Sự biến mất bí ẩn của nhà khoa học Trung Quốc công bố nghiên cứu chỉnh sửa gene người chấn động thế giới

ANTD.VN - Sau khi gây chấn động thế giới với tuyên bố đã chỉnh sửa gene thành công cho 2 bé gái sinh đôi để giúp các em có khả năng miễn nhiễm với virus HIV, ông Hạ Kiến Khuê (34 tuổi), nhà khoa học đến từ trường ĐH Khoa học và Công nghệ Phương Nam ở Thâm Quyến, Trung Quốc dường như biến mất bí ẩn.

Ông Hạ Kiến Khuê giải đáp về nghiên cứu chỉnh sửa gene người tại Hồng Kông (Trung Quốc) ngày 28-11 

Lần cuối cùng nhà khoa học này xuất hiện trước công chúng là tại Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế lần thứ 2 về chỉnh sửa gene người ở Hồng Kông (Trung Quốc) ngày 28-11 và chưa có đơn vị, cá nhân nào khẳng định biết ông Hạ Kiến Khuê chính xác đang ở đâu. Theo SCMP, một số nguồn tin khẳng định ông Hạ bị trường ĐH Khoa học và Công nghệ Phương Nam tại Thâm Quyến buộc trở về và hiện bị quản thúc tại gia.

Phản bác thông tin này, một phát ngôn viên của trường đại học nói trên cho biết: “Hiện giờ không có thông tin nào là chính xác, ngoại trừ thông tin từ các nguồn chính thống”. Trường đại học này cũng khẳng định ông Hạ đã rời trường từ tháng 2-2018 và tự thực hiện các thí nghiệm chỉnh sửa gene tại một địa điểm họ không nắm rõ và không hề thông báo về nghiên cứu của mình. 

“Nếu cần tôi cũng sẽ thử chỉnh sửa gene của chính con mình”

Ngày 26-11, ông Hạ Kiến Khuê tuyên bố trên YouTube rằng 2 bé gái song sinh Lulu và Nana đã được sinh ra khỏe mạnh vào tháng 11-2018 từ các phôi thai được ê-kíp của ông chỉnh sửa để vô hiệu hóa một gene liên quan đến HIV. Theo ông Hạ, cha đẻ của cặp sinh đôi này dương tính với HIV. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng công cụ CRISPR-Cas9 để “biên tập” gene người, sau đó đưa gene này vào cơ thể 7 phụ nữ để thụ tinh, bắt đầu từ tháng 3-2017. Một trong 7 phụ nữ này được cho là đã hạ sinh cặp song sinh nói trên.

Tuy vậy, những giải đáp của nhà khoa học Hạ Kiến Khuê tại hội nghị ở Hồng Kông ngày 28-11 còn nhiều mâu thuẫn. Đơn cử, ông nói chi phí y tế của tình nguyện viên tham gia vào thực nghiệm là do bản thân ông gánh vác, còn kinh phí nghiên cứu khác là do Đại học Công nghệ Phương Nam cung cấp. Tuy nhiên, Đại học Công nghệ Phương Nam - nơi cung cấp kinh phí khoảng 40.331 USD cho cuộc thực nghiệm của ông lại “hoàn toàn không biết tình hình”. Ông Hạ còn nhấn mạnh, các doanh nghiệp sở hữu dưới tên ông “đều không cung cấp kinh phí cho công trình này”. Ước tính chi phí y tế cho 7 cặp vợ chồng tổng cộng lên đến 1,96 triệu NDT (khoảng 282.320 USD). Việc khoản tiền lớn này do một mình ông Hạ bỏ ra vấp phải nhiều nghi ngờ.  

Trước câu hỏi bộ trật tự gene CCR5 trong hệ thống miễn dịch chắc chắn còn có chức năng khác không liên quan đến nhiễm HIV, chỉnh sửa CCR5 liệu có thể dẫn đến vấn đề sức khỏe không biết trước, ông Hạ Kiến Khuê trả lời, nhóm nghiên cứu của ông nghiên cứu CCR5 là vì nó là một gene “đơn giản và người ta cũng hiểu về nó”. Tuy nhiên, đối với giới khoa học, CCR5 không “đơn giản và được người ta hiểu” như ông Hạ Kiến Khuê nói.

