Váy yếm Hà thành xưa và tích cũ đào nương đất Thăng Long dùng hạ y giết giặc

ANTD.VN - Về sự duyên dáng mềm mại của chiếc váy phụ nữ Thăng Long, cuốn “Về vương quốc Đàng Ngoài và kinh thành Kẻ Chợ” (xuất bản năm 1695) có đoạn: “Trang phục người ta mặc ở xứ này là chiếc áo dài khoác ngoài, chiếc khăn chít trên đầu mầu đen cao và tròn. Đàn bà Kẻ Chợ cũng mặc kiểu áo ấy nhưng dài đến tận chân, bên trong họ mặc chiếc váy đen, tóc để xõa tự nhiên, hở mặt. Họ bước dịu dàng, cái váy mềm mại đung đưa vô cùng quyến rũ. Họ khá đẹp tuy nước da có hơi rám nắng”. 

Theo sách “Thời đại Hùng Vương”, từ xa xưa đàn ông đã đóng khố còn đàn bà mặc váy, nghĩa là chiếc váy của phụ nữ Việt đã có từ  mấy nghìn năm trước. Váy (còn gọi là “hạ y”) là thời trang của phụ nữ nên dân gian mới có câu đố: “Vừa bằng cái thúng, mà thủng hai đầu. Bên ta thì có, bên Tầu thì không”. Trong  “Đại Nam quốc sử diễn ca” về Hai Bà Trưng có câu: “Hồng quần nhẹ bước chinh yên/ Đuổi ngay Tô Định dẹp tan biên thành”. Hồng quần ở đây nghĩa là chiếc váy màu đỏ.  

Làm gương cho khách hồng quần thử soi

Đầu thế kỷ XV, nhà Minh xâm lược Đại Việt đã bắt phụ nữ  Việt mặc áo ngắn, quần dài theo kiểu phương Bắc để đồng hóa. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Nhà Minh cấm con trai, con gái không được cắt tóc, đàn bà con gái thì mặc áo ngắn quần dài theo phong tục phương  Bắc”. Thế nhưng “Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác”, khi Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, đến triều vua Lê Thần Tông, vị quân vương này đã định phép ăn mặc cho dân. Theo cuốn “Đất lề quê thói” thì: “Vua Lê Huyền Tông còn cấm đàn bà con gái không được mặc áo có thắt lưng và mặc quần có ống chân”, nghĩa là buộc phải mặc váy. 

Ở đất Thăng Long có tích về một đào nương dùng váy yếm giết giặc. Đình Đông Hương ở phố  Hàng Trống chính là nơi thờ cô gái này. Chuyện là năm 1414, lúc đó  quân Minh đô hộ nước ta, chúng nghênh ngang đi lại ở Thăng Long khiến lòng dân căm hờn. Có một cô đào tên Hoa vốn múa đẹp  hát hay, nhưng nghĩ mình phận nữ nhi không thể cầm gươm ra trận nên cô cùng các đào nương khác mở quán rượu ngay gần hồ Lục Thủy (hồ Hoàn Kiếm hiện nay) để dụ quân nhà Minh vào quán.

Tối tối, các cô mặc váy lĩnh xếp ly, đeo yếm đào múa hát. Đám giặc thấy các cô đào trẻ đẹp lại mặc váy, yếm vốn là thứ chúng chưa thấy bao giờ nên vào quán uống rượu. Chúng bị mê hoặc khi các cô quay tròn khiến chiếc váy lĩnh cũng quay theo để lộ cặp chân trắng nõn. Khi đám giặc đã say mềm, các cô nhét chúng vào bao buộc chặt lại rồi khuân lên bờ đê ném xuống sông Hồng.

