Sốt xuất huyết hạ nhiệt, nhưng không được chủ quan

ANTD.VN - Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thời điểm này số bệnh nhân vào khám sốt xuất huyết (SXH) mỗi ngày giảm hơn một nửa so với lúc cao điểm, tấm bảng “bệnh viện dã chiến” cũng đã được dỡ đi.
 

Dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội đã hạ nhiệt song chưa thể chủ quan

Tại Hà Nội, hiện nay, 95% số bệnh nhân SXH đã được điều trị khỏi, mỗi ngày chỉ còn ghi nhận hơn 170 ca mắc mới. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, đây chính là thời điểm có thể xuất hiện tâm lý chủ quan và dịch SXH có thể bùng lên thành đỉnh dịch thứ hai trong năm.

Quyết giảm số mắc xuống 70 ca/ngày

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thời điểm này, trung bình mỗi ngày chỉ còn tiếp nhận khoảng 20 ca bị SXH nhập viện điều trị, giảm 50% so với tuần cao điểm cách đây hơn 1 tháng. Cùng đó, số bệnh nhân nặng cũng giảm hơn, không ghi nhận thêm trường hợp tử vong. Tấm bảng “Bệnh viện dã chiến” giờ cũng đã được tháo dỡ. Hội trường của bệnh viện và nhiều phòng làm việc của bác sĩ từng được huy động, trưng dụng để kê thêm giường điều trị bệnh nhân SXH cũng đã được trả lại. Không khí làm việc tại bệnh viện không còn căng thẳng như 1-2 tháng trước.

Tương tự, tại Bệnh viện E, Bạch Mai hay các bệnh viện của Hà Nội như Xanh Pôn, Thanh Nhàn… số bệnh nhân vào khám, điều trị SXH đều giảm mạnh. Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 4-10, 95% số bệnh nhân bị SXH của thành phố đã được điều trị khỏi, chỉ còn trên 1.100 bệnh nhân vẫn đang phải điều trị, nằm rải rác tại các bệnh viện trên địa bàn. 

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, số mắc mới SXH tại Hà Nội đã giảm liên tục trong 7 tuần gần đây, riêng tuần vừa qua chỉ còn ghi nhận 1.228 ca (tuần cao điểm nhất lên tới trên 3.400 ca) - tức bình quân mỗi ngày có khoảng trên 170 ca mắc. “Thành phố đang tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng chống SXH, hy vọng trong khoảng 3 tuần tới số mắc mới được ghi nhận mỗi ngày chỉ còn ở mức khoảng 70 ca” - ông Hoàng Đức Hạnh nói.

Về phân bố bệnh nhân mắc SXH tại Hà Nội, hiện 23 quận, huyện có số người mắc SXH giảm từ 20 đến 70 ca so với tuần trước, chỉ còn 5 quận, huyện có số mắc SXH tăng nhẹ từ 1 đến 5 ca (gồm: Mỹ Đức; Mê Linh, Thường Tín, Long Biên; Hoàn Kiếm) và 2 quận, huyện có số mắc bằng tuần trước đó.

Tuyệt đối không được lơ là phòng dịch

Dù dịch SXH đã giảm mạnh, song theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, các yếu tố thuận lợi cho việc gia tăng, bùng phát dịch bệnh này hiện vẫn còn nguyên. Đó là còn hàng trăm ổ dịch trong cộng đồng; thời tiết nắng mưa thất thường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sôi phát triển; đặc biệt, nhiều người dân và cả một số chính quyền địa phương có dấu hiệu chủ quan… 

Hơn nữa, qua nghiên cứu tình hình dịch SXH trên địa bàn thành phố Hà Nội 5 năm gần đây, số mắc thường tăng cao vào tháng 11 hàng năm với trung bình khoảng 500 ca mắc mỗi tuần (khoảng 70 ca mắc/ngày). Do đó, dù số ca mắc SXH vào thời điểm hiện tại đã giảm nhưng vẫn còn cao hơn cả thời điểm đỉnh dịch những năm trước. “Nếu việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch chùng xuống thì nguy cơ dịch SXH sẽ bùng phát trở lại” - ông Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh. 

Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhận định, số ca mắc SXH giảm mạnh cho thấy công tác phòng, chống dịch của thành phố đã đạt được hiệu quả, song nguy cơ bùng phát đỉnh dịch thứ hai vào cuối tháng 10-11 năm nay vẫn còn. Vì thế, các quận, huyện, xã, phường tuyệt đối không được chủ quan và yên tâm trước xu thế ca mắc giảm như hiện nay. 

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý yêu cầu các quận, huyện, thị xã, cơ quan chức năng của thành phố cần tiếp tục thực hiện quyết liệt 7 biện pháp phòng chống dịch SXH đã và đang triển khai, trong đó tập trung giải quyết dứt điểm các ổ dịch còn tồn tại.