Su-30MKI: Nỗi ám ảnh của phi công Mỹ và NATO

ANTĐ - Gần đây, ông Avinash Chander – Giám đốc mới của Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đã tiết lộ một số thông tin về loại tên lửa không đối không siêu xa Astra do Ấn Độ tự lực phát triển và sẽ được ưu tiên trang bị trên Su-30MKI.

Tên lửa không đối không tầm siêu xa

Ông Avinash Chander cho biết, đầu tháng 4 vừa qua, Ấn Độ đã thử nghiệm thành công tính năng bay của tên lửa không đối không siêu xa Astra trên máy bay chiến đấu Su-30MKI. Công tác thử nghiệm phát triển giai đoạn sau của nó đang được đẩy nhanh và sẽ tiến hành trên tất cả các loại máy bay hiện có.

Ngoài ra, DRDO dự định cuối năm nay sẽ tiến hành phóng thử tên lửa Astra lần đầu tiên trên máy bay chiến đấu Su-30MKI, sau đó sẽ tiến hành các hiệu chỉnh cần thiết để có thể hoàn thành kế hoạch đến quý II năm 2015 sẽ chính thức đưa tên lửa vào trang bị cho lực lượng không quân nước mình.

Theo thông tin của ông Chander, công tác nghiên cứu, phát triển Astra bị kéo dài là do gặp phải một số vấn đề về kỹ thuật. Ngay từ đầu, phải đến tận tháng 3 năm 2004, dự án chế tạo Astra mới được phê chuẩn để trở thành một kế hoạch nghiên cứu, phát triển chính thức với kinh phí là 9,55 tỷ Rupee.

Trên thực tế, trước khi dự án này được phê duyệt, nguyên mẫu cơ bản của tên lửa đã được bắt đầu thử nghiệm. Ông Chander mô tả, kế hoạch phát triển Astra đã gặp phải những thách thức lớn về kỹ thuật, thậm chí còn phức tạp hơn cả một dự án phát triển tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân.

Nòng cốt của không quân Ấn Độ sẽ là 270 - 300 chiếc Su-30MK

Vấn đề khó giải quyết nhất về mặt công nghệ là hình dạng khí động học của tên lửa và các khớp nối trong hệ thống điều khiển. Cuối cùng, các nhà thiết kế đã phải thay đổi hoàn toàn cấu hình của nó, sau đó tên lửa Astra đã hoàn tất liền 3 cuộc thử nghiệm trên mặt đất. Ông Chander cho biết, hiện Astra đã vượt qua được nút thắt khó khăn nhất về mặt công nghệ.

Theo tin của tạp chí “Tiếng nói của HAL”, một ấn phẩm chính thức của Công ty hàng không Ấn Độ HAL (Hindustan Aeronautics Limited) phát hành số tháng 6, thử nghiệm tính năng bay của tên lửa Astra sẽ chia làm 3 giai đoạn. cả 2 giai đoạn này đều được tiến hành trên máy bay chiến đấu Su-30MKI.

Giai đoạn 1 là kiểm tra các đặc tính của tên lửa khi máy bay chạy trên đường băng và bay thử. Giai đoạn 2 là kiểm nghiệm các đặc tính của tên lửa khi kết nối với hệ thống điều khiển hỏa lực trên Su-30MKI và kiểm tra sự kết nối của các hệ thống điện tử hàng không và hệ thống điện khí đối với tên lửa. Giai đoạn 3 là kiểm tra các modul thu, phát tín hiệu của đầu dẫn tên lửa trong nhiều tình huống và điều kiện bay khác nhau.

Giám đốc của DRDO còn cho biết thêm, tổ chức này dự định sẽ phát triển 2 phiên bản của Astra, trong đó Astra Mk1 có tầm bắn 44km và Astra Mk sẽ có tầm bắn "khủng" lên tới 100km. Đầu tiên, loại tên lửa không đối không siêu xa này sẽ được lắp đặt trên máy bay chiến đấu Su-30MKI và máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas.

Tên lửa không đối không tầm xa Astra

Ưu thế tuyệt đối của Su-30MKI trước các máy bay Mỹ, NATO

Từ năm 2004 đến nay, Su-30 MKI đã tham gia nhiều cuộc diễn tập quốc tế giành quyền kiểm soát không phận, trong quá trình diễn tập, đã nhiều lần Su-30 MKI thể hiện ưu thế vượt trội so với các máy bay hiện đại khác của Mỹ và Nato là máy bay chiến đấu hạng nặng F-15C và máy bay chiến đấu hạng nhẹ F-16C-D của Mỹ hoặc là Mirage của Pháp.

Trong cuộc tập trận chung Cope India 2005 với Không quân Ấn Độ, bản tin Inside Air Force của Không quân Mỹ sau đó đã nêu những số liệu gây sốc với phía Mỹ vì các máy bay Su-30MKI, MiG-27, MiG-29 và thậm chí cả loại lạc hậu MiG-21 Bizon của Ấn Độ đã “giao tranh” với loại máy bay chủ lực của Không quân Mỹ là F-15C/D Eagle và giành thắng lợi giòn giã.

