“Sự đồng cảm không phải chạm tay mà có được!”

ANTĐ - Với chủ đề “Xuân đất nước - từ Điện Biên đến Trường Sa”, ngày thơ Việt Nam lần thứ 12 sẽ diễn ra tại Văn Miếu Quốc Tử Giám vào sáng ngày Rằm tháng Giêng (14-2) . Với chủ đề trên, ngày thơ là dịp thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm công dân trước vận mệnh đất nước, đặc biệt với chủ quyền biển đảo. PV Báo An ninh Thủ đô đã có dịp trò chuyện cùng Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam về sức sống thơ ca trong lòng xã hội ngày nay.

“Sự đồng cảm không phải chạm tay mà có được!” ảnh 1
Ngày thơ Việt Nam là nơi thể hiện sức sống thơ ca hiện nay

- PV: Thưa ông, với 12 năm đều đặn diễn ra Ngày thơ vào Rằm tháng Giêng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, có đủ dài để nhìn lại và đánh giá sự thành công của chặng đường đã qua?

- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Đó là khoảng thời gian đủ để gây ảnh hưởng. Có thể nói, những người làm thơ và yêu thơ đã coi đây là lễ hội thơ ca thực sự của mình. Với từng chủ đề xuyên suốt, Ngày thơ Việt Nam không chỉ tôn vinh thơ mà còn là ngày bày tỏ  tình yêu, tôn vinh đất nước, con người, thể hiện tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia, mở rộng quan hệ, chống lại nguy cơ xâm phạm tổ quốc.

- Khi cuộc sống đã tạm gọi đủ đầy, liệu thế hệ hôm nay có còn tạo ra được những áng thơ để đời?

- Năm tháng kháng chiến chống Mỹ, đó là thời kỳ rất đặc biệt, khi tất cả dâng hiến cho cuộc đấu tranh vì độc lập vì hòa bình. Ở đó, khi mỗi người ra mặt trận, hay cầm bút viết họ luôn nằm trong trung tâm của niềm cảm hứng lớn lao, tiếng nói đó đồng nhất, vang dội, kiêu hãnh và mạnh mẽ. Còn bây giờ, đời sống thi ca đã thay đổi không có nghĩa tệ đi mà phù hợp đặc thù xã hội, phân chia ra nhiều tuyến hưởng thụ. Tất cả họ làm thơ đều là để hướng đến những điều tốt đẹp. Chẳng ai đòi hỏi họ phải trở thành nhà thơ nhận giải Nobel, nhưng thơ ca quả là nguồn chính tác động đến đời sống, tác động bằng nhiều cách. Chưa bao giờ người  sáng tác thơ Việt Nam nhiều như bây giờ, đa dạng từ thể loại cho đến hình thức thể hiện đề tài, cách nhìn nhận quan điểm và cả sự tự do…

- Nhưng đã từng có thời gian dài, thơ ca được cho là “mất mùa”, có năm, thơ không có mặt trong hệ thống giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam? Có phải, thơ bây giờ thiếu những đỉnh cao?

- Chúng ta đang bàn đến chuyện văn học không có đỉnh cao, nhưng liệu chúng ta đã nhìn và nhận ra những đỉnh cao đã có, đang có hôm nay hay không. Có những tác giả ta cần phải xem lại, thật kỹ lưỡng bằng con mắt khác,  khi thay đổi cách nhìn, khi có cách nhìn đúng đắn, ta sẽ phát hiện ra nhiều tài năng trẻ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

- Đọc thơ và hiểu thơ cần nhất vẫn phải là sự đồng cảm. Không lẽ có “khuôn vàng thước ngọc” cho thơ hay sao?

