Vì sao tinh hoa Hà Nội vừa nhiều, vừa ít?

ANTD.VN - Cây cỏ, muông thú có tinh hoa của mình là những phần tinh túy quý hóa nhất. Có lúc tương tác với nhau và phần lớn là không. Chỉ xét riêng trên bình diện xã hội thôi, tinh hoa con người của mỗi thời đại đều có nét tương đồng không thể khác. Đó là việc đóng góp cho xã hội những gì đẹp đẽ nhất của mình.

Vì sao tinh hoa Hà Nội vừa nhiều, vừa ít? ảnh 1Nét văn hóa, lịch sử của mảnh đất kinh kỳ luôn được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác. Ảnh: Lam Thanh 

Đã có một thời gian dài chúng ta đánh giá không đúng công lao của Nam Việt Vũ Đế Triệu Đà. Người đầu tiên có công chống lại nhà Hán lập ra nước Nam Việt như một quốc gia độc lập bên cạnh Trung Hoa trước công nguyên. Thậm chí lũ trẻ Hà Nội những năm 60 thế kỷ trước khi học “Bình Ngô Đại Cáo” cũng bị bỏ đi mất nhà Triệu. Chỉ còn được học “Từ Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập…”. Nhưng câu tiếp theo “Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương” vẫn học theo nguyên bản. Bài Cáo Bình Ngô viết theo thể biền ngẫu đối nhau từng chữ. Nguyễn Trãi là bậc túc nho hẳn không viết thiếu chữ Triệu như vậy.

Giờ thì xét đến công trạng của Triệu Đà, ta có thể thấy ông là người có công lớn không chỉ ở chỗ giành độc lập cho đất nước mà còn là người đầu tiên khai mở ra khái niệm Việt Nam cho muôn đời con cháu mai sau.

Hà Nội từng là kinh đô của các triều đại đã hơn một nghìn năm. Chỉ trừ đi 143 năm nhà Nguyễn dời đô vào Phú Xuân mà thôi. Tầng lớp tinh hoa đương nhiên tụ tập về đây rất nhiều. Gọi họ là người Hà Nội cũng được mà gọi theo quê hương bản quán cũng chẳng có gì sai. Nguyễn Du khi đi qua Hà Nội chỉ dừng chân ít ngày đã sáng tác nên tuyệt bút “Long thành cầm giả ca”. Nhiều người còn cho rằng bài thơ chính là gợi ý cho tác phẩm lớn “Truyện Kiều” sau này của ông.

Có thể nói họ chính là những người làm nên phần tinh túy nhất của Hà Nội. Từ việc học hành khoa cử cho đến thợ thuyền khéo tay. Từ sáng tạo khoa học cho đến văn hóa nghệ thuật. Thậm chí cả từ cái ăn cái mặc cũng luôn là nơi khởi xướng ra những trào lưu và đúc kết thành di sản. Người cực đoan đôi khi cũng chạnh lòng vì có bao nhiêu tinh tú của quê mình cứ lần lượt kéo nhau ra Hà Nội mà lập nghiệp hết thảy, để lại những già yếu và lười biếng ở quê nhà.

Thế nhưng nghĩ cho kỹ mới thấy rằng Hà Nội chính là mảnh đất thuận tiện nhất cho mọi tinh hoa phát tiết ra ngoài. Nó là mảnh đất màu mỡ vun trồng cho mọi tài năng. Hơn thế nữa, nó còn là nơi mọi tài năng có điều kiện nhận diện được chính mình một cách chân thực nhất. Làm thơ hay nhất huyện cũng chỉ vài người đọc thơ ở huyện biết mà thôi. Thế nhưng chỉ cần đứng vào hàng ngũ 50 nhà thơ Hà Nội là nhiều khả năng cả nước biết đến. Hà Nội không chỉ quan tâm nâng đỡ những nghệ sĩ của mình mà còn luôn ủng hộ các đồng nghiệp phương xa mang tác phẩm của mình đến thi thố. Tất nhiên có bao nhiêu tinh hoa thì những thứ lắng đọng được ở phố sẽ trở thành gia tài. 