Tại hội trường cuộc thảo luận, có chuyên gia đặt câu hỏi, nếu như là con của chính ông, liệu ông có làm như thế hay không. Ông Hạ trả lời rằng: “Nếu con của tôi có khiếm khuyết từ ban đầu, tôi sẽ thử nghiệm như thế đầu tiên”.

Chia sẻ của người trong cuộc 

Nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng khẳng định trước truyền thông rằng các tình nguyện viên tham gia vào nghiên cứu đều nhận thức được những rủi ro của cuộc thử nghiệm nhưng họ vẫn quyết định thử sức để bảo vệ con cái khỏi bệnh tật. 

Theo Tổ chức phi Chính phủ Baihualin ở Bắc Kinh, ông Hạ Kiến Khuê đã đề nghị đài thọ mọi chi phí y tế và ăn ở cho các các cặp vợ chồng tham gia. Họ được thông báo rằng nghiên cứu này được tài trợ bởi “quỹ Nhà nước”, và dịch vụ chỉnh sửa gene được cung cấp “miễn phí”.

Cặp vợ chồng bỏ cuộc giữa chừng trong cuộc thực nghiệm nói với Tạp chí LifeWeek ở Bắc Kinh rằng trợ lý của ông Hạ Kiến Khuê hứa hẹn “tỷ lệ thành công cao được chứng minh trong các thử nghiệm trên động vật”, cũng như cơ hội “chọn gene tốt nhất để phôi thai có sức khỏe hơn và thông minh hơn”. Nhóm cũng sẽ giúp “vứt bỏ bất kỳ kết quả không mong muốn, không lành mạnh nào”. Bởi vậy, họ quyết định dừng ở phút chót vì không muốn bị đối xử như “chuột thí nghiệm”.

Tờ Tin tức Bắc Kinh đã báo cáo rằng các cặp vợ chồng đồng ý tham gia được trả 280.000 Nhân dân tệ (40.000 USD), với điều kiện là họ không đòi bồi thường thêm nếu thí nghiệm không thành công.

Thế giới: Phản ứng trái chiều

Tin tức ông Hạ Kiến Khuê chỉnh sửa gene thai nhi đã bùng nổ hôm 26-11, mang đến khủng hoảng lớn cho giới y học. Trong đó có 122 nhà khoa học người Hoa ở ngoài Trung Quốc chỉ trích nghiêm khắc “hành vi điên cuồng” của ông Hạ.

Nhiều người nghi ngờ, công trình nghiên cứu của ông Hạ Kiến Khuê được Nhà nước hậu thuẫn. Mấy năm qua, Trung Quốc đưa ra cái gọi là kế hoạch “Made in China 2025” và “China Standard 2035”, mục tiêu là bằng mọi giá chiếm quyền chủ đạo trong lĩnh vực công nghệ cao toàn cầu. Trong khi đó, triển khai công trình thực nghiệm này, nhóm của ông Hạ Kiến Khuê hướng đến mục tiêu xây dựng “tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng” ngành phẫu thuật trị liệu gene, thống lĩnh đỉnh cao toàn bộ kỹ thuật trị liệu liên quan đến chỉnh sửa gene trong cuộc cạnh tranh quốc tế.

Tuy nhiên, sau khi “thành tựu khoa học” này được Nhân dân Nhật báo công bố gây nên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ ở cả trong và ngoài Trung Quốc, ông Từ Nam Bình, Thứ trưởng Bộ Khoa học Kỹ thuật ngày 29-11, khi trả lời phóng viên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã nói: “Việc chỉnh sửa gene thai nhi đã ngang nhiên vi phạm điều lệ pháp quy liên quan của Nhà nước, ngang nhiên phá vỡ ranh giới đạo đức học thuật, khiến người ta kinh hoàng”. Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết đã đình chỉ mọi nghiên cứu của ông này và sẽ mở cuộc điều tra nhà khoa học này, đồng thời chỉ trích nhà nghiên cứu không hề thông báo với chính quyền về dự án “bất hợp pháp và không thể chấp nhận”.  

