Sự cay đắng của người đàn bà bị chồng trí thức trả thù tình thâm độc

ANTĐ - Có một thời gian, chị đã gửi đơn đến khắp các cơ quan chức năng và báo chí kêu cứu, xin được đơn phương li hôn; bởi vì theo chị cách trả thù tình của người đàn ông ấy với chị quá khủng khiếp, như giết mòn con người chị.

Khi gặp người viết, lúc đã trò chuyện cởi mở, chị (Trần Thị Nguyệt Lan - tên nhân vật đã được thay đổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) nói, chị muốn trải lòng câu chuyện của mình trên báo, bởi vì giờ chị đã thoát được cái “địa ngục trần gian” ấy và cũng muốn câu chuyện của mình là bài học cho nhiều người phụ nữ.

Khi tình yêu lỗi nhịp

Chị Lan kể, ngày ấy chị yêu anh (chồng cũ của chị) là tình yêu một thời sinh viên. Chị học Đại học Kinh tế TP.HCM, quê gốc Ninh Thuận; còn anh là sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM, quê gốc ở huyện Bình Chánh. Thời sinh viên đầy đẹp đẽ đó, anh chị gặp nhau một cách tình cờ trong sự giới thiệu của bạn bè, rồi dần dần liên lạc, hẹn hò yêu nhau từ khi nào cũng không biết.

Sau khi ra trường, chị làm trong một tập đoàn nước ngoài có trụ sở đóng tại quận 10, TP.HCM, còn anh về một đơn vị nhà nước tại trung tâm TP.HCM. 4 năm sau khi ra trường, anh chị chính thức nên vợ thành chồng, sống trong căn nhà của cha mẹ anh cho tại huyện Bình Chánh. Như thế là cuộc đời đã quá ưu đãi với chị, khi mà trong vòng 3 năm sau, hai đứa con đủ nếp, đủ tẻ ra đời. Từ một “lính quèn” nhưng chỉ trải qua hơn 2 năm, anh được đề bạt giữ chức phó phòng của đơn vị. Nhờ chịu khó, vợ chồng chị cũng có của ăn của để. Chị nói, cái bi kịch xuất phát từ khi anh làm lãnh đạo ở đơn vị, đó là giai đoạn đứa con đầu tiên vừa ra đời.

Khi đó anh đi làm từ sáng sớm lúc 7h và về nhà thường thường cũng 21 - 22h đêm, chị hỏi thì anh cho biết, khi thì nhậu nhẹt với bạn bè, khi thì tiếp khách... Rồi đứa thứ hai ra đời anh cũng vẫn thế không thay đổi tâm tính và lịch trình sinh hoạt. Toàn bộ những chuyện trong gia đình chị đều là người gánh vác, sau khi sinh đứa con trai thứ hai, chị như người bị rơi vào trạng thái trầm cảm trong suốt một thời gian dài, khi cáng đáng mọi thứ trong nhà mà chẳng có bàn tay phụ giúp của anh. Chị từng suy nghĩ mông lung anh có bồ bịch bên ngoài nhưng chưa có căn cứ gì. Cằn nhằn thì anh cứ nói là công việc nó phải như thế này, thế nọ. Chẳng giải quyết được, chị đành cam chịu. Có khi tận 2-3 tháng, người chồng chẳng hỏi thăm việc gia đình, cũng không gần gũi vợ. Đi làm về là tối mịt, anh lăn ra ngủ, sáng sớm lại xách cặp đi làm.

Sau khi đứa con thứ hai ra đời vài tháng, chị phải đón mẹ ruột từ quê lên chăm sóc hai cháu để chị đi làm trở lại. Đó cũng là một khoảng thời gian đầy khó khăn, vì ngoài chuyện đau đầu hàng ngày với công việc sổ sách, chị về phải chăm con tất bật, ai nhìn chị cũng nói chị gầy ốm đi nhiều, tiều tụy đi thấy rõ, vẻ son sắc của một thời giờ đã thành quá khứ. Chị chấp nhận. Và bi kịch bắt đầu từ khi chị gặp người đàn ông ấy. Đó là bạn thời sinh viên của một người đồng nghiệp cùng công ty với chị. Người đàn ông ấy làm công ty cách công ty chị vài tòa nhà, trên cùng một con đường.

Những giờ ăn trưa cùng nhóm chị em trong công ty, thi thoảng người đồng nghiệp rủ thêm người bạn thời sinh viên. Người đàn ông ấy gia cảnh cũng như chị, vợ anh ấy cũng làm công việc nhà nước, có 2 con nhưng vợ suốt ngày cũng bận bịu, nên anh cũng phó mặc cho mẹ ruột của mình nuôi 2 cháu. Từ những buổi ăn trưa như thế, chị nhận thấy anh ấy là người lịch lãm, ân cần, chu đáo với phụ nữ. Ban đầu chị cũng xem người đàn ông ấy như những người bạn đồng nghiệp khác, không hơn không kém. Thế nhưng dần dần anh chủ động gọi điện mời chị đi ăn cơm trưa riêng lẻ, rồi tiếp diễn là những buổi cà phê tranh thủ giờ nghỉ giữa hai buổi làm.