- Sự đồng cảm theo tôi là đôi khi người ta phải sống với nó một môi trường nào đó người ta mới có sự đồng cảm. Tôi ví dụ đơn giản thế này, một cô dâu về nhà chồng, liệu cô ta có đồng cảm ngay với gia đình nhà chồng và ngược lại, gia đình nhà chồng đã đồng cảm với cô ta chưa? Đơn giản là, cô ta mang một giọng nói khác, một lối sống khác, phong tục khác, cách thức khác, và không cùng chung một dòng máu. Phải đến một ngày nào đó, những giá trị đó mới được mở ra và người khác thừa nhận đó là giá trị khác biệt đồng thời cũng là giá trị nhân văn.  Lúc đó sự hòa đồng, đồng cảm sẽ có. Sự đồng cảm không phải chạm tay vào là có được mà khi đó anh ta phải sống, phải đổ mồ hôi và đôi khi trong lịch sử, phải đổ máu thì dân tộc này mới có sự đồng cảm với dân tộc kia. 

- Ở Việt Nam cứ ra ngõ là gặp nhà thơ, nhưng chúng ta chưa từng có giải thưởng tầm cỡ thế giới. Điều này có mâu thuẫn không?

- Chúng ta mong đợi điều đó nhưng chúng ta không định hướng được. Việc định hướng hay không cũng không thể vội vàng mà làm được Một vụ mùa văn chương không bao giờ giống vụ mùa khoai tây. Vụ mùa khoai tây có thể là 3 tháng nhưng văn chương thì có thể phải mất 30 năm. Tất nhiên giải Nobel không phải mục đích cuối cùng của các nhà văn,  nhà thơ, những nhà thơ ở làng tôi không cần giải Nobel mà chỉ cần tác phẩm của mình đi được qua hàng rào nhà hàng xóm. 

- Nhưng quanh nhà thơ còn biết bao nhiêu chuyện cơm áo, thực tế phũ phàng nó kéo cảm hứng xuống thì sao?

- Nghèo đói không ảnh hưởng đến thi ca. Giàu có triệu phú cũng không ảnh hưởng đến thi ca. Chỉ có những điều phi văn hóa, những điều làm tổn thương văn hóa. Năm 2013 là năm chúng ta bị tổn thương văn hóa. Những người trẻ, được dạy dỗ kỹ lưỡng chen nhau giành cho được một miếng shushi, điều đó làm tổn thương văn hóa. Vụ tranh cướp bia ở Đồng Nai cũng làm tổn thương văn hóa,  Khi nước Nhật, động đất sóng thần tràn qua, những tòa nhà hàng chục tầng sụp đổ xuống, nhân cách người Nhật đứng lên cao hơn. Còn chúng ta khi bia đổ, nhân cách đổ xuống theo. Anh muốn viết cái gì cho nhân loại thì trước hết anh phải sống đến tận cùng trên mảnh đất của anh, trong ngôi nhà của anh. Lúc đó sống mới là điều quan trọng, giải thưởng chỉ là vạch nhỏ, đánh dấu lên thân cây ngày tháng đã đi qua, sự kiện đã đi qua chứ không phải là mục đích... Khi sự hờ hững tăng lên, cảm hứng sống kém đi thì đã bịt lối vào những tác phẩm lớn. 

- Hiện nay thơ cách tân quá nhiều, hậu hiện đại quá nhiều, thực tế, sự hấp dẫn của thơ vẫn là có nhạc có vần…

- Có thể bạn đọc bài thơ không phải thơ mà là văn bản giống một bài thơ. Nhạc tính trong thơ có rất nhiều. Vốn ngôn ngữ Việt dễ tạo ra nhạc tính, còn một nhịp khác, đó là bên trong anh ta, hơi thở anh ta, cảm xúc của anh ta, sự nặng nề của anh ta… Phải đọc kỹ lưỡng và đọc nhiều lần mới tìm thấy, chủ đề này hơi phức tạp một tí. Điều mà bạn thắc mắc thì ngay cả các nhà thơ cũng nhiều lần tranh luận với nhau.

- Các nhà thơ mải mê với cách tân thì có quên đi thơ truyền thống? 

- Bên cạnh các ban nhạc trẻ, nhạc rock còn nhiều nhiều lắm các câu lạc bộ hát dân ca. Quan trọng là, khi con người còn tâm hồn, còn sống, còn ý nghĩa là còn muốn tối đó, đêm đó không ngủ được phải ngồi viết. Như thế thơ ca còn, và còn luôn cả những điều tốt đẹp. Vì thế, đâu có ngại điều đó! 

- Cảm ơn nhà thơ về cuộc trò chuyện!