Mặc dù vậy, trong khi thử nghiệm chỉnh sửa gene tại Trung Quốc bị phản đối dữ dội thì một số nhà khoa học ở Mỹ tiếp tục hy vọng có thể cải thiện sức khỏe của trẻ em trong tương lai nhờ công nghệ này. Tiến sĩ Werner Neuhausser tại Viện Tế bào Gốc thuộc trường Đại học Harvard đang lên kế hoạch sử dụng CRISPR - công cụ chỉnh sửa gene như Hạ Kiến Khuê đã dùng - để biến đổi mã gene trong tế bào tinh trùng với hy vọng giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer ở các em bé được sinh ra nhờ thụ tinh ống nghiệm. Các nhà nghiên cứu cho rằng, trong tương lai con người có khả năng phải đối mặt với những dịch bệnh lây lan chết người, nếu vaccine không còn tác dụng chính bộ gene được chỉnh sửa sẽ giúp nhân loại chống lại mối nguy hiểm đó.

Công nghệ chỉnh sửa gene mở ra hướng điều trị đầy hứa hẹn đối với một số căn bệnh di truyền nhưng nó cũng đặc biệt gây tranh cãi do việc chỉnh sửa các phôi thai người có thể tạo ra những đột biến khó lường. Ở nhiều nước, kỹ thuật biến đổi ADN ở người được kiểm soát chặt chẽ. 

Ngày 3-12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết sẽ thành lập một Ủy ban chuyên nghiên cứu việc chỉnh sửa gene. Quan điểm của WHO là khó cấm triệt để việc chỉnh sửa gene, vì vậy tốt hơn là có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể. Chính vì vậy, WHO đang bàn bạc với giới chuyên gia cũng như hợp tác với các nước thành viên để thảo luận các tiêu chuẩn và hướng dẫn, trong đó có các vấn đề an toàn xã hội và đạo đức liên quan. 

“Frankenstein của Trung Quốc”

Ông Hạ Kiến Khuê xuất thân ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Năm 2006, tốt nghiệp khoa Vật lý cận đại, trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Trung Quốc. Năm 2010, lấy bằng Tiến sĩ Vật lý Sinh vật trường Đại học Rice University (Mỹ). Từ 2011 đến 2012, làm nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại Viện Đại học Stanford, trong thời gian này ông nghiên cứu về gene cùng Giáo sư Công trình sinh học Stephen Quake, rồi về giảng dạy tại trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Nam Phương ở Thâm Quyến. Từ 1-2-2018, ông được nhà trường cho tạm nghỉ không nhận lương đến tháng 1-2021. Tài liệu cho thấy, Hạ Kiến Khuê là cổ đông của 7 công ty và từ năm 2015, ông này đã nhận được 41,5 triệu Nhân dân tệ (5,96 triệu USD) ngân sách cho nghiên cứu giải mã gene.

Sự biến mất bí ẩn của nhà khoa học Trung Quốc công bố nghiên cứu chỉnh sửa gene người chấn động thế giới ảnh 2

Kỹ thuật “phẫu thuật gene” CRISPR/Cas9

Nhóm nghiên cứu của Hạ Kiến Khuê cùng 8 người khác đã sửa đổi gene CCR5 - tác nhân mở cửa cho virus HIV xâm nhập vào tế bào bằng cách sử dụng kỹ thuật CRISPR/Cas9, giúp loại bỏ và thay thế các phần ADN trong phôi gần như theo ý muốn. Mục tiêu của kỹ thuật này là tiến hành sửa lại gene, tiến hành cắt bỏ và chắp vá thêm vào những đoạn ADN đặc biệt một cách hữu hiệu và nhanh gọn nhất. Kỹ thuật CRISPR/Cas9 không chỉ chỉnh sửa thai nhi, loại bỏ các bệnh di truyền, mà về lý thuyết thậm chí có thể thay đổi diện mạo, giúp các bậc cha mẹ “thiết kế” đứa con tương lai.