Su-30MKI sẽ thử nghiệm “hàng khủng” BrahMos vào cuối năm nay

ANTĐ - Thử nghiệm trên không loại tên lửa "BrahMos" của Nga và Ấn Độ trên máy bay chiến đấu Su-30MKI tại Ấn Độ sẽ bắt đầu vào tháng 12 năm nay.

Ngày 10-2, tờ Thời báo Ấn Độ (Times of India) đưa tin, Không quân Ấn Độ đã ký hợp đồng đặt mua tên lửa BrahMos - phiên bản không đối hạm để trang bị trên các máy bay chiến đấu Su-30MKI. Dự kiến tổng giá trị hợp đồng lên đến hơn 1 tỷ USD.

Hiện nay tên lửa “BrahMos Block I” - phiên bản bờ đối hạm, có khả năng tấn công vào các mục tiêu nhỏ trên mặt biển đã được trang bị cho ba trung đoàn của quân đội Ấn Độ, còn phiên bản hạm đối hạm đã được trang bị cho sáu tàu chiến. Các tàu chiến Ấn Độ có thể mang theo các tên lửa này thuộc lớp Rajput và lớp Krivak III (lớp Tanwar) mua của Nga.

Su-30MKI sẽ thử nghiệm “hàng khủng” BrahMos vào cuối năm nay ảnh 1

Tên lửa BrahMos được giới quân sự đánh giá không có đối thủ trong các loại tên lửa chiến thuật

Ấn Độ cũng đang xúc tiến đẩy nhanh tốc độ thử nghiệm 2 phiên bản không đối hạm và ngầm đối hạm để sớm trang bị chính thức cho các lực lượng không quân và hải quân. Đồng thời, họ cũng đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu các Block II/III và biến thể đối đất thuộc tất cả các Block, trên tất cả các phương tiện phóng, nhằm quy chuẩn hóa loại tên lửa này cho tất cả các quân, binh chủng.

Với thực lực của mình, dự kiến năng lực sản xuất của ngành công nghiệp Ấn Độ có khả năng sản xuất hàng năm đến vài chục tên lửa siêu âm "BrahMos". Tổng khối lượng của nhu cầu tên lửa BrahMos (tất cả các phiên bản) của Ấn Độ ước tính vào khoảng 4,3 tỷ USD. Ngoài ra, Ấn Độ và Nga đang có kế hoạch từ nay đến năm 2020 sẽ sản xuất 10.000 quả, trong đó 5000 quả sẽ được giành cho xuất khẩu sang các nước đồng minh hoặc có quan hệ hữu hảo.

Su-30MKI sẽ thử nghiệm “hàng khủng” BrahMos vào cuối năm nay ảnh 2

Phiên bản  BrahMos Block I phóng từ máy bay chiến đấu Su-30 MKI

BrahMos là sản phẩm của công ty BrahMos Aerospace (liên doanh Nga - Ấn thành lập năm 1998 tại New Dehli), chế tạo trên cơ sở loại tên lửa đối hạm siêu âm nổi tiếng P-800 Yakhont (phiên bản xuất khẩu của P-800 Onyx). Liên doanh này bao gồm Liên hiệp các nhà sản xuất khoa học công nghệ chế tạo máy NPO Mashinostroyenia (НПО Mашиностроения) - đại diện phía Nga và Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO).

Hiện nay, Nga và Ấn đã phát triển BrahMos thành 3 phiên bản, bao gồm Block I, Block II và Block III. Trong đó, phiên bản Block I đã có đủ 4 biến thể phóng từ trên không, trên mặt đất, trên tàu mặt nước và từ tàu ngầm. BrahMos là loại tên lửa được giới quân sự đánh giá là “độc nhất vô nhị” trên thế giới, không có đối thủ trong hàng ngũ tên lửa chiến thuật hiện đang sử dụng trên thế giới.

Su-30MKI sẽ thử nghiệm “hàng khủng” BrahMos vào cuối năm nay ảnh 3

Chiến hạm INS Ranvir thuộc lớp Rajput của Ấn Độ phóng tên lửa hành trình BrahMos

Tên lửa BrahMos có khả năng phóng trên mọi phương tiện mang như: Máy bay, tàu mặt nước, tàu ngầm, xe bệ phóng mặt đất), có khả năng tấn công đa mục tiêu bao gồm tàu mặt nước và mục tiêu mặt đất, có khả năng mang theo cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân, vì thế nó được mệnh danh là “tên lửa vạn năng”, có thể đồng bộ hóa hệ thống tên lửa chiến thuật của một quốc gia. 

Tên lửa có chiều dài 8,4m, đường kính thân 0,6m, tầm bắn 300km, trọng lượng phóng 3 tấn, đầu đạn nặng 300kg (phiên bản phóng từ trên không 2,5 tấn, đầu đạn 250kg), phiên bản phóng từ trên không có thể được phóng trên độ cao tối đa 14km, thông thường 10km với vận tốc siêu âm Mach3, gấp hơn 3 lần vận tốc các loại tên lửa hành trình cận âm của Mỹ.