Chỉ là những cuộc nói chuyện về gia đình, về công việc thế nhưng từ những buổi gặp gỡ riêng tư đó, chị trúng phải tiếng sét ái tình. Những cái ôm ấp trong quán cà phê sân vườn buổi trưa cho đến chuyện đến nhà nghỉ là khoảng cách thật gần. Chị đã nhận ra cái lỗi lầm, sự lỗi nhịp của con tim của mình trong những ngày ấy, thế nhưng đầu óc mù quáng, chị lao vào cuộc tình bất chính. Cứ thế thi thoảng vào những buổi nghỉ trưa ngắn ngủi, chị hoặc người đàn ông đó chủ động liên lạc với nhau, khi thì ăn cơm một cách vội vàng, khi thì mua cơm hộp vào nhà nghỉ để tranh thủ khoảng thời gian hiếm hoi được bên nhau.

Trí thức trả thù tình thâm độc

Khi tâm sự với người viết, chị cũng có lúc rơi nước mắt vì những sai lầm của 6 năm trước. Đến tận bây giờ chị vẫn không hiểu rõ, người chồng đã nghi ngờ, biết về mối quan hệ bất chính của chị như thế nào? Chỉ biết rằng đó là một buổi trưa, chị và người đàn ông ấy gặp nhau lén lút ở khách sạn, thì có tiếng gõ cửa. Vẫn tưởng là nhân viên khách sạn, nhân tình của chị ra mở cửa. Chị đang nằm trên giường quấn người trong chăn thì điếng người, kinh hãi khi trước mặt chị là người chồng. Chị không biết xử lý như thế nào, nước mắt ứa ra cay đắng, chẳng biết giấu mặt mũi vào đâu.

Bây giờ trải qua nỗi đau, qua cái thời khắc ấy chị mới biết, xã hội có nhiều người trả thù tình rất nhẹ nhàng nhưng cay độc, chồng chị là một trí thức và cách trả thù của anh đối với chị cũng tàn khốc, thâm độc như thế. Đó là thời điểm chị bị bắt quả tang một cách nhục nhã. Chồng chị đỏ mặt tía tai, ánh mắt hằn học nhưng lại tỏ thái độ đáng sợ, nhã nhặn yêu cầu chị và người tình mặc quần áo vào. Chị lấm lét vâng phục, người nhân tình cũng không thể nào làm khác. Khi ấy chỉ hơn 20 phút nói chuyện nhưng chị tưởng chừng như một thế kỷ, với chị thì nặng nề vô cùng. Chị chỉ biết ngồi im, cúi đầu khóc nức nở. Gã nhân tình nói chuyện với chồng chị, một tiếng dạ, hai tiếng vâng, một cách lấm lét, nặng nề.

Lúc đó chồng chị nói với gã nhân tình rằng, đàn ông nào cũng có chuyện quan hệ lung tung ngoài xã hội, là trí thức, anh biết điều đó; một người phụ nữ đã cám dỗ, đàn ông mà không sa ngã là chuyện lạ. Do đó anh thứ tha cho nhân tình của chị và nói, sẽ về... dạy chị sau. Chị nghe từ “dạy” mà không biết rằng nỗi kinh hoàng phải gánh chịu sau cuộc nói chuyện này sẽ như thế nào? Chị để mặc cho chồng giải quyết. Thế nhưng kết thúc buổi nói chuyện, chị thấy chồng xử sự quá... nhẹ nhàng, chỉ yêu cầu gã nhân tình của chị lặng lẽ rời khỏi hiện trường, để lại chiếc quần và chiếc áo sơ mi anh ta đang mặc; thậm chí chồng chị còn đưa tiền nhờ nhân viên khách sạn chạy mua giúp cho gã nhân tình bộ quần áo mới. Rồi chồng chị yêu cầu người đàn ông ấy về, thậm chí chồng chị nói: “Đừng bận tâm suy nghĩ.”.

