Sự công bằng và nỗ lực thu hẹp khoảng cách tiếp cận vaccine Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, việc thế giới sử dụng vaccine Covid-19 chưa hợp lý, thiếu công bằng đã dẫn tới đại dịch chưa thể chấm dứt trên phạm vi toàn cầu.
Cuộc chiến chống kẻ thù chung rất cần sự đồng lòng và đoàn kết của cả cộng đồng quốc tế trong vấn đề phân phối công bằng vaccine Covid-19

Cuộc chiến chống kẻ thù chung rất cần sự đồng lòng và đoàn kết của cả cộng đồng quốc tế trong vấn đề phân phối công bằng vaccine Covid-19

Người đứng đầu WHO nhấn mạnh, lẽ ra đại dịch Covid-19 có thể đã được kiểm soát nếu vaccine được phân bổ công bằng hơn. Các chiến dịch tiêm chủng vaccine được triển khai nhằm bảo vệ người dân trên toàn thế giới, nhưng hiện mới có 1% dân số ở những quốc gia có thu nhập thấp được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine Covid-19. Trong khi một số quốc gia giàu có nhất đang cân nhắc việc tiêm mũi thứ 3 (liều nhắc lại) cho người dân, thì các nhân viên y tế, người cao tuổi và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khác ở phần còn lại của thế giới vẫn chưa được tiếp cận vaccine.

Chênh lệch tiêm vaccine Covid-19 tại các quốc gia

Tiếp cận công bằng vaccine Covid-19 đang trở thành vấn đề cấp bách cần được cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết trong bối cảnh có sự phân hóa sâu sắc giữa các nước trên thế giới về tỷ lệ người dân được tiêm chủng. Việc sớm đạt được một thỏa thuận quốc tế về bảo đảm sự tiếp cận công bằng vaccine cũng như các phương pháp chẩn đoán và điều trị Covid-19 được coi là cơ sở để mở đường cho kinh tế toàn cầu phục hồi bền vững; đây cũng là nội dung chính của cuộc đối thoại lần thứ hai giữa Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala - Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) Daren Tang cùng các nhà hoạch định chính sách cấp cao, người đứng đầu các tổ chức đa phương, các hãng sản xuất vaccine Covid-19, các tổ chức phát triển tài chính, sáng kiến y tế toàn cầu và các nhà hoạt động vì sức khỏe cộng đồng đã hướng tới với mục tiêu xác định những trở ngại và đề xuất các giải pháp để tăng cường sản xuất vaccine và thu hẹp khoảng cách chênh lệch lớn về tỷ lệ tiêm chủng giữa các quốc gia giàu có và các nước còn khó khăn. Tổng Giám đốc WTO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh việc cung cấp và triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 đã được đẩy nhanh, song tình trạng bất bình đẳng về vaccine vẫn còn là thách thức.

Tháng 6 vừa qua, 1,1 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được sử dụng trên toàn thế giới, nhiều hơn 45% so với tháng 5 và hơn gấp đôi tổng số của tháng 4. Chương trình COVAX hiện đã cung cấp hơn 134 triệu liều vaccine cho 136 nền kinh tế. Hoạt động sản xuất vaccine cũng đang tăng đáng kể. Theo Công ty Nghiên cứu Airfinity, hơn 1 tỷ liều vaccine Covid-19 nữa đã được sản xuất trong tháng 6 vừa qua, nâng tổng sản lượng toàn cầu vào giữa tháng 7 lên 3,8 tỷ liều.

Tuy nhiên, trong số 1,1 tỷ liều vaccine được sử dụng trong tháng 6, chỉ 1,4% đến tay người dân châu Phi, chiếm 17% dân số toàn cầu, và chỉ 0,24% thuộc về những người dân ở các nước có thu nhập thấp. Tỷ lệ liều vaccine tiêm cho mỗi 100 người dân ở các nước phát triển là 94, trong khi tại châu Phi, tỷ lệ này là 4,5, còn ở các nước thu nhập thấp chỉ là 1,6. Ở châu Phi, chỉ có 20 triệu người, tương đương 1,5% dân số được tiêm chủng đầy đủ, so với 42% dân số ở các nước phát triển.

Thế giới cần ít nhất 11 tỷ liều vaccine Covid-19

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhắc lại mục tiêu toàn cầu là tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số của mọi quốc gia vào tháng 9-2021, ít nhất 40% vào cuối năm nay và 70% vào giữa năm sau. Đây là những cột mốc quan trọng mà cả thế giới phải cùng nhau đạt được để chấm dứt đại dịch Covid-19. Thế giới cần ít nhất 11 tỷ liều vaccine để thực hiện những mục tiêu đó. Người đứng đầu WHO nhấn mạnh chia sẻ liều lượng vaccine khẩn cấp là rất quan trọng để lấp đầy khoảng cách cung cấp hiện tại, song đây vẫn là một giải pháp ngắn hạn. Về lâu dài, thế giới cần mở rộng quy mô sản xuất để tăng đáng kể số lượng vaccine Covid-19.