Do đặc thù của một thành phố có nhiều dân nhập cư, Hà Nội không có những hội nhóm cùng quan tâm đến công việc một cách thật sự gắn bó. Đại khái vài diva ca nhạc chơi với nhau chỉ thân vừa vừa. Đi biểu diễn với nhau một đợt xong có khi cả năm không gặp lại. Các họa sĩ nổi tiếng lại có kiểu quan hệ khác. Thán phục nhau đấy nhưng chẳng bao giờ ca tụng ai ở chỗ đông người. Những doanh nhân tài giỏi giàu có đi chơi golf với nhau hàng ngày nhưng việc ai người nấy làm. Hiếm khi hợp sức làm chung một việc… Bởi thế nên chưa bao giờ Hà Nội có hẳn một tầng lớp tinh hoa gắn kết dù rằng tinh hoa trên mảnh đất này không hề ít. Người Hà Nội có thể chơi một bông hoa đơn lẻ trên ban công nhà mình nhưng ít khi thấy đứng ngắm nhìn cả một vườn hoa trên phố.

Vì sao tinh hoa Hà Nội vừa nhiều, vừa ít? ảnh 2Nhà văn Đỗ Phấn

Dù đã bị mai một đi và pha loãng ra rất nhiều, nhưng tinh hoa ứng xử của người Hà Nội vẫn mang trong mình một dòng chảy âm thầm kín đáo. Sự khoe khoang huếnh hoáng gần như vẫn không có đất sống trong lòng những người ở Hà Nội đủ lâu. Cùng với nó là việc tranh biện hơn thua cũng chẳng bao giờ quyết liệt đến mức có thể tìm ra chân lý. Người kém cỏi lên giọng dạy dỗ thì người giỏi giang vẫn lắng nghe bình thường. Trật tự vì thế không có gì thay đổi nếu như không muốn nói người dốt sẽ dốt hơn và người giỏi càng giỏi. Quan sát kỹ mới thấy rằng bản thân cách ứng xử nhu hòa sẽ thúc đẩy người khác tự hoàn thiện hoặc tự phủ nhận mình dễ dàng đến thế nào. Điều này vừa hay vừa dở. Hay ở chỗ nó không chiếm mất thời gian vô bổ với những người không quan tâm hoặc kém hiểu biết. Nhưng rất dở khi không lập ra được một hệ thống định lượng riêng biệt như một thang giá trị trong xã hội. Cho nên ca sĩ nhạc sến thường xuyên hậm hực với dòng nhạc hàn lâm và ngược lại chẳng hạn. 

Quá nhiều tinh hoa ở mọi lĩnh vực cuộc sống đương nhiên họ là những người có đóng góp lớn nhất cho xã hội. Thế nhưng, không phải ai cũng tìm cho mình được một chỗ đứng thích hợp để mang hết khả năng của mình ra phục vụ. Lớp thanh niên Hà Nội từ 40 tuổi trở xuống giờ đây có khá nhiều người xuất chúng đã phải tìm những môi trường khác để cống hiến. Vài người gặt hái những thành công vang dội tầm cỡ thế giới. Cũng có người bặt tăm chẳng ai biết đến nữa. Hà Nội chỉ còn ngấm ngầm tự hào về họ một cách mông lung. Đó là điều đáng suy nghĩ nhất của chính quyền và các bậc trưởng thượng trong từng nghề nghiệp khác nhau. Làm thế nào để cuốn hút được nhân tài về phục vụ chính mảnh đất mình sinh ra và lớn lên không còn là nỗ lực cá nhân của từng người ưu tú nữa.

Tinh hoa Hà Nội vừa nhiều vừa ít là thế…

Hà Nội chính là mảnh đất thuận tiện nhất cho mọi tinh hoa phát tiết ra ngoài. Nó là mảnh đất màu mỡ vun trồng cho mọi tài năng. Hơn thế nữa, nó còn là nơi mọi tài năng có điều kiện nhận diện được chính mình một cách chân thực nhất.