Cảnh báo nguy cơ sạt lở các bãi thải tại Thái Nguyên (1)

Sống trong tầm đá lăn

ANTĐ - Đã hơn 1 tuần trôi qua, những nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở bãi thải mỏ than Phấn Mễ vẫn chưa được tìm thấy. Hàng đêm, thân nhân người bị nạn vẫn ngồi bất động trên những tảng đá lặng lẽ dõi theo từng guồng máy xúc, thỉnh thoảng lại giật mình mỗi khi nghe thấy tiếng reo của công nhân cứu hộ khi tìm bới được một vật gì. Cách Phấn Mễ khoảng 20km, cũng có những tiếng giật mình thon thót, nhưng không phải chỉ của dăm ba người mà có tới 9 thôn.

Có lẽ, chỉ đến khi tai họa mang tên Phục Linh xuất hiện, người ta mới chợt nhớ ra rằng: Thái Nguyên hiện còn quá nhiều bãi thải tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Nếu như lấy phạm vi ảnh hưởng 300m của vụ sạt lở bãi thải mỏ than Phấn Mễ làm chuẩn thì tại mỏ Khánh Hòa, nếu sự cố tương tự xảy ra, sẽ không thể ít hơn 300 gia đình bị chôn vùi.

Trường mầm non xã Phúc Hà sát chân bãi thải

Núi thải “gặm” đất nông nghiệp

Ông Nguyễn Đức Nhất - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hà, thành phố Thái Nguyên hẳn không quá cường điệu khi đưa ra con số… rợn tóc gáy ấy. Theo thống kê của ông Nhất thì 300 hộ nói trên là những gia đình sống cách chân bãi thải chỉ có 200m, nghĩa là vẫn còn ngắn hơn khoảng cách ảnh hưởng của bãi thải Phấn Mễ 100m. Ông Nhất bảo: “Chẳng cần đi đâu xa, mời các anh ra sau ủy ban là sẽ rõ”. 

Con đường liên xã ngay trước cổng UBND xã Phúc Hà quanh năm bụi đất mù mịt. Đập vào mắt chúng tôi khi vừa tới đây là một quả núi lừng lững, xám xịt bụi than án ngữ ngay phía sau lưng ủy ban. Ông Nhất hài hước phân bua: “Cán bộ xã Phúc Hà vẫn tự an ủi nhau là trụ sở ủy ban có vị trí địa lý khá đắc địa. Lưng tựa sơn, chân đạp thủy. Sau sự cố ở Phấn Mễ, chúng tôi chỉ ngại mỗi một điều, không biết, có khi nào quả núi kia nó ụp xuống không”. 

Quả núi mà ông Nhất nhắc đến vốn là bãi thải của mỏ than Khánh Hòa thuộc Công ty TNHH một thành viên than Khánh Hòa. Mỏ than này được người Pháp phát hiện và khai thác từ những năm 1940 và vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Thời gian gần đây, do công nghệ khai mỏ ngày một tiến bộ, nên tốc độ phát triển của bãi thải này cũng không ngừng tăng theo. Lẽ ra người ta phải mừng vì việc ăn nên làm ra của mỏ Khánh Hòa, nhưng ông Nhất thì ngược lại. Nhìn lên bản đồ tự nhiên của xã, ông thở dài: “Anh tính, trung bình mỗi năm bãi thải này lấn dần vào đất nông nghiệp của người dân tới 30ha, không buồn sao được. Xã tôi trước kia, tổng diện tích cả đất ở và đất nông nghiệp vào khoảng gần 600ha, nhưng đến nay thì 250ha đã biến mất nhường chỗ cho bãi thải. Ngay như cư dân xóm 8, trước đây có 80 hộ, nhưng kể từ khi bị bãi thải “gặm” mất đất nông nghiệp, 30 hộ đã phải dời đi. Người cứ lùi dần còn bãi thải cứ thế mà thẳng tiến.Với cái đà này, chẳng mấy chốc cả xã Phúc Hà sẽ bị xoá sổ. Hay như trụ sở UBND xã cũng không ngoại lệ. Trước đây bãi thải này còn nằm xa ủy ban lắm, nhưng hiện nay, như các anh thấy nó đã tiến sát tới lưng chúng tôi rồi”