Gã nhân tình mặt xanh nhớt, cúi đầu ê chề. Khi đó chị chẳng biết anh lấy bộ quần áo của nhân tình chị làm gì? Chồng chị chỉ nói ngắn gọn với chị với nội dung rằng, phải cam kết với anh không được đụng vào tang vật này, nếu thích đi làm thì cứ đi như thường ngày và chỉ sinh sống ở nhà, nếu chuyển đi đâu phải được sự cho phép của anh. Anh bắt chị thề và chị làm theo, chị nói, lỗi của chị, anh quyết thế nào, thậm chí bắt chị quỳ lạy anh như thế nào chị cũng cam chịu hết, chỉ xin được gần hai đứa con còn quá nhỏ của mình. Anh lặng lẽ rời khách sạn, không mắng chửi, không làm nhục chị. Chị lầm lũi rời khách sạn chạy vội vã về nhà, trên đường chị nghĩ liều đến chuyện... tự vẫn nhưng vì nghĩ đến hai đứa con nên không dám. Và chị nghỉ việc hẳn ở công ty, ôm con khóc suốt ngày.

Chồng chị về đến nhà vào 22h đêm, anh không nói không rằng, chị cũng không dám nhìn mặt anh. Bất ngờ thay, giữa đêm, người chồng ấy đem cái bộ quần áo của nhân tình treo lên, đóng cố định ngay vị trí cửa phòng ngủ của vợ chồng và hai đứa con. Chị nhìn mà khóc, mường tượng ra cái cách trả thù tình mà anh đang thực hiện đối với chị. Chồng chị nói khéo yêu cầu mẹ vợ về quê và thuê một người giúp việc khác. Bắt đầu từ đó chị rơi vào trạng thái trầm cảm nặng, nhìn thấy bộ quần áo là mặc cảm tội lỗi lại trỗi lên, nhìn thấy là chị khóc rống. Lại thêm đôi lần chị định tự vẫn, nhưng cũng vì con, chị từ bỏ ý định. Mỗi ngày sống trong căn nhà, đối diện với chiếc quần dài và áo sơ mi của nhân tình với chị dài như hàng thế kỷ. Người chồng vẫn đều đặn sáng xách cặp đi, khuya xách cặp về, chẳng nói với chị một tiếng nào, dù là hai người vẫn ngủ chung giường với hai con. Có đôi lần chị toan lén lấy bộ đồ để đốt đi hoặc ôm con về sống tạm ở quê nhưng nhớ đến lời thề độc, vì sự lỗi lầm của mình với chồng con nên không dám.

Sống trong ngôi nhà, suốt ngày đối diện với bộ quần áo của nhân tình treo ở phòng ngủ, chị như phát điên. Cứ nhìn thấy là chị khóc, 10 ngày chị gầy rộc, giảm đến 8kg, không ăn uống được. Thế nhưng chị vẫn phải sống vì con. Cách trả thù độc nhất vô nhị của người chồng trí thức tưởng chừng nhẹ nhàng nhưng lại đau đớn vô ngần. Giá anh đánh đập chị, hành hạ chị còn hơn là tra tấn chị như thế. Qua ngày thứ 10, chị ngỏ lời xin anh được giải thoát, được ly dị. Thế nhưng anh không đồng ý, yêu cầu chị phải sống như thế. Chị quỳ lạy van xin anh nhưng cũng không làm anh chuyển ý.

Chị vẫn viết đơn xin được li dị, trong những lá đơn đó chị trình bày một cách nhục nhã, rằng chị không xứng đáng với chồng con, nhưng anh lại nhất quyết không ký vào. Chị điên dại tìm cách nộp đơn để xin được đơn phương li dị, tòa có hai lần mời lên hòa giải nhưng anh nhất quyết không đồng ý, trình bày nhã nhặn, lịch sự với những người hòa giải là vợ anh có vấn đề về tâm lý, về tinh thần nên khi về anh sẽ cố đưa đi chạy chữa. Thế là chị phải đối mặt với cơn điên hàng ngày, khi đối diện với bộ quần áo khủng khiếp ấy. Rồi chị gửi đơn đến các cơ quan báo chí xin được giúp đỡ, được tư vấn để thoát ra khỏi ngục tù trần gian. Một tờ báo chuyên bảo vệ phụ nữ cũng lên tiếng, chính vì thế mà chị được TAND huyện Bình Chánh quan tâm, thuận tình cho đơn phương li hôn. Ngày nhận được quyết định, một lần nữa chị quỳ lạy chồng xin được tha thứ, xin vì con cho chị sống nốt quãng đời còn lại... Chị ôm hai con ra khỏi nhà trong cơn mưa nước mắt. Khi ấy chị thấy khóe mắt anh ươn ướt.

Người kể câu chuyện này hiện là bà mẹ đơn thân nuôi hai con đang độ tuổi đi học. Nhắc lại quá khứ, chị khóc. Qua 5 năm, chị thi thoảng vẫn hỏi thăm tin tức về chồng cũ nhưng không dám nhìn mặt anh. Chị nghe đâu, anh chuẩn bị đi bước nữa với một nữ nhân viên dưới quyền. Chị mừng cho anh và khóc.