Các phi công Mỹ đặc biệt ấn tượng với MiG-21 Bison và Su-30MKI. Trong đó, Su-30MKI đã giành thắng lợi trong đa số các cuộc “giao chiến” với cả F-16 và F-15 của Không quân Mỹ. Washington ProFile đã gọi thành công của các máy bay Nga là “điều hoàn toàn bất ngờ” đối với các phi công Mỹ.

Sau cuộc tập trận không quân Red Flag 2008 tại Mỹ, tạp chí hàng không uy tín của Anh Flight, tháng 11/2008, đã đề nghị các độc giả website của mình bầu chọn loại máy bay tiêm kích tốt nhất thế giới từ một danh sách, trong đó có Su-30MKI, F-22 và F-15.

Phiên bản Brahmos II, Ấn Độ đang phát triển được trưng bày tại Triển lãm hàng không quốc tế Ấn Độ khai mạc ngày 06/02 tại căn cứ không quân Yella Hanka ở Bangalore

Su-30MKI đã được bầu chọn là loại máy bay tiêm kích tốt nhất thế giới, hơn cả máy bay tiêm kích thế hệ 4 F-15 và máy bay tiêm kích thế hệ 5 duy nhất hiện nay F-22 khi giành được 59% số phiếu bầu; so với 37% của F-22 và 4% của F-15.

Lần gần đây nhất là vào tháng 4/2012, trong đợt huấn luyện chiến đấu tại Malaysia, Su-30MKI đã giành thắng lợi liên tiếp, trong khi đối đầu với các máy bay khác tham gia huấn luyện. Trong một tình huống luyện tập, Su-30 MKI phải đấu với F-15C của không quân Mỹ cất cánh từ căn cứ Okinawa lên đánh chặn.

2 loại máy bay thực hành bài tập không chiến và Su-30 MKI đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bắn hạ mục tiêu F-15C. Chỉ huy trưởng của liên đội không quân số 18 của Mỹ đã phải thán phục, trong huấn luyện chiến đấu cơ bản, Su-30MKI đã thể hiện tính năng cơ động và khả năng tác chiến tuyệt vời so với các loại máy bay đồng hạng.

Su-30MKI sẽ trở thành tiêm kích hoàn thiện nhất

Sau khi ưu tiên trang bị tên lửa không đối không tầm xa Astra cho 2 loại máy bay Su-30MKI và Tejas, Ấn Độ mới lắp đặt trên tất cả các loại máy bay hiện có trong lực lượng không quân. Hiện nay, các loại tên lửa không đối không tầm xa của không quân Ấn Độ bao gồm: tên lửa R-77 (AA-12) của Nga, tên lửa “Derby” của Israel và 2 loại tên lửa “Mica” của Hãng MBDA, “Super” 530D của hãng Matra, đều của Pháp.

Su-30MKI phóng tên lửa hành trình chống hạm BrahMos

Hiện DRDO còn đang phát triển riêng cho Su-30MKI hai loại vũ khí cực khủng nữa là 1 loại bom liệng có cánh tấn công chính xác và họ dự định sẽ chế tạo 3 phiên bản với 3 trọng lượng khác nhau là: 100kg, 250kg và 500kg. Nó sẽ giúp cho máy bay chiến đấu Su-30MKI có khả năng tấn công phá hủy các mục tiêu mặt đất cực kỳ chính xác, từ cự ly rất xa.

Ngoài loại bom liệng này, DRDO còn đang nghiên cứu, phát triển cho Su-30MKI một loại tên lửa chống radar cực mạnh. Nó sẽ giúp cho các máy bay tấn công Ấn Độ có năng lực tấn công phá hủy các hệ thống các hệ thống radar cảnh báo sớm của địch thủ. Theo lời các quan chức quốc phòng Ấn Độ, loại tên lửa này có tính năng còn mạnh hơn cả Kh-31P của Nga.

Loại tên lửa này được lắp đặt antenna định vị và hệ thống dẫn đường ở đầu mũi tên lửa. Nó sẽ hoạt động theo cơ chế lần theo các nguồn bức xạ điện từ và có khả năng phát hiện các nguồn bức xạ ở mọi bước sóng bức xạ vô tuyến khác nhau rồi tấn công cực kỳ chính xác vào các vật thể phát ra nguồn bức xạ đó.

Với các loại vũ khí các vũ khí tấn công tầm xa là tên lửa hành trình chống hạm Brahmos, tên lửa tấn công ngoài khu vực phòng không Kh-59MK/ME, tên lửa không đối không tầm xa Astra, bom liệng tấn công chính xác và tên lửa chống bức xạ thế hệ mới…, Su-30MKI sẽ trở thành loại máy bay có tính năng mạnh nhất và toàn diện nhất.