Vừa học vừa lo

Việc bị bãi thải “gặm” dần vào đất ở tại xã Phúc Hà hiện không đáng lo bằng những nguy cơ sạt lở mà hầu hết cư dân ở đây đang ngày ngày nơm nớp lo âu. Cách trụ sở UBND xã không xa là trường mầm non Phúc Hà, nơi nuôi dạy 150 cháu nhỏ. Hôm chúng tôi đến, cô Đào Thị Thu Hà - Hiệu phó nhà trường đang lúi húi thu dọn giấy tờ trong căn phòng làm việc đen nhẻm bụi than chua chát: “Chạy thôi anh ạ, không thể ở đây thêm được nữa. Ở lại, nếu không chết vì sạt lở thì cũng sẽ có ngày mẹ con chúng tôi chết vì viêm phổi”.

Trường học của cô Hà chỉ cách chân bãi thải vài mét. Trời nắng, bụi than cuốn mù mịt, một ngày lau nhà cho trẻ con chơi đến cả chục lần vẫn không ăn thua. Ngày mưa bão, cô trò ôm nhau trong phòng mà bụng cứ nơp nớp lo đá lở. Sau khi sự cố ở Phục Linh xảy ra, cô Hà cảnh giác: “Sạt như vụ Phấn Mễ thì ở đây em chưa thấy, nhưng đá rơi trên đầu với trường này chẳng có gì là lạ. Có bữa đang ngủ trưa, nghe thấy tiếng lộc cộc vọng lại, tôi bảo mấy cô chạy ra xem thì thấy cả tảng đá to như cái bàn đang lăn lông lốc từ trên cao xuống. Cũng may, nó chưa lăn vào sân trường nên chưa việc gì. Nhưng mà đất đá thì đâu có mắt. Nói dại, nhỡ có làm sao thì chúng tôi biết ăn nói làm sao với các vị phụ huynh?”.

Tuy nhiên, việc “tháo chạy” của cô trò trường mầm non Phúc Hà lúc này cũng mới chỉ là biện pháp tình thế bởi địa điểm “tị nạn” của trường chưa “bói” đâu ra. Do cấp bách nên hiện tại 150 cháu bé đang phải “tạm trú” tại phòng đoàn đội và phòng y tế của trường tiểu học địa phương. Nhưng xem ra, nếu sự cố tương tự Phấn Mễ lặp lại tại Phúc Hà thì chắc chắn cả trường tiểu học này cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng vì nó chỉ cách chân bãi thải độ hơn 100m. Thêm một mối lo nữa là trường mầm non Phúc Hà vẫn còn một điểm trường thứ 2 nằm ngay dưới chân bãi thải với khoảng 40 cháu bé vẫn chưa được di dời. Tôi trở lại vấn đề “di tản” với cô Hà: “Vậy tới đây, cô định tính thế nào với 40 cháu còn lại?”. Cô Hà vò đầu: “Đấy, bài toán khó của chúng tôi là ở chỗ đấy. Không chỉ với 40 cháu ở điểm trường lẻ mà ngay cả 150 cháu ở điểm trường chính cần phải được chuyển tới một khu vực nằm ngoài vành đai an toàn của bãi thải này chứ không phải là “ăn nhờ ở đậu” trong một ngôi trường khác cũng nguy hiểm không kém. Việc đó, trường tôi đã kiến nghị khá nhiều lần với mỏ và phía chính quyền, nhưng tiếc rằng chưa lần nào nhận được phản hồi”.

(Còn nữa)