Sốt xuất huyết tăng mạnh

ANTĐ - Trong khi người dân đang hoang mang về dịch tay chân miệng thì một dịch bệnh khác đang gia tăng với tốc độ chóng mặt lại ít được chú ý. Các chuyên gia dịch tễ cho biết, dịch sốt xuất huyết (SXH) ở Hà Nội đang bước vào thời kỳ đỉnh dịch.

Sở Y tế Hà Nội kiểm tra máy móc, trang thiết bị chống dịch


Nhiều dịch cùng tồn tại

Chỉ tính riêng tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, số bệnh nhân mắc SXH vào khám và điều trị trong tháng 9 tăng hơn gấp đôi so với tháng 8 và đến tháng 10 lại tiếp tục tăng cao hơn. Số liệu thống kê từ BV này cho thấy, trong khi các tháng 2, 3, 4, 5, 6 chỉ có trung bình khoảng trên dưới 10 ca mắc thì đến tháng 7 tăng lên 23 trường hợp, tháng 8 tăng hơn 5 lần, lên con số 111 trường hợp, đánh dấu giai đoạn cao điểm của dịch. Chưa dừng lại, trong tháng 9, số trường hợp vào điều trị tại BV đã lên tới 224 ca, tăng gấp 2 lần so với tháng 8. Đến tháng 10, là 282 trường hợp. Có đến gần 90% lượng bệnh nhân tập trung ở Hà Nội, ngoài ra cũng ghi nhận rải rác tại các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương…

Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội cho thấy, số mắc SXH đang tăng lên từng ngày. Hiện đã ghi nhận bệnh nhân ở 27/29 quận, huyện toàn thành phố với nhiều ổ dịch nhỏ, rải rác, chưa ghi nhận ổ dịch lớn, chưa có tử vong. Khu vực tập trung đông bệnh nhân nhất vẫn là các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng… Theo ông Nguyễn Nhật Cảm - Phó Giám đốc TTYTDP Hà Nội, số mắc SXH trong 2 tháng tới sẽ còn tiếp tục tăng cao, bởi theo kinh nghiệm hàng năm thì đây chính là thời kỳ đỉnh dịch SXH ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Trong thời điểm này tại Hà Nội có nhiều dịch bệnh cùng có biểu hiện sốt, nổi ban đỏ như tay chân miệng, sốt phát ban… nên có khá nhiều bệnh nhân không cho mình bị SXH. Từ đó dẫn đến áp dụng biện pháp điều trị sai, nhập viện muộn, tình trạng bệnh nguy kịch.

Không chủ quan

Qua điều tra dịch tễ của TTYTDP Hà Nội tại các ổ dịch SXH trên địa bàn, đa phần vẫn là do điều kiện vệ sinh môi trường kém khiến muỗi gây bệnh phát triển mạnh, trong khi bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa có thói quen ngủ buông màn. Mặt khác, nhận thức của người dân về SXH còn hạn chế. Khi bị sốt, người dân thường uống thuốc hạ sốt hoặc truyền nước, chỉ khi thấy quá mệt mới vào viện. Các bác sĩ cho biết, đối với SXH, truyền nước không có hiệu quả, nhất là khi tiểu cầu đã giảm mạnh. TS. Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, nhiều bệnh nhân SXH đến viện đã có hiện tượng xuất huyết do tiểu cầu giảm như chảy máu lợi, chảy máu cam, tiểu cầu giảm thấp, thậm chí có bệnh nhân chỉ còn 6.000 - 8.000 tiểu cầu.

Ths.BS Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, thời điểm này cả khoa có 40 ca điều trị nội trú một ngày đêm. Tuy nhiên theo quy luật, đỉnh dịch là tháng 10 và 11, sau đó thời tiết lạnh, muỗi khó sinh sản, số lượng bệnh nhân sẽ giảm dần và hết vào khoảng cuối tháng 12, đầu tháng 1. BS Lâm khuyến cáo, những người sốt cao đột ngột, đau nhức các cơ bắp, đau mỏi khớp, mỏi toàn thân, đau đầu, đau hai hốc mắt có thể nghi ngờ mắc SXH. Đặc biệt, nếu bệnh nhân có các biểu hiện trên đang sống tại nơi đã có người mắc SXH thì cần lưu tâm khả năng mình cũng đã mắc bệnh. Trong trường hợp bệnh nhân nghi ngờ SXH ở giai đoạn nhẹ, nếu điều trị tại nhà chỉ uống giảm sốt Paracetamol, vitamin C, nước hoa quả, tuyệt đối không dùng thuốc nhóm salicylic vì có thể gây chảy máu nặng, không cầm được, rất nguy hiểm. Nếu triệu chứng nặng hơn cần vào viện ngay để được khám, điều trị.