Từ truyền khẩu, chép tay đến sách in ở đất học Thăng Long

ANTD.VN - Chế độ phong kiến xưa quan niệm “Nhất sỹ, nhì nông”, sỹ được trọng hơn nông nên ai ai ở Thăng Long cũng có cái học phong sỹ khí. Vì thế đất này được gọi là đất học. Người xưa có câu “Bất học thi, vô dĩ ngôn” (không học thì lấy cái gì mà nói), nhưng người xưa học thế nào? Dĩ nhiên là học trong sách, nhưng sách xưa có 3 loại: “sách mồm” (hay truyền khẩu), sách chép tay và sách in. 

Từ truyền khẩu, chép tay đến sách in ở đất học Thăng Long ảnh 1Mộc bản Triều Nguyễn viết bằng chữ Hán Nôm khắc ngược trên gỗ để in ra thành sách 

Trong nhiều thế kỷ, văn chương, văn hóa Việt Nam chủ yếu qua truyền khẩu nên mới có câu thành ngữ “tam sao thất bản”. Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng, vì không có sách nên nhiều thứ là của người Việt, ví dụ như tích Ngưu Lang Chức Nữ, Tết Trung thu… nhưng người Trung Quốc sang ghi chép lại, cho in thành sách, các nhà Nho Việt Nam mua về đọc nên cứ tưởng là văn hóa của họ. 

Nho giáo bao trùm xã hội nên giới nho sỹ Thăng Long - Hà Nội cũng luôn tâm niệm, một người quân tử là phải có tam lập: Lập đức, lập công, lập ngôn. Nhà Nho lợi thế chữ nghĩa, học nhiều biết rộng chỉ cần nói ra những câu hay, có tư tưởng là thành danh nên nhiều người thích lập ngôn hơn viết sách. Tuy viết sách khó vì phải hiểu biết, có thời gian và “văn chương thiên cổ sự”, truyền thừa được tư tưởng nên nhiều nhà Nho vẫn thích viết sách. Sách kể được nhiều chuyện hơn.

Khi bạn bè đọc thấy hay xin chép lại, thế là sách được xuất bản nhưng số lượng rất ít. “Vũ Trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ (1768-1839) ghi chép lại nhiều chuyện triều chính, chuyện xã hội ở đất Thăng Long - Hà Nội trong thời gian ông dạy học ở một gia đình giàu có họ Nguyễn Đình ở phường Diên Hưng (nay là Hàng Ngang). Thấy cuốn sách quý, gia đình này đã  thuê trò chép lại rồi đưa cho mọi người đọc. Sau này có một trò làm Tổng đốc Hải Dương mới in thành sách. 

Năm 1801, Vua Nguyễn Quang Toản ra Bắc cho lập đàn Phương Trạch bên hồ Tây tế lễ trời đất đã sai Nguyễn Huy Lượng làm bài thơ về hồ Tây để đọc trong lễ và “Tụng phú Tây Hồ” ra đời. Khi Nguyễn Huy Lượng đọc xong, vua rất tâm đắc và đã ban thưởng cho Nguyễn Huy Lượng 2 quan tiền đồng. Nho sỹ Thăng Long đánh giá “Tụng phú Tây Hồ” là thứ văn chương cẩm tú nên dân chúng Thăng Long thi nhau chép bài phú này và tạo ra cơn sốt  khiến giá giấy, mực tăng vọt.

Trong nhiều thế kỷ, sách ở Việt Nam chỉ có chép tay vì công nghệ in mộc bản từ Trung Hoa mãi tới thế kỷ XVI mới truyền bá vào Việt Nam. Chuyện là  cuối đời Lê, ông nghè Lương Như Hộc đi sứ Trung Quốc đã tìm mọi cách học nghề in. Ông phải trọ ở ngôi nhà ngay sát một nhà khắc bản in, rồi dùi thủng vách học lỏm. Sau nhiều ngày, ông mới thông thạo cách làm bản in. Trở về nước, ông truyền nghề cho dân quê ông là làng Liễu Chàng (thuộc huyện Gia Lộc, Hải Dương ngày nay).

Từ truyền khẩu, chép tay đến sách in ở đất học Thăng Long ảnh 2Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Ban đầu chỉ một số chùa lớn sử dụng kiểu in này để in kinh Phật nhưng sau đó vài người ở Thăng Long nhận thấy in mộc bản cho ra số lượng sách lớn hơn, điều này có lợi cho quảng bá lịch sử, văn hóa dân tộc, lại có lợi nhuận nên họ đã tổ chức in và mời dân Liễu Chàng khắc bản in. Các nhà in này nằm rải rác ở Thăng Long. Sách in chữ Nho được cho là cũ nhất thấy ghi niên hiệu Lê Trung Hòa (1680-1705). Đến thế kỷ XIX, các nhà in tập trung về phường Cổ Vũ và Đông Hà, tổng Tiền Túc (sau  là phố Hàng Gai).  

Để có bản thảo, các nhà in thấy dư luận bàn tán ai có bản văn hay là sửa cái lễ gồm cau và chè tìm đến xin tác giả đó là được. Họ không phải trả tiền, còn nhà Nho thấy sách của mình được in lại lấy làm vui. Mặt khác, các nhà in ở phố Hàng Gai cũng có quan điểm và thái độ rõ ràng, nếu văn chương mà không lập chí không phải là cái quý thì họ cũng không in.

Khi có bản thảo, các nhà in cho mời dân Liễu Chàng lên để khắc chữ bằng bản gỗ mít vì đây là loại gỗ mềm và dẻo. Họ dùng giấy vùng Bưởi sản xuất, sách học thì in bằng loại giấy bản trong và trắng, còn in truyện thì dùng giấy moi. Có 2 khổ mà nhà in quen dùng, sách truyện in khổ 16x20cm còn sách học khổ 20x30cm. Sách kinh Phật thì in khổ to hơn.

Thời Vua Tự Đức, Pháp chiếm Nam kỳ nên rất nhiều người đỗ khoa cử không ra làm quan. Họ ở Thăng Long dạy học hay viết sách nên các nhà in Hàng Gai đã mời những ông khoa cử viết chữ đẹp, nét chữ có khí phách viết bản chữ để khắc và soát lại các bản in lần thứ nhất. Người ta gọi những ông chuyên viết chữ để khắc bản in là “ông nghè bút thiếp”.

Người xưa cho rằng, chữ viết do thánh hiền ban để ghi chép những điều hay lẽ phải, vì thế phải kính trọng. Không dùng chữ viết những điều xằng bậy, thế nên ở Hà Nội thời Nguyễn có một ông già ở đền Ngọc Sơn ngày ngày quẩy đôi bồ có bốn chữ “kính tích tự chỉ” (nghĩa là kính tiếc giấy chữ) ra Hàng Gai đầu tiên rồi mới đến các phố khác. Hễ thấy tờ giấy có chữ Nho, chữ Nôm là nhặt đem về đốt ở tháp vuông trong đền vì đền Ngọc Sơn thờ thần văn chương.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, công nghệ in kiểu phương Tây du nhập vào Hà Nội. Ở phố Tràng Tiền xuất hiện nhà in của chủ Pháp in chữ Pháp và chữ quốc ngữ khiến in mộc bản chữ Hán, chữ Nôm giảm dần. Để theo kịp thời thế, các nhà in ở Hàng Gai bỏ dần in mộc bản chuyển sang in chữ quốc ngữ bằng công nghệ in phương Tây. Từ đó, sách in trở thành phổ biến trong xã hội.