Về quê thương phố

ANTD.VN - Tôi đã qua rồi cái thời ở phố thương quê, bây giờ mỗi lần về quê, sống lại cuộc sống của người ở quê lại thấy thương người phố. 

Về quê thương phố ảnh 1Không gian sống chật hẹp người ở phố mong muốn cuộc sống người ở quê 

Cách đây gần một thập kỷ, tôi - một thanh niên tỉnh lẻ rời vùng quê muối mặn ở địa đầu xứ Nghệ ra Hà Nội. Đằng đẵng những năm ngồi trên ghế giảng đường, tôi cũng chưa củng cố chắc chắn ý niệm sẽ bám víu lại Thủ đô như bao nhiêu cư dân đô thị đang ngột ngạt lưu thông ngoài kia. 

Nhưng rồi, qua từng năm tôi thấy rằng mình không thể xa đất này. Một phần nó có vẻ hợp với tính cách của tôi, một phần nữa vì ở đây tôi có công việc mà mình ưa thích, một công việc tôi được đào tạo. 

Tôi nhớ, cái cảm giác lớn dần lên của một gã trai từ tỉnh lẻ ra với thị thành đó là sự hài lòng với hệ thống dịch vụ hoàn chỉnh. Bước chân ra khỏi nhà là có hàng phở sáng, bước chân ra khỏi cửa là có hàng tạp hóa… Hà Nội đúng là cái gì cũng có, chỉ là mua giá đắt thôi. 

Giữa những đủ đầy vật chất, giữa những sung túc dịch vụ tôi lại thấy thương bố mẹ tôi, mà rộng hơn nữa là người dân quê tôi. Những người mà đa số trong họ biết đến Hà Nội đầu tiên là bệnh viện Bạch Mai hay Việt Đức… những nơi mà mỗi lần họ đến là kéo theo cả những toa tàu của sự lo toan. 

Họ chỉ tìm đến bệnh viện khi bệnh tật đã ủ kỹ trong người. Mẹ tôi cũng là một người dân quê thuần chất và bà mang đầy đủ những thực tế kể trên. Khi tôi đã sống mòn ở Hà Nội, mẹ tôi vẫn chưa biết Lăng Bác thế nào, giao thông ở Thủ đô nó khác quê mình ra sao. 

Lần đầu tiên bà đến Hà Nội cũng là lần bà phải đối mặt với bệnh tật, một căn bệnh khiến bà phải lên bàn mổ. Đêm trước của những ngày gắn bó với giường bệnh, tôi chở mẹ tôi đi vô định trên phố như muốn để khoe mẽ Thủ đô, nơi thằng con đang sống và làm việc nó như thế nào.

Người mẹ nào cũng thế, người phụ nữ ở quê lần đầu ra phố cũng vậy. Họ ngạc nhiên nhìn những căn nhà cao mỏi cả cổ rồi tự hỏi: Sao cứ phải sống chồng lên nhau thế nhỉ? Rồi có người sẽ bối rối hỏi một câu: Thế ở đây thì đi vệ sinh chỗ nào? Khi biết được cái nơi mà ở quê thường là một chỗ cách biệt ấy lại ở cùng không gian sinh hoạt với phòng ngủ kiêm phòng khách thậm chí kiêm luôn bếp thì không ít người bất giác kêu lên: “Thế là ăn với… một chỗ luôn à”. Nghe trong cái sự ngạc nhiên ấy có nét thương người phố. 

Có một câu chuyện giữa quê và phố vẫn thường xảy ra và hay được kể lại, đó là quà quê đem ra phố. Đã có thời, người quê ra phố khệ nệ đem theo nào là con gà thả vườn béo lắm, nào là mấy chục trứng gà quê, nào là rau vườn nhà trồng được… Không ít người phố cái thời xưa nào đó đã từng nhăn nhó nhận thứ quà quê ấy kèm theo một lời càm ràm: “Ở đây thiếu gì mà bố mẹ đem lên?”. Có người vui vẻ nhận cho vừa lòng người cho rồi lựa lúc ném ra ngoài thùng rác. 

Người phố bây giờ có tiền ra chợ chỉ mua được nhan nhản thực phẩm nhưng không mua nổi sự yên tâm và an toàn

Qua rồi cái thời đó, người phố bây giờ còn phải dạt về các vùng lân cận Hà Nội chung nhau con lợn nhờ người nuôi hộ, đợi có dịp bầu đoàn thê tử kéo nhau về liên hoan. 

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, niềm tin của kẻ mua với người bán hao hụt đi nhiều, người phố giờ đây trân trọng lắm những thứ người quê đem ra. Có không ít gia đình mỗi lần về nhà đều chất đầy xe những thứ rau cỏ quà quê ấy. Thương con, thương cháu, nhiều ông bố bà mẹ ở quê vẫn cặm cụi làm thêm mấy luống rau, chăm thêm mấy con gà để thỉnh thoảng “viện trợ” cho đám ở phố bởi vì chúng nó bây giờ ăn gì cũng sợ. 

Thương cho cái ăn, người quê còn thương cho cái ở. Bà mẹ già ra phố chăm cháu đã phải ngán ngao cái cảnh chật chội trong một nếp nhà. Ngột ngạt, chật chội từ nhà ra ngõ, từ ngõ ra phố. 

Nhà nọ có con đạt danh hiệu học sinh giỏi, đúng  giao kèo của bố mẹ, cu cậu được một chuyến ra Thủ đô đến Lăng Bác. Hoàn thành việc chơi bời thăm thú, bố mẹ đưa cậu đến nhà người thân đang ở trong một khu chung cư giới thiệu: “Chú con ở trong nhà này đấy”. Thằng bé nhìn căn chung cư đầy ngưỡng mộ và ngạc nhiên. Cửa nhà mở ra, cu cậu chạy một vòng, ngó trước rồi lại ngó sau, đoạn hỏi chú: “Sao nhà chú ở ngoài thì to mà vào trong thì nhỏ như chuồng trâu nhà cháu thế?” Hóa ra khi được giới thiệu, cu cậu cứ tưởng rằng toàn bộ tòa chung cư là một căn nhà nơi chú đang ở. 

Ở quê, có không ít gia đình xây nhà từ những đồng tiền nợ ngân hàng hay vay mượn người thân. Tuy nhiên, vòng đời trả nợ thường 5 năm là đã quá dài. Người phố bây giờ bao nhiêu năm dành dụm, mua được một căn chung cư giá rẻ cũng phải mất 10 năm làm con nợ của ngân hàng. 

Người phố bây giờ có tiền ra chợ chỉ mua được nhan nhản thực phẩm nhưng không mua nổi sự yên tâm và an toàn. 

Tôi đã qua rồi cái thời ở phố thương quê, bây giờ mỗi lần về quê, sống lại cuộc sống của người ở quê lại thấy thương người phố.