Sự cố môi trường và những bài học

ANTĐ - Sau gần 3 tháng kể từ khi hiện tượng cá chết hàng loạt xuất hiện ven biển miền Trung, ngày 30-6, Chính phủ đã công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng này là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS); đồng thời cho biết, FHS đã nhận trách nhiệm và cam kết bồi thường 11.500 tỷ đồng. 

Kết quả điều tra nguyên nhân cá chết công bố hôm 30-6 nhận được sự đồng tình cao từ các tầng lớp nhân dân. Nhiều nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, nhà hoạt động môi trường... đánh giá, Chính phủ đã bình tĩnh, bản lĩnh trong xử lý sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung. Các cơ quan quản lý Nhà nước đã làm việc hết sức nghiêm túc, khoa học và thận trọng. Đây là kết quả của quá trình đấu tranh kiên quyết với một thái độ bình tĩnh, khách quan, có cơ sở khoa học, được thảo luận và xem xét rất kỹ lưỡng.

Còn rất nhiều việc phải làm sau khi công bố nguyên nhân cá chết. Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch sử dụng khoản bồi thường 11.500 tỷ đồng mà Formosa Hà Tĩnh đã cam kết. Tinh thần chung là phải tính toán, đề xuất kinh phí cho từng phần việc, hỗ trợ cho ngư dân bao nhiêu, hỗ trợ đánh bắt xa bờ mức nào, cho quỹ bảo vệ môi trường bao nhiêu..., và phải công bố cụ thể, minh bạch.

Thủ phạm thì đã rõ, về trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã nêu tại cuộc họp báo hôm 30-6: “Cán bộ, công chức trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến sự cố này, dù ở cấp nào cũng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, tùy theo mức độ sai phạm của mình”. 

Theo các chuyên gia, có nhiều bài học cần rút ra sau sự cố môi trường chưa từng có này. Chính phủ đã yêu cầu rà soát lại hệ thống các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn để kiểm soát và đảm bảo các cơ sở xả thải ra môi trường đúng quy định pháp luật; đồng thời cần có trang thiết bị, quy trình, công nghệ kiểm soát được hành vi xả thải. Chính phủ cũng cho rằng, qua vụ việc này, phải rút kinh nghiệm để kiểm tra, rà soát các cơ sở đang sản xuất, phòng ngừa các vụ việc phát sinh sau này. Đặc biệt, khâu phê duyệt dự án phải bảo đảm yếu tố môi trường, không để bị động.

Chính sách đầu tư của Việt Nam có gì thay đổi sau sự cố này? Đại diện Bộ KH-ĐT khẳng định, định hướng thu hút đầu tư của chúng ta luôn nhất quán. Đó là chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Tại phiên họp Chính phủ hôm 1-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh định hướng này: “Không vì kinh tế, vì phát triển, vì đầu tư nước ngoài mà bỏ qua môi trường”.

Nhấn mạnh sự quyết liệt trong xử lý các vi phạm, Thủ tướng nêu rõ: “Chúng ta tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhưng không vì đó mà không xử lý nghiêm. Họ (Formosa Hà Tĩnh - PV) đã cam kết không tái diễn, nếu tái diễn phải đóng cửa”.