Souad Abderrahim - nữ doanh nhân trở thành Thị trưởng đầu tiên của Thủ đô Tunisia

ANTD.VN - Souad Abderrahim không giống như 32 cựu Thị trưởng của Tunis - Thủ đô đất nước Bắc Phi Tunisia. Nếu những người tiền nhiệm đó đều là nam giới xuất thân từ những gia đình giàu có, có ảnh hưởng và được bổ nhiệm thì người phụ nữ này là một doanh nhân tự lập và trúng cử trong cuộc bầu cử Thị trưởng đầu tiên vào tháng trước.

Souad Abderrahim đã trở thành hiện tượng hiếm hoi trong thế giới Ả-rập khi một người phụ nữ giữ một vị trí hàng đầu trong một cuộc bầu cử. Ngay cả ở Tunisia, nơi quyền của phụ nữ tiến bộ hơn hầu hết các quốc gia khác ở Bắc Phi và Trung Đông, sự nổi lên của bà Abderrahim được xem là một bước đột phá cho giới nữ và tăng thêm hy vọng cho sự bình đẳng giới. “Tôi chỉ là một trong số nhiều phụ nữ đã phải vật lộn trong nhiều năm để được bình đẳng”, nữ chính trị gia 53 tuổi Souad Abderrahim nói.

Souad Abderrahim - nữ doanh nhân trở thành Thị trưởng đầu tiên của Thủ đô Tunisia ảnh 1Bà Souad Abderrahim là nữ Thị trưởng đầu tiên tại Thủ đô Tunisia trong suốt 160 năm qua

“Địa chấn” trên chính trường Tunisia 

Chiến thắng của bà Abderrahim phản ánh sự thay đổi dần dần về thái độ đối với phụ nữ trong thế giới Ả-rập. Phụ nữ Ả-rập Xê-út gần đây đã được phép lái xe, còn tại Lebanon và Jordan, đạo luật xóa án cho những kẻ hiếp dâm nếu kết hôn với nạn nhân của mình đã bị bãi bỏ năm ngoái, noi gương Tunisia. “Bà ấy rõ ràng đã phá vỡ bức màn chắn khổng lồ. Một phụ nữ được bầu làm Thị trưởng của một Thủ đô không có người phụ nữ nào từng nắm giữ vị trí đó kể từ năm 1858? Đó là sự kiện rất lớn đối với Tunisia” - Nesrine Jelalia, Giám đốc điều hành Al Bawsala - một nhóm hoạt động phi đảng phái nói.

Ở khía cạnh khác, Abderrahim đại diện cho sự thay đổi. Bà là Thị trưởng đầu tiên của Thủ đô Tunis xuất thân từ tầng lớp trung lưu và đến từ miền Nam đất nước, trong khi Tunisia từ lâu do các tầng lớp thượng lưu giàu có ở miền Bắc nắm quyền. Bà cũng là Thị trưởng Hồi giáo đầu tiên của Tunis, ứng cử viên của một đảng chính trị lấy cảm hứng từ Tổ chức Nhóm Anh em Hồi giáo của Ai Cập. Vào thời điểm Nhóm Anh em Hồi giáo cùng các chi nhánh bị tấn công khắp Trung Đông, sự nổi lên của Đảng Hồi giáo Ennahda mà bà Abderrahim dẫn dắt được các nhà ngoại giao và nhà phân tích cho rằng họ thành công một phần là nhờ nỗ lực chứng tỏ tư tưởng Hồi giáo của họ khoan dung hơn.

Chưa hết, bà Abderrahim không giống hầu hết các thành viên nữ của Đảng Hồi giáo Ennahda. Với mái tóc màu đồng và thời trang phương Tây, bà không đeo khăn trùm đầu theo Hồi giáo truyền thống. “Đó là một thông điệp tích cực đối với các thế hệ tương lai khi họ luôn nghĩ rằng Hồi giáo đối lập với quyền tự do của phụ nữ. Bà ấy là tấm gương phản chiếu người phụ nữ Tunisia hiện đại”, cử tri 34 tuổi Miriam Ben Romdhan nhận xét.

Nữ doanh nhân trở thành chính trị gia

Về học vấn, bà Souad Abderrahim tốt nghiệp Đại học Y khoa và bà từng là một lãnh đạo thẳng thắn của hội sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, bà kết hôn với một dược sĩ, có hai con và mở một doanh nghiệp nhỏ bán thuốc, sống một cuộc sống yên ả. Nhưng khi cuộc cách mạng màu theo chủ nghĩa dân túy lan rộng trên khắp đất nước và khu vực vào năm 2011, bà Abderrahim đã tham gia cùng hàng trăm nghìn người biểu tình trên đường phố, sát cánh với các bạn cũ thời sinh viên của mình. “Cuộc sống chính trị của tôi bắt đầu sau cuộc cách mạng mùa xuân Ả-rập. Mọi người nhắc tôi về những hoạt động từ thời sinh viên. Nó giống như một sự trở lại những ngày xưa của tôi”, nữ Thị trưởng Tunis kể.

Năm 2011, bà được bầu làm Nghị sĩ. Ba năm sau, bà Abderrahim mở một nhóm tham gia vào các vấn đề của phụ nữ và làm việc với tư cách là một nhà phân tích chính trị trên truyền hình. Từ hôm đắc cử 3-7-2018 đến nay, bà Souad Abderrahim đã nhận được đủ lời khen - chê và bà hy vọng được phê bình nhiều hơn, thách thức nhiều hơn để nỗ lực hoàn thành trọng trách. Công việc mà bà tập trung nhất hiện nay là cố gắng cải thiện cơ sở hạ tầng của thành phố sao cho thân thiện với môi trường hơn.

Trong phòng làm việc của nữ Thị trưởng Tunis hiện giờ treo một chiếc khung vàng có danh sách các Thị trưởng từ năm 1858, khi văn phòng được thành lập và đó cũng là lời nhắc nhở hàng ngày về kỳ tích của bà. “Cuối cùng họ sẽ thêm tên của tôi. Bây giờ tôi đã bước vào lịch sử. Và không ai có thể xóa nó”, bà Abderrahim nói.

Tunisia gần đây đã chứng kiến sự cải thiện đáng kể về quyền phụ nữ. Đây là quốc gia Ả-rập đầu tiên bãi bỏ Luật “kết hôn với kẻ hiếp dâm”. Năm 2017, Quốc hội nước này đã thông qua một đạo luật coi bạo lực gia đình là một hành vi tội phạm và phụ nữ được phép kết hôn không phải người Hồi giáo. Theo luật thừa kế, con gái chỉ được thừa kế bằng một nửa so với con trai, bởi vậy Tổng thống Beji Caid Essebsi đang tìm cách bãi bỏ luật này nhưng điều này không dễ do giới chức sắc tôn giáo cho rằng nếu thừa kế ngang bằng tức là trái ngược với Luật Hồi giáo và Kinh Koran.