Sốt xuất huyết biến chứng nặng vì bị bác sĩ chẩn đoán nhầm

ANTD.VN - Có nhiều bệnh nhân bị sốt xuất huyết (SXH) nhưng bác sĩ lại nghĩ là viêm nhiễm gì đó nên cho dùng kháng sinh, thậm chí cho dùng corticoid khiến biến chứng nặng hơn. 

Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thời điểm này đang quá tải trầm trọng vì bệnh nhân SXH nhập viện đông, dẫn tới phải nằm ghép 2-3 người/giường. Đáng chú ý có nhiều bệnh nhân biến chứng nặng do bác sĩ tuyến dưới chẩn đoán nhầm hoặc chỉ định điều trị không đúng.

Sốt xuất huyết biến chứng nặng vì bị bác sĩ chẩn đoán nhầm ảnh 1Tại khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai, hiện bệnh nhân sốt xuất huyết phải nằm ghép 2-3 người/ giường

Quá tải trầm trọng, nhiều ca sốc nặng

Ngày 19-7, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ tháng 1 đến tháng 4-2017, trung bình mỗi tháng khoa chỉ có khoảng 10 ca SXH thì từ tháng 5 đến nay lượng bệnh nhân SXH đến khám, nhập viện tăng chóng mặt. Trung bình mỗi ngày, cả bệnh viện tiếp nhận khoảng 50-70 ca đến khám SXH, 1/3 trong số này phải nhập viện điều trị (khoảng 20-25 ca), dẫn tới tình trạng quá tải trầm trọng giường bệnh nội trú.

Từ đầu tháng 7 này, Khoa đã phải sắp xếp lại, dành tới 2/3 số giường nội trú cho bệnh nhân SXH, đồng thời chỉ tiếp nhận các bệnh nhân SXH nặng nhập viện, còn các trường hợp nhẹ hơn được tư vấn điều trị ngoại trú hay chuyển tuyến dưới. Dù vậy, hầu hết các giường đều đã phải nằm ghép tới 2-3 bệnh nhân.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, bệnh nhân SXH vào điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai thời điểm này đa số ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, thuộc mọi lứa tuổi, từ cụ già 85 tuổi cho đến những bệnh nhi còn rất nhỏ. Thậm chí có gia đình 3-4 người cùng phải nhập viện vì SXH, kể cả nhân viên y tế cũng bị. Đáng chú ý, trong vụ dịch năm nay, có nhiều bệnh nhân SXH rất nặng, thoát huyết tương, sốc, trụy mạch, tụt huyết áp… nhưng lại không thấy biểu hiện xuất huyết, đã có bệnh nhân SXH tử vong vì suy đa phủ tạng. Do biến chứng nặng nhưng biểu hiện lại khó nhận biết như vậy nên đã xuất hiện nhiều trường hợp người bệnh từ bệnh viện tuyến dưới hoặc bệnh viện đa khoa khác chuyển đến trong tình trạng bị chẩn đoán nhầm, chỉ định điều trị không đúng.

“Nhiều bác sĩ chẩn đoán sai, cứ nghĩ bệnh nhân bị viêm nhiễm gì đó chứ không phải SXH nên cho dùng kháng sinh, tuy không có hại nhưng không có tác dụng điều trị và khiến bệnh nhân được điều trị theo đúng phác đồ muộn hơn nên biến chuyển nặng hơn. Đặc biệt, do chẩn đoán không đúng nên một số bác sĩ còn chỉ định cho bệnh nhân SXH dùng      corticoid, đây là thuốc chống chỉ định với SXH nên bệnh nhân có biểu hiện nặng hơn” - PGS.TS Đỗ Duy Cường cảnh báo.

Không được tự uống thuốc, truyền dịch tại nhà

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tình trạng quá tải bệnh nhân SXH cũng đã diễn ra 2 tuần qua, rất nhiều trường hợp phải nằm ghép 2 người/giường. Qua điều trị, các bác sĩ nhận thấy có một sai lầm phổ biến là hầu hết người bệnh bị SXH đã tự mua thuốc điều trị tại nhà trước đó, không ít trường hợp còn thuê người đến truyền dịch tại nhà hoặc đến truyền dịch ở phòng khám tư, chỉ khi thấy bệnh không đỡ mà tiến triển nặng hơn mới đi viện. Cách đây 5 ngày, tại bệnh viện này còn có một bệnh nhân 53 tuổi (ở Ba Đình, Hà Nội) tử vong vì SXH, kết quả chụp CT cho thấy các ổ xuất huyết trong não quá nặng, ngoài tầm kiểm soát. 

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh SXH thường kéo dài 7-10 ngày và chia làm 3 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, khi bệnh nhân đang sốt cao, người mệt mỏi, nếu truyền dịch sẽ rất dễ bị sốc, lên cơn co giật. Giai đoạn hai là giai đoạn tăng thấm, bệnh nhân rất dễ bị thoát dịch qua màng bụng nên phải truyền dịch với tốc độ nhanh hơn tốc độ thấm ra ngoài của cơ thể, nhưng phải theo chỉ định và được bác sĩ theo dõi chặt chẽ.

Giai đoạn cuối là phục hồi, sẽ diễn ra quá trình tái hấp thu dịch, việc truyền dịch trong giai đoạn này sẽ dẫn tới thừa dịch, gây biến chứng phù phổi… Do đó, nếu không hiểu cơ chế như vậy, truyền dịch không theo đúng chỉ định của bác sĩ, người truyền dịch không có đủ kiến thức sẽ dễ dẫn đến những biến chứng khôn lường. 

Để việc chữa trị SXH có hiệu quả, hạn chế biến chứng, tử vong, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh SXH không được tự ý truyền dịch tại nhà. Đặc biệt, tuyệt đối không được truyền dung dịch đạm, pha vitamin cho bệnh nhân SXH vì rất dễ dẫn tới sốc. Thay vào đó, giải pháp bù nước cho bệnh nhân SXH hiệu quả và an toàn nhất là tăng cường chế độ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả, uống nhiều nước và nghỉ ngơi hợp lý.

Dịch sốt xuất huyết năm nay có biểu hiện rất lạ

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay trên cả nước đã có trên 50.000 trường hợp mắc SXH, 15 trường hợp tử vong. Trong số 15 ca tử vong thì có tới 4-5 trường hợp xuất huyết não. Đây là một hiện tượng khác thường  (vì thông thường các năm gần đây cả năm chỉ có khoảng 1- 2 ca xuất huyết não do SXH), vì thế phải đặc biệt lưu tâm.