Điều này có thể được thực hiện bằng cách loại bỏ các rào cản đối với việc mở rộng quy mô sản xuất, bao gồm thông qua chuyển giao công nghệ, giải phóng chuỗi cung ứng và từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ. WHO kêu gọi thiết lập các trung tâm chuyển giao công nghệ nhằm hỗ trợ các quốc gia có được công nghệ và bí quyết vaccine càng nhanh càng tốt. WHO cũng hối thúc các nhà tài trợ và ngành công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp phép tự nguyện, minh bạch và không độc quyền đối với các bằng sáng chế, chuyển giao bí quyết và dữ liệu thông qua Nhóm tiếp cận công nghệ Covid-19 (C-TAP).

Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang cũng thừa nhận rằng, việc phân phối vaccine Covid-19 hiện không đồng đều. Công bằng vaccine Covid-19 không chỉ là vấn đề đạo đức và dịch tễ học, mà còn là nền tảng để xây dựng thế giới trở lại tốt hơn. Việc sản xuất vaccine cần phải diễn ra ở tất cả các châu lục để thế giới có thể cùng nhau vượt qua đại dịch, bảo vệ cuộc sống và khôi phục sinh kế cho các quốc gia, đồng thời một lần nữa cho phép thương mại, ý tưởng và con người di chuyển trên toàn thế giới.

Việc mở rộng quy mô sản xuất vaccine toàn cầu cũng sẽ rất quan trọng để giải quyết các đại dịch trong tương lai. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang lưu ý rằng, mặc dù hơn 200 thỏa thuận chuyển giao công nghệ đã được các nhà phát triển vaccine ký trong năm ngoái, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất và phân phối các phương pháp điều trị và công nghệ quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19.

Các chuyên gia cao cấp đều kêu gọi các quốc gia chấp nhận tất cả các loại vaccine Covid-19 đã được WHO phê duyệt. Nhiều ý kiến nhất trí rằng việc ngày càng có nhiều vaccine hơn cung cấp cho thế giới là tín hiệu lạc quan, song tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine giữa các quốc gia giàu và nghèo là nguyên nhân khiến đại dịch phức tạp hơn.

Tiếp cận không bình đẳng với vaccine là lý do chính dẫn tới nền kinh tế toàn cầu phục hồi theo hình chữ K, trong đó các nền kinh tế tiên tiến và một số nền kinh tế khác đang vượt lên phía trước, phần còn lại bị tụt hậu trong bối cảnh nghèo đói và thất nghiệp gia tăng. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chia sẻ, trong bối cảnh các chuyên gia đều nhận định việc tiêm chủng đồng đều trên khắp thế giới có thể cứu được nhiều mạng sống và thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu phục hồi, có thể là định hướng cho tất cả các quốc gia và góp phần thúc đẩy hợp tác trong vấn đề bảo đảm công bằng vaccine Covid-19 trên toàn cầu.

Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 rất cần sự phân phối công bằng vaccine

“Thế giới sử dụng vaccine Covid-19 chưa hợp lý, thiếu công bằng không chỉ là vấn đề về mặt đạo đức mà còn là sự thất bại về mặt dịch tễ học và kinh tế. Sự bất bình đẳng này càng kéo dài thì đại dịch cũng sẽ chưa thể kết thúc. Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta trên phạm vi toàn cầu cho thấy việc tạo miễn dịch trong một cộng đồng nhỏ sẽ không đạt hiệu quả lâu bền, nhất là khi virus SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi.

Ngoài biến thể Delta được dự báo sẽ trở thành biến thể chủ đạo, gây ra phần lớn các ca bệnh Covid-19 trên toàn thế giới trong vài tháng tới, WHO cảnh báo các biến thể dễ lây lan và nguy hiểm hơn so với biến thể Delta hiện nay có thể sớm xuất hiện, bởi virus càng lây nhiễm nhiều thì khả năng biến đổi càng cao. Những biến thể mới có thể kháng các loại vaccine đang có, khiến công cuộc chống dịch phải bắt đầu lại từ đầu.

Trong bối cảnh đó, WHO một lần nữa nhắc lại thông điệp đã nhiều lần đưa ra kể từ khi Covid-19 được công bố là đại dịch toàn cầu - Cuộc chiến chống kẻ thù chung rất cần sự đồng lòng và đoàn kết của cả cộng đồng quốc tế, mà lần này là trong vấn đề phân phối công bằng vaccine Covid-19. Đây là một vấn đề không mới, song những lời kêu gọi thì chưa bao giờ cũ bởi các biến thể của virus SARS-CoV-2 không bỏ qua bất kỳ một quốc gia nào”.

Tedros Adhanom Ghebreyesus (Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới - WHO)