Sóng thần tấn công Indonesia: Liệu Việt Nam có phải đối mặt?

ANTD.VN - Trận sóng thần khủng khiếp ập vào Indonesia hôm 28/9 đã gây ra những hậu quả thảm khốc: hơn 800 người chết, rất nhiều người bị thương và đang còn mất tích. Là quốc gia nằm chung khu vực Đông Nam Á với Indonesia, liệu Việt Nam có khả năng phải đối mặt với thảm họa thiên nhiên khủng khiếp này?

Theo Jakarta Post, sóng thần tại Indonesia tối 28/9 vừa qua do trận động đất mạnh 7,5 độ Richter gây ra. Cơn địa chấn đã tạo ra con sóng cao 2m, tràn vào hai thành phố ở đảo Sulawesi: Thành phố Palu (Trung Sulawesi) và thành phố Mamuju (Tây Sulawesi). Con số thiệt hại về người và tài sản do thảm họa kép động đất - sóng thần gây ra cho Indonesia vẫn đang tăng lên.

Là quốc gia tiếp giáp Biển Đông, nằm ngoài Vành đai lửa Thái Bình Dương, được các vòng cung đảo Philippines, Indonesia, Malaysia và Java che chắn, Việt Nam được đánh giá là ít khả năng hứng chịu thảm họa kép động đất - sóng thần. Tuy nhiên, không vì thế mà Việt Nam không có nguy cơ hứng chịu thảm họa tự nhiên này.

Vành đai núi lửa tại Thái Bình Dương. Năm ngọn núi lửa trên vành đai: Mayon, Krakatau (Krakatoa), Helens, Pinatubo, Garibaldi

Vì sao có sóng thần?

Sóng thần là một loạt các đợt sóng tạo nên khi một thể tích lớn của nước đại dương bị chuyển dịch chớp nhoáng trên một quy mô lớn. Cơn sóng thần khởi phát từ đáy biển sâu. Khi còn ngoài xa khơi, chiều cao sóng khá nhỏ nhưng chiều dài của cơn sóng lên đến hàng trăm kilômét.

Động đất cùng những dịch chuyển địa chất lớn bên trên hoặc bên dưới mặt nước, núi lửa phun và va chạm thiên thạch đều có khả năng gây ra sóng thần. Hậu quả tai hại của sóng thần có thể ở mức cực lớn, có thể nhấn chìm đến hàng trăm ngàn người trong vài giờ.

Các vết đứt gãy dưới đáy đại dương là nguyên nhân chính gây ra những cơn động đất tại đáy biển. Đến lượt mình, chúng tạo ra sự xáo trộn của khối nước biển phía trên. Dưới tác động của trọng lực, các con sóng dịch chuyển vị trí để lấy lại thăng bằng và hình thành sóng thần.

Sóng thần đã từng xuất hiện tại Việt Nam

Các công trình nghiên cứu về động đất ở biển Đông và các điều kiện hình thành sóng thần, các khả năng dự báo nhằm giảm nhẹ thiệt hại chỉ mới bắt đầu xuất hiện trong vài chục năm trở lại đây. Do đó, những thông tin về các sự kiện thảm họa này trong lịch sử hầu hết dựa vào ghi chép trong lịch sử hoặc trí nhớ của người dân vùng ven biển.

Tuy nhiên, có 3 sự kiện đáng tin nhất về sóng thần tại bờ biển Việt Nam từng được ghi chép: Sóng thần tại bờ biển Trà Cổ năm 1978; Sóng biển cao tràn sâu vào đất liền tại bờ biển Diễn Châu cuối Thế kỷ 18, đầu thế kỷ 20 và sóng thần tại bờ biển Nha Trang năm 1923.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, năm 1978, sóng thần bất ngờ xuất hiện tại vùng Trà Cổ, Móng Cái. Sóng cao 2-3m, tràn vào bờ nhiều đợt làm nứt tường nhà, làm đổ các hàng cây phi lao ven bờ. Xung quanh vùng biển vào thời điểm đó không có một sự cố động đất nào. Sau nghiên cứu sơ bộ, các nhà khoa học kết luận, đây là hiện tượng sóng thần mà nguyên nhân có thể xuất phát từ tâm trận lốc xoáy hoặc  trượt đất dưới đáy biển của vùng biển xa.

Còn vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, theo lời kể của những người cao tuổi, tại bờ biển Diễn Châu (Nghệ An), xuất hiện con sóng dâng cao tựa như sóng trong các trận bão lớn, quét ngang thân tre ven biển, tràn sâu vào đất liền hơn 1km, làm ngập nhà cao 1,5m, cuốn trôi nhiều nhà cửa. Nhiều nhà khoa học kết luận, đây có lẽ cũng là sóng thần nguồn gốc khí tượng hoặc trượt lở đất ở vùng biển xa giống như hiện tượng tại Trà Cổ vào năm 1978.

Các nhà khoa học tại cũng đã  đặt ra giả thuyết: từng có các đợt sóng thần xảy ra vào năm 1923 tại Khánh Hoà. Theo ghi chép của Tiến sĩ Armand Krempt (trợ lý của bác sĩ Alexandre Yersin), sóng thần đã từng phá hỏng chuồng ngựa của bác sĩ Alexandre Yersin ở Nha Trang. Chuồng ngựa của ông cách bờ biển 5-6m. Sự cố này có liên quan tới hiện tượng núi lửa phun trào và gây động đất 6,1 độ richter tại đảo Hòn Tro, quần đảo Phú Quý. Có thể việc gây phun trào núi lửa tại Hòn Tro mà tạo ra sóng thần.

Nguồn gây sóng thần tại Biển Đông

Theo các nhà khoa học từ Viện Vật lý Địa cầu – Viện khoa học và công nghệ Việt Nam, vùng nguồn động đất gây sóng thần nguy hiểm nhất cho vùng ven biển Việt Nam là đới hút chìm Manila. Thời gian lan truyền sóng thần ngắn nhất từ đới này tới bờ biển Việt Nam là 2 giờ.

Các vùng nguồn sóng thần khác như Bắc Biển Đông, Tây Biển Đông… có ít khả năng gây sóng thần tác động nghiêm trọng lên bờ biển Việt Nam.

Đới hút chìm là nơi hai mảng kiến tạo (một phần của lớp vỏ Trái đất) chuyển động theo hướng va hút nhau và xảy ra sự cố hút chìm. Các đới hút chìm thường được ghi nhận là có hoạt động núi lửa, động đất và tạo núi với mức độ cao. Hoạt động của chúng gây ra các trận động đất.

Đới hút chìm Manila nằm ở ngoài khơi phía Tây Philippines, từ đông đảo Bandar Seri Begawan đến bắc đảo Luzon.