Sự chây ỳ đáng sợ

ANTĐ - Mỗi khi giá xăng dầu trong nước tăng, các hãng vận tải ngay lập tức tranh nhau tăng giá cước. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã có 7 lần giảm và 4 lần tăng. Thế nhưng các doanh nghiệp vận tải đều lặng thinh, “án binh bất động”. Những khoản tiền không nhỏ từ việc này, thay vì mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và cả nền kinh tế, lại đang chảy sang túi doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia nhận định, các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể kiểm soát được cước phí vận tải. Song thực tế, dường như họ chưa thường xuyên kéo căng “dây cương”, thậm chí có lơi lỏng nên vì thế giá cước vẫn đứng im. Một chuyên gia kinh tế không ngần ngại nói thẳng rằng, tình trạng doanh nghiệp chây ỳ giảm cước, có dấu hiệu các “ông lớn” “bắt tay” nhau để cùng chia phần “chiếc bánh” lợi nhuận béo bở. Xăng dầu giảm giá, đối tượng được hưởng lợi đầu tiên và trực tiếp là ngành vận tải, bởi nhiên liệu chiếm tới 30-40% chi phí giá cước. Sự “im lặng” của giá cước đang diễn lại “kịch bản” đúng như những gì đã xảy ra mấy năm trước. Lý do y như cũ, khó khăn chỉnh lại đồng hồ cước, tốn kém in lại giá vé... 

Giá cước không giảm kéo theo hàng triệu người tiêu dùng và không ít doanh nghiệp bị “móc túi”. Doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu cho sản xuất, phân phối với giá cao hơn thực tế lẽ ra họ được hưởng. Cước không giảm, giá thành hàng hóa cũng không thể giảm, gây ảnh hưởng đến sức mua cũng như sức cạnh tranh của hàng nội. Nếu cước không giảm, giảm chậm hoặc giảm không tương ứng với giá xăng, sản xuất sẽ mất đi cơ hội giảm chi phí đầu vào, làm sao kích thích được sản xuất? Hơn thế, nếu giá cước chây ỳ hoặc giảm chỉ để xoa dịu sự bức xúc của dư luận, thì các doanh nghiệp trong nước bị tước đoạt một phần lớn năng lực cạnh tranh trong cuộc chiến không cân sức với hàng ngoại.

Trong khi giá xăng dầu giảm sâu, dự kiến giá dầu thô thế giới có thể còn giảm tiếp, không lẽ các cơ quan chức năng bất lực ngồi nhìn giá cước vận tải không hề  nhúc nhích trước phản ứng gay gắt của dư luận, sự bức xúc của doanh nghiệp? Bản thân giám đốc một số doanh nghiệp trong ngành vận tải cũng thừa nhận rằng, doanh nghiệp “không dại gì hạ giá” nếu như các cơ quan quản lý Nhà nước... nhẹ tay. Chưa thể vội nói rằng cơ quan chức năng bất lực, nhưng nếu chậm vào cuộc ngày nào thì người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế sẽ thiệt thòi thêm ngày đó. Còn doanh nghiệp vận tải “chậm ngày nào, lợi ngày đó”.