Sốt cao không bù nước, có thể hôn mê

ANTD.VN - Khi bị sốt cao, đa phần mọi người thường tìm cách hạ nhiệt hay bồi bổ cho cơ thể mà quên mất rằng, nếu không được bù nước kịp thời, bạn có thể bị sốc, trụy mạch, hôn mê…

Nước lọc không thể thay thế dung dịch điện giải

Tiêu chảy phải bù nước thì đã rõ, nhưng tại sao sốt cao mà cũng phải làm việc này? Rõ ràng, bạn không thấy nước thoát ra từ đường nào cả, thậm chí, khi sốt, nhiều người còn ít đi vệ sinh thì làm sao mà mất nước? Nếu bạn đang nghĩ vậy thì đó là hoàn toàn sai lầm!

Theo bác sĩ Đoàn Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội, cũng như tiêu chảy, sốt cao là một trong những nguyên nhân khiến cơ thể mất nước nghiêm trọng. Ghi nhận tại các bệnh viện cho thấy, không ít bệnh nhân đã nhập viện trong tình trạng mắt trũng, da khô héo, thở thoi thóp, nước tiểu vàng sẫm… do thiếu nước. Ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh còn có hiện tượng huyết áp thấp, tim đập nhanh, thậm chí là mê sảng, bất tỉnh… vì gia đình không bù nước kịp thời khi sốt cao kéo dài.

Vậy tại sao sốt lại gây mất nước? Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Đoàn Văn Phúc khẳng định, khi sốt cao, chúng ta sẽ mất nước qua 2 đường là mồ hôi và hơi thở. Nếu để ý, bạn sẽ thấy rằng, khi sốt, chúng ta sẽ thở nhiều hơn để giảm nhiệt. Bản chất của hơi thở đã bao gồm hơi nước nên thở càng nhiều, hiện tượng mất nước càng xảy ra. 

Đồng thời, khi sốt cao, chúng ta thường có xu hướng hạ sốt. Và để giảm nhiệt, cơ thể sẽ toát mồ hôi. Trong trường hợp sốt cao liên tục, lượng mồ hôi đổ ra không hề nhỏ sau mỗi lần hạ sốt.

Cũng chính bởi những lý do trên mà bên cạnh chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, chúng ta cần bổ sung nước kịp thời, đúng cách. Theo đó, với những trường hợp mất nước nặng (gồm các biểu hiện khát nước, da khô, đau đầu, chóng mặt, mặt xám, rối loạn thần kinh…), cần truyền nước biển tại bệnh viện dưới chỉ định và giám sát của bác sĩ.

Tuyệt đối không được tự ý truyền nước tại nhà hay các phòng khám tư nhân bởi nếu chẳng may xảy ra phản ứng sốc, ở những nơi này sẽ không đủ phương tiện kỹ thuật để sơ cứu, dễ dẫn tới tử vong. Với những trường hợp thông thường (chỉ có các biểu hiện mệt mỏi, da khô, tiểu ít...), chúng ta có thể sử dụng dung dịch oresol hay hydrid… để bù nước.

Nói về bù nước, có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc: liệu chúng ta có thể sử dụng nước lọc được không? Câu trả lời chắc chắn là “Không”. Lý do rất đơn giản,  các dung dịch như oresol, hydrid… không chỉ có tác dụng bù nước mà quan trọng hơn là bù điện giải (các khoáng chất mất đi cùng với quá trình mất nước của cơ thể), do đó, nước lọc không thể thay thế.

Bù nước không đúng cách: Càng mất nước nặng

Sử dụng dung dịch điện giải thực tế không hề khó. Thế nhưng, có không ít người “sáng chế” ra nhiều cách dùng không chuẩn. Chẳng hạn, do nghĩ dung dịch này càng đậm đặc càng tốt nên dù hướng dẫn sử dụng 1 gói pha với 1 lít nước, nhiều người đã chỉ pha với một nửa lượng nước được khuyến cáo.

Điều này vô tình làm cơ thể mất nước nặng hơn. Nguyên nhân là bởi trong oresol, hydrid… đều có một lượng muối nhất định. Khi nồng độ muối trong máu trở nên đậm đặc, nó sẽ hút nước ở tế bào để cân bằng. Nếu tình trạng này kéo dài, bạn có thể rơi vào tình trạng mất nước nghiêm trọng với các biến chứng suy mạch, hôn mê…

Ngoài sai lầm trên, nhiều người còn có thói quen không pha luôn cả gói mà dùng đến đâu pha đến đó. Tuy nhiên, vì không thể chia chính xác lượng oresol ứng với lượng nước được pha mỗi lần nên sẽ dẫn tới tình trạng hoặc dung dịch sẽ quá đặc hoặc quá loãng.

Sai lầm sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn nếu bạn pha oresol hay hydrid với nước khoáng thay vì nước lọc. Cách pha này gây hại ở chỗ nó sẽ làm tăng nồng độ chất điện giải trong dung dịch, từ đó dẫn khiến dung dịch đậm đặc hơn.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp  tái sử dụng dung dịch điện giải đã để qua đêm mà không biết rằng nó có thể bị lên men, nhiễm khuẩn do trong đó có hàm lượng đường nhất định. Chính vì thế, nếu bạn tiếp tục dùng, nó sẽ ảnh hưởng không tốt đến đường tiêu hóa. Bởi vậy, tốt nhất là chỉ nên pha oresol, hydrid… với nước lọc và chuẩn lượng nước như hướng dẫn.