Từ Cổ Ngư xưa đến đường Thanh Niên hiện tại

ANTD.VN - Đường Thanh Niên xưa còn gọi là Cổ Ngư, theo Sách “Long thành dật sử” thì Cổ Ngư là hai tiếng Cổ Ngự (nghĩa là giữ vững) mà ra. Đường bắt đầu từ đầu ô Yên Hoa (nay là đầu phố Yên Phụ) kéo xuống đến đền Quán Thánh. Về sự hình thành Cổ Ngư, “Đại Việt sử ký” chép: “Năm 1427, Bình Định Vương Lê Lợi sai đắp đường từ Yên Hoa xuống Cửa Bắc thành Đông Quan để tấn công quân Minh bị vây trong thành”. 

Đường Thanh Niên có sự góp sức của hàng vạn thanh niên Hà Nội sau ngày tiếp quản Thủ đô 10-10-1954

Năm 1514, Vua Lê Tương Dực sai mở rộng thành Thăng Long trong đó đắp tường bao quanh cả quán Trấn Vũ và đường Cổ Ngư. Sử cũ cũng chép năm 1640, dân mấy làng ven hồ cùng nhau đắp thêm, tạo ra một cái đập để ngăn hồ bắt cá ở hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Nhà Nguyễn chuyển kinh đô vào Huế, Cổ Ngư trở thành đường liên vùng. Năm 1805, Vua Gia Long sai phá thành cũ xây thành mới đã cho mở rộng Cổ Ngư để chở vật liệu từ sông Hồng vào. Không chỉ là đường giao thông, Cổ Ngư còn là con đường kết nối tình yêu. Ca dao Hà Nội xưa có câu:

“Trên đê Cố Ngự, nhớ chữ đồng tâm

Hỡi cô đội nón ba tầm

Có về Yên Phụ hôm rằm lại sang

Phiên rằm chợ chính Yên Quang (tương ứng Ngọc Hà ngày nay)

Yêu hoa, anh đợi hoa nàng mới mua”. 

Năm 1894, chính quyền đô hộ của thực dân Pháp cho đấu thầu phá tường thành Hà Nội sau đó xây dinh toàn quyền thì Cổ Ngư lại được chú ý. Họ đổi tên thành đường Thống chế Lyoutey nhưng người Hà Nội vẫn gọi là Cổ Ngư. Khi đắp đê Yên Phụ, người Pháp đã mở  đường rộng hơn, cho trồng cây phượng hai bên, cho lắp hàng đèn đốt bằng khí đất đèn. Tối tối, người của Sở Lục lộ đi mở van dẫn khí từ dưới chân cột lên đèn rồi châm lửa. Ánh sáng xanh mát xóa bóng tối thuận tiện cho người đi lại đồng thời cũng soi xuống mặt nước hai hồ làm khu vực này trở nên lãng mạn và kỳ ảo. 

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, kinh tế Hà Nội khấm khá hơn, nhiều người Pháp sắm ô tô khiến phố phường thêm âm thanh phát ra từ còi xe. Mùa hè nóng nực, họ chở vợ con lên đường Cổ Ngư hóng mát. Trong tiểu thuyết “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách viết năm 1921, có đoạn tả đôi tình nhân lên đường Cổ Ngư chơi là nói quá vì thời kỳ này rất hiếm người Việt lên đây chơi.

Xe ô tô tăng dần đỗ chật đường nên người ta phải mở rộng đoạn gần chùa Trấn Quốc cho xe đỗ. Đầu những năm 1930, vì ảnh hưởng của tiểu thuyết “Tố Tâm” nên Cổ Ngư trở thành điểm chơi ưa thích của sinh viên các trường đại học và cao đẳng. Với người dân thì đến những năm 1935-1936 họ mới lên Cổ Ngư chơi, hóng gió màu hè vì lúc này xe đạp khá nhiều.  

Sau ngày tiếp quản Thủ đô, một dự án cải tạo con đường này, kè hai bên hồ và  xây Nhà hát Nhân dân ở đầu đường phía hồ Trúc Bạch được thông qua. Theo dự án thì sân khấu của nhà hát sẽ được xây nổi trên mặt nước tạo ra khu vui chơi giải trí công cộng cho giới trẻ.

Năm 1957 dự án bắt đầu triển khai, việc đầu tiên là mở rộng Cổ Ngư thành đường đôi. Tham gia mở rộng và làm mới Cổ Ngư là hàng vạn thanh niên các cơ quan nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Hà Nội, họ thực hiện nghĩa vụ lao động với tinh thần xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Ngày thứ bẩy, chủ nhật, nghìn nghịt trai gái, kẻ gánh người đẩy xe cải tiến chở đất từ bãi sông Hồng vào đắp đường. Giờ nghỉ giải lao, có nghệ sĩ kéo đàn động viên. Vì đất bãi là phù sa nên người ta cho vật đất hồ  đắp hai mép nên hồ sâu hơn. Con đường hoàn thành năm 1959, có vườn hoa nhỏ bên phía hồ Tây, có ghế đá để nghỉ chân và ngồi ngắm sâm cầm. Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội bấy giờ là bác sĩ Trần Duy Hưng đã mời Bác Hồ đến thăm công trình công ích đầu tiên sau ngày tiếp quản Thủ đô 10-10-1954.

Vì đường có công sức của hàng vạn thanh niên Hà Nội nên Bác đã đặt tên là đường Thanh Niên. Hình thức lao động nghĩa vụ áp dụng ở Cổ Ngư giống như Liên Xô đã mở đầu cho phong trào “Ngày lao động cộng sản chủ nghĩa”. Phong trào này được áp dụng khi xây dựng công viên Thống Nhất, cải tạo hồ Ba Mẫu và nhiều các công trình khác trong những năm 1960. Tiếc rằng vì chiến tranh nên kế hoạch xây nhà hát nhân dân và kè hồ, làm đường quanh hồ Trúc Bạch không thực hiện được. Hơn 30 năm sau, việc kè hồ và làm  đường mới thành hiện thực.  

Thời bao cấp, đường Thanh Niên cũng là nơi gặp gỡ và tâm sự của giới trẻ. Thập niên 70, 80, dù mùa đông lạnh giá, gió hồ thổi thấu tim, dù “áo chăn chưa ấm thân mình” thì họ vẫn ở đây bên nhau. Nhưng đông nhất là mùa hè, hai bên hồ đông kín, xe đạp để sát nhau khóa lại rồi tâm sự. Khi đó, thanh niên yêu nhau chỉ có hai nơi công cộng để bày tỏ tình cảm là công viên Thống Nhất và vườn Bách Thảo.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Tuy nhiên, thanh niên khi đó thích lên đường Thanh Niên vì ở hai nơi kia có vẻ không an toàn. Đường Thanh Niên lại càng đông hơn khi bên hồ Tây có bến thuyền. Còn gì hạnh phúc ăn kem với bạn gái ở Cửa hàng ăn uống hồ Tây rồi dẫn bạn sang bơi thuyền. Trước khi đất nước thực hiện đổi mới, ở phía hồ Tây xuất hiện một nhà hàng trên thuyền, buổi tối có nhạc sống khiến đường Thanh Niên thêm sôi động.

Thời bao cấp, vào những ngày trời đẹp, đứng ở đường Thanh Niên có thể nhìn thấy núi Ba Vì mờ mờ, có thể nhìn thấy những chú vịt trời mải miết kiếm ăn ở. Bây giờ đứng ở đường này, có cảm giác với tay ra là chạm Lạc Long Quân nhưng