Tướng giặc thấy không đánh trận mà quân lính cứ hao hụt dần nên bí mật cho theo dõi. Cuối cùng chúng phát hiện ra việc làm của đào Hoa và bắt cô đem treo cổ ngay ven hồ. Sau khi đánh đuổi giặc Minh, nhớ công giết giặc của đào Hoa, vua Lê đã cho xây đền thờ và đặt tên là Đông Hương với ý nghĩa là hương thơm ở phía đông kinh thành. Dân trong vùng thương tiếc phong cô là “Phúc thần dân thôn Tự Tháp” và đổi đền thành đình.

Thời trang xuyên thời gian

Chiếc váy xưa về cơ bản là có cạp, bằng vải hay bằng tơ tằm nhuộm. Đi kèm với váy là áo thắt hai vạt trước lại với nhau. Tùy theo công việc, điều kiện tiền bạc nên độ dài của váy và chất liệu cũng khác nhau. Ở các vùng quê, vì công việc đồng áng lội ruộng nên loại váy này thường ngắn hơn váy phụ nữ Thăng Long.

Ở kinh thành tập trung nhiều thành phần, trong đó có vợ con quan, gia đình khá giả, vợ con các nhà Nho... không phải chân lấm tay bùn nên váy có phần khác. Kẻ sang thì mặc váy màu tam giang (giữa màu đen và nâu), bậc trung thì mặc màu đen, còn dân lao động thì mặc màu thâm. Váy may bằng lĩnh cạp điều, nhưng phải là lĩnh dệt ở làng Bưởi ven Hồ Tây, mặc với áo the được cho là nhã nhặn nhất, đó cũng là mơ ước của nhiều chị em.

Trong “Việt Nam văn hóa sử cương”, học giả Đào Duy Anh viết: “Vào khoảng năm 1744, chúa Võ Vương ở phương Nam bắt dân gian cải cách y phục. Theo giáo sỹ Koffler thì chúa bắt bỏ lối quần áo của người Đàng Ngoài mà châm chước theo lối quần áo người Tàu. Có lẽ từ bấy giờ đàn bà Đàng Trong mới mặc quần và áo cài khuy,  không dùng áo thắt vạt và mặc váy như người  Đàng Ngoài nữa”.

Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh xưng vương lập ra nhà Nguyễn, đến đời Minh Mạng (1820-1841) ông vua này đã ra chỉ dụ bắt đàn bà con gái từ sông Gianh trở ra mặc quần, thế nên dân Đàng Ngoài chế giễu:

Tháng 8 có chiếu vua ra

Cấm quần không đáy người ta hãi hùng

Không đi thì chợ không đông

Đi thì phải mượn quần chồng sao đang

Có quần ra quán bán hàng

Không quần ra đứng đầu làng trông quan

Tuy nhiên đàn bà, con gái  từ Quảng Bình trở ra vẫn mặc váy bất chấp lệnh vua. Trong bài thơ “Năm mới” của Tú Xương (1870-1907), phụ nữ Hà Nội giàu có vẫn mặc váy:  

Khéo báo nhau rằng, mới với me

Bảo nhau rằng cũ, chẳng ai nghe

Khăn là bác nọ, to tầy rế

Váy lĩnh cô kia, quét sạch hè

Các bức ảnh do nhà nhiếp ảnh người Pháp Defieufil chụp Hà Nội và Bắc Kỳ cuối thế kỷ XIX  vẫn thấy đàn bà, con trẻ mặc váy. Rồi thời thế thay đổi, cuối thập niên 20, phụ nữ Hà Nội bỏ váy chuyển sang mặc quần, đua nhau ăn mặc tân thời dẫu bị chê bai, chế giễu họ cũng mặc:

Tân thời chẳng đáng là bao

Hai xu đôi guốc, một hào đôi hoa

Cái quần lĩnh tía hào ba

Cái áo hào rưỡi thế ra tân thời.

Thập niên 80, phụ nữ Hà Nội quay trở lại mặc váy, dù kiểu  may khác nhau, chất liệu không còn là lụa hay lĩnh nhưng cũng vẫn là “hạ y”.