Sự cố ở Thủy điện Sông Tranh 2: Trách nhiệm trước hết thuộc chủ đầu tư

ANTĐ - Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào hôm nay (29-10). Đây là vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm khi những ngày qua, tại thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) liên tục xảy ra hiện tượng động đất khiến người dân hoang mang. Ông Nghiêm Vũ Khải, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Cần làm rõ nguyên nhân các sự cố ở thủy điện Sông Tranh 2 

để đảm bảo an toàn cho người dân

- PV: Sự cố đang xảy ra ở thủy điện Sông Tranh 2 cho thấy, khâu quy hoạch, thi công công trình rõ ràng là có vấn đề?

- Ông Nghiêm Vũ Khải: Tôi nghĩ sự cố ở thủy điện Sông Tranh 2 là không thể xem thường. Tuy nhiên, việc đã xảy ra, đổ lỗi cho ai cũng đã muộn. Nhiệm vụ bây giờ là phải tính toán hết sức nghiêm túc để đảm bảo an toàn cho người dân trong vùng. Tính mạng của người dân là quan trọng nhất.

- Thủy điện Sông Tranh 2 có những biểu hiện rất bất thường. Phải chăng chúng ta chưa có một nghiên cứu thấu đáo?

- Tôi không ở trong hội đồng nghiệm thu nhà nước về công trình này. Dù vậy, cá nhân tôi cho rằng cần nghiên cứu kỹ hơn, sâu hơn vấn đề này.

Nhìn một cách khách quan, đúng là thủy điện Sông Tranh 2 có những biểu hiện rất khác thường so với các công trình trước đây khi quy mô không lớn mà lại xảy ra động đất kích thích. Có ý kiến tranh luận nghiêng về hướng quy kết lỗi nằm ở việc công trình không được thiết kế cửa xả đáy dẫn đến hiện tượng này. Song cá nhân tôi suy nghĩ rằng, với khối lượng nước lớn và cao như vậy thì nguyên nhân liên quan đến địa chất nhiều hơn. Bản thân khối mức nước cũng là một xuất hiện mới, theo trọng lực, nó tạo ra áp suất đối với đáy và thành bể. Khi tích nước, nước theo khe nứt trong lòng hồ thấm xuống làm tăng độ nén các khối địa chất, địa tầng.

- Nếu sự cố ở thủy điện Sông Tranh 2 được kết luận là do quá trình nghiên cứu không kỹ, đánh giá tác động không đúng, thì trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan cần xử lý thế nào?

- Muốn xử lý phải theo nguyên lý trách nhiệm, ở đây trách nhiệm đầu tiên phải là chủ đầu tư. Còn với các nhà khoa học, nếu họ đã làm hết trách nhiệm được giao, theo đúng yêu cầu của hợp đồng thì không thể xử lý họ, trừ khi xác định được việc họ làm hời hợt, không đúng hợp đồng. Hơn nữa, trong nghiên cứu khoa học luôn có rủi ro vì không ai biết được hết những quy luật của tự nhiên. Ngay cả Nhật Bản cũng không dự báo hết được động đất, sóng thần, nên vẫn phải chịu hậu quả khi thiên tai xảy ra. Vì vậy, theo tôi đặt vấn đề quy trách nhiệm cho nhà khoa học là không đúng.

Trong điều 31 của Luật Khoa học công nghệ hiện hành có quy định rất rõ tất các dự án đầu tư đều phải có luận cứ khoa học, phải chi tiền ra làm để nghiên cứu, hạn chế rủi ro, phải có khoản chi cho nghiên cứu khoa học. Đơn cử như trường hợp làm thủy điện Sơn La vừa qua, vấn đề chi đầu tư cho nghiên cứu địa chất, địa chấn, nguy cơ về động đất và khả năng chống đỡ của thân đập làm rất kỹ. Thế nhưng điều này, với thủy điện Sông Tranh 2, chúng ta làm chưa đúng, chưa đủ. Gần như chúng ta chỉ đánh giá sơ qua, cảm thấy nó an toàn là cứ làm mà không cần có luận chứng khoa học cụ thể. 

- Trong khi sự cố vẫn chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu, cần có giải pháp gì để đảm bảo an toàn cho dân?

- Thủy điện Sông Tranh 2 là trường hợp bất thường, rủi ro cao hơn nhiều nên nghiên cứu phải rất khẩn trương, tổng thể, có những phương án để dân ứng phó. Với thực tiễn đáng ngại ở thủy điện Sông Tranh 2 như thời gian vừa qua, tôi cho rằng quyết định của Chính phủ về việc chưa tích nước ở thủy điện này là hợp lý. Việc di dân trong vùng nguy hiểm cũng cần được tính đến nhưng ngay một lúc mà di chuyển toàn bộ số dân là không đơn giản nên cần có các phương án.

Hiện tại, Bộ Khoa học - Công nghệ đã cử cán bộ tham gia với Bộ Công Thương, Viện Vật lý địa cầu vào thủy điện Sông Tranh 2 để tiếp tục nghiên cứu, tìm hướng giải quyết. 

- Cảm ơn ông!