Sử dụng bằng cấp giả có thể bị phạt tù tới 7 năm

ANTD.VN -Như Báo ANTĐ đã đưa tin, hai năm nay, ĐH Đông Đô đã cấp Bằng tốt nghiệp đại học văn bằng 2 chuyên ngành tiếng Anh cho hàng trăm sinh viên trong khi đơn vị này không được cấp phép đào tạo.

Sự việc trên cho thấy, tình trạng sử dụng bằng giả và mua bán bằng giả đang diễn ra khá phổ biến, khiến người dân đặt câu hỏi: "khi những vụ làm giả bằng cấp bị phát hiện, cơ quan chức năng có quyền công khai những giấy tờ giả này nhằm tránh phát sinh những hệ lụy? Đối tượng thuê làm bằng giả để sử dụng vào mục đích cá nhân sẽ bị xử lý ra sao"?

Cần công khai văn bằng giấy tờ giả

Về vấn đề công khai văn bằng giấy tờ giả, theo Luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Huy, Khoản 2 điều 32 BLDS 2015 quy định, việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Do đó, cơ quan chức năng có quyền công khai những bằng cấp giả nhằm phục vụ yêu cầu của công tác điều tra, làm rõ sự việc.

Bằng Tiến sỹ cũng được một số đối tượng làm giả với giá tiền triệu

Về trách nhiệm của người mua bằng và dùng bằng giả, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm của hành vi sử dụng bằng giả mà cá nhân này có thể bị xử lý hành chính, kỷ luật hoặc hình sự - Luật sư Nguyễn Đào Tơ cho biết.

Về xử lý kỷ luật, theo Nghị định 34/2011/NĐ-CP và Nghị định 27/2012/NĐ-CP, cán bộ, công chức, viên chức sử dụng bằng giả bị xử lý kỷ luật như sau:

Cán bộ bị Tòa án phạt tù (vì hành vi sử dụng bằng giả) mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc. Công chức, viên chức có hành vi sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc đơn vị sự nghiệp công lập thì bị xử lý kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.

Riêng đối với trường hợp sử dụng bằng giả để học ở bậc học cao hơn thì bị xử lý với hình thức là đuổi học (nếu chưa học xong) hoặc hủy bỏ kết quả học tập, bằng (nếu đã học xong).

Về biện pháp xử lý hành chính, Điều 17 Nghị định 79/2015/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp quy định về mức xử phạt với hành vi sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp nêu rõ:

Phạt tiền từ 7-10 triệu đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, cá nhân thực hiện hành vi trên có thể phải chịu hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này.

Có thể xử lý hình sự

Cũng theo Luật sư Nguyễn Đào Tơ, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp giả có thể  bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341 BLHS 2015 sửa đổi về Tội làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Làm từ 2 - 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác, thu lợi bất chính từ 10-50 triệu đồng…thì bị phạt tù từ 2-5 năm.

Phạm tội làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 3-7 năm.

“Việc người sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không cần xem xét đến mục đích của hành vi. Nếu mục đích của các bên hướng tới là nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341 BLHS 2015” – Luật sư Nguyễn Đào Tơ nhận định.