức tiêu thụ thực phẩm lớn, trong khi nguồn cung phụ thuộc khá nhiều vào các tỉnh, thành phố lân cận nên việc kiểm soát chưa được chặt chẽ. Còn tại các tỉnh vùng biên giới như Sơn La, Lào Cai đều cho biết, do đường biên kéo dài, việc buôn bán qua lại giữa cư dân biên giới 2 nước khó kiểm soát, nên thuốc trừ sâu lậu vẫn tuồn được qua biên giới. 

Dùng kháng sinh kích thích tăng trưởng

Liên quan đến vấn đề nóng nhất hiện nay là tình trạng sử những chất cấm trong chăn nuôi có khả năng gây ung thư, chất kháng sinh trên gia súc, gia cầm và thủy sản gây hại cho người tiêu dùng, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay: “Đáng lo ngại, qua giám sát của Bộ NN&PTNT, tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi không chỉ rộ lên tại các tỉnh phía Nam mà các mẫu thịt, thủy sản lấy tại thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận cũng cho kết quả dương tính”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đặt vấn đề, chất cấm trong chăn nuôi được người dân mua theo từng túi nilon về trộn vào thức ăn chăn nuôi (TACN). Ngoài ra, hiện có tình trạng người chăn nuôi sử dụng kháng sinh trộn vào TACN, một mặt là để phòng bệnh, mặt khác lại như một loại kích thích tăng trưởng. Vậy nguồn gốc các chất cấm và kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi từ đâu ra? Có thể là hàng buôn lậu, nhưng cũng có nguồn từ y tế tuồn sang sử dụng trong nông nghiệp. 

“Đề nghị Bộ Y tế giám sát chặt việc nhập khẩu các chất cấm và tình hình sử dụng kháng sinh hiên nay. Tôi cũng đề nghị Bộ Công an cùng vào cuộc, tìm ra đầu nậu và đường dây buôn bán các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi để triệt tận gốc. Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là một tội ác, không khác gì buôn bán ma túy. Chúng ta phải cùng nhau làm quyết liệt, dứt khoát phải chặn đứng tình trạng này, còn vào cuộc đều đều như thời gian vừa qua thì cứ chìm xuống rồi lại bùng lên.

Không thể chấp nhận tình trạng vì lợi ích của một vài cá nhân mà gây ảnh hưởng tới sức khỏe hàng chục triệu người”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh. Tại cuộc họp với 63 tỉnh, thành phố về đợt cao điểm xử lý vi phạm ATTP chiều 19-10, đại diện Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cho biết, ngay đầu tháng 10, Bộ Công an đã có kế hoạch riêng về trấn áp tội phạm liên quan đến ATTP và đã triển khai tại 63 tỉnh, thành phố. Đại diện cục kiến nghị, cần siết chặt việc lưu thông các chất Salbutamol và Clenbuterol vì việc mua bán các chất này vẫn khá dễ. 

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, hành vi buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cần phải được xử lý nghiêm, thậm chí có thể xử lý hình sự chứ không chỉ phạt tiền đối với các cơ sở, đối tượng tái phạm. Ngoài ra, tại các địa phương cần vận động sự vào cuộc của các cấp hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, cảnh báo đến từng hộ dân và người tiêu dùng về hành vi, sản phẩm, nguy cơ cụ thể.