Sốt xuất huyết lan rộng

ANTĐ - Nếu như cùng thời điểm này năm ngoái toàn thành phố chỉ ghi nhận 438 ca sốt xuất huyết (SXH) thì từ đầu năm 2015 đến nay số mắc đã lên tới 1.285 ca, tăng gấp 3 lần. Đặc biệt, những tuần gần đây số mắc tăng chóng mặt, riêng trong tháng  8-2015 đã phát hiện tới 633 ca, tăng 50% so với tháng trước đó.
Sốt xuất huyết lan rộng  ảnh 1

Hướng dẫn phòng chống dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội

Xuất hiện nhiều “điểm nóng” 

Tại cuộc họp về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố do UBND TP Hà Nội tổ chức chiều 3-9, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến ngày 1-9, toàn thành phố ghi nhận 1.285 ca mắc SXH. Con số này tăng gấp 3 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2014 (chỉ có 438 ca).

Bệnh nhân mắc phân bố tại 29/30 quận/huyện/thị xã (trừ huyện Phúc Thọ). Những tuần gần đây số mắc càng  tăng mạnh, hiện ghi nhận số mắc cao tại một số huyện trọng điểm như Thanh Trì (248 ca), Hoàng Mai (241 ca), Hai Bà Trưng (182 ca), Hà Đông (149 ca)… Đặc biệt số mắc liên tục gia tăng trong tháng 7 và tháng 8: tháng 7 có 359 ca (tăng 28%), tháng 8 có 633 ca (tăng 49,4%).

Là huyện có số mắc SXH cao nhất thành phố tính đến thời điểm này, “điểm nóng” về dịch SXH của huyện Thanh Trì hiện vẫn tập trung chủ yếu ở các xã Tả Thanh Oai, Ngũ Hiệp, Tân Triều. Tại quận Hoàng Mai, trong tổng số 240 ca mắc hiện có 29 bệnh nhân vẫn đang phải nằm điều trị tại các bệnh viện. Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, “điểm nóng” nhất về dịch SXH của quận tập trung ở 2 phường Hoàng Văn Thụ, Tương Mai, tiếp đến là phường Mai Động, Hoàng Liệt.

Còn tại quận Hà Đông, đại diện phòng Y tế của quận cho biết, điểm nóng về SXH của quận là phường Phúc La với 50 bệnh nhân… Đại diện các quận này cũng chia sẻ, nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn thời gian tới rất lớn bởi đây đều là các huyện có tốc độ đô thị hóa mạnh, có rất nhiều khu đô thị mới chưa có người ở, tập trung nhiều rác thải, điều kiện vệ sinh môi trường kém, trong khi nhận thức của người dân còn hạn chế.

Ông Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh, dự báo trong 4 tháng tới tình hình bệnh SXH trên địa bàn thành phố sẽ diễn biến phức tạp, số mắc có thể tăng cao do năm 2015 là năm chu kỳ của dịch bệnh này. Điều đáng lo ngại nhất là nhiều hộ gia đình từ chối phun hóa chất, không hợp tác với cán bộ y tế (17,6%), số hộ gia đình vắng mặt nhiều (17,7%)…, chỉ 64% hộ gia đình hợp tác với cán bộ y tế đi phun hóa chất diệt muỗi phòng SXH. 

Nguy cơ mất kiểm soát nếu chủ quan

Nói  về diễn biến của dịch SXH thời điểm này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cũng cho biết, hiện trên cả nước đã ghi nhận trên 24.000 trường hợp mắc, 16 ca tử vong. Hà Nội hiện là một trong những địa phương có số mắc SXH tăng mạnh nhất cả nước và nguy cơ bùng phát trong những tháng cuối năm rất lớn. “Qua theo dõi những năm gần đây xu thế dịch SXH ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc còn tăng mạnh cho đến khoảng cuối tháng 11. Đặc biệt hiện miền Bắc mới bắt đầu bước vào mùa mưa, là thời điểm dịch bùng phát mạnh nên chắc chắn những tháng tới là thời gian đỉnh dịch SXH ở khu vực này” - ông Trần Đắc Phu cảnh báo. 

Sở Y tế Hà Nội cũng nêu rõ, trọng tâm trong công tác phòng chống dịch của thành phố từ nay đến cuối năm vẫn là dịch SXH, do đó công tác giám sát dịch phải được tăng cường và thực hiện tốt, từ giám sát ca bệnh, giám sát trọng điểm đến giám sát véc tơ, giám sát ổ dịch cũ, đặc biệt chú trọng tới việc phát hiện sớm, khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để. Song để các giải pháp kiểm soát dịch bệnh này có hiệu quả thì chỉ riêng ngành y tế vào cuộc là không đủ.

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị, để có thể đạt được mục tiêu  diệt bọ  gậy và phun hóa chất diệt muỗi  tại các hộ gia đình đạt từ 90% trở lên thì ngoài sự hợp tác của các hộ dân cần có sự tham gia tích cực của lãnh đạo chính quyền xã/ phường/ thị trấn liên quan. Tương tự, Sở Y tế cũng đề nghị Sở GD-ĐT phối hợp chặt chẽ triển khai phòng chống dịch bệnh trong trường học ngay từ những ngày đầu tiên tựu trường… 

Nhấn mạnh dịch SXH trên địa bàn thành phố đang tăng mạnh, mức độ dịch có thể nói là đã đến giai đoạn khẩn cấp nhưng nhiều quận, huyện vẫn rất chủ quan, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã phải quyết tâm vào cuộc để dập dịch ngay, kiên quyết không để dịch bùng phát ngoài tầm kiểm soát.

Phó Chủ tịch UBND TP giao nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của 30 quận, huyện phải đẩy mạnh các chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, tuyên truyền phổ biến đến từng hộ dân, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh. 

Các dịch bệnh khác vẫn trong tầm kiểm soát
Ngoài SXH, từ đầu năm đến nay toàn thành phố đã ghi nhận 682 trường hợp mắc tay chân miệng, 253 ca mắc sốt phát ban (39 trường hợp dương tính với sởi), 148 ca ho gà, 14 ca viêm màng não Nhật Bản, 12 ca liên cầu lợn (2 ca tử vong)...

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu đề nghị, những tháng cuối năm, ngành y tế cần tập trung vào công tác phòng chống SXH song cũng không được lơ là, chủ quan với các dịch bệnh khác bởi nguy cơ bùng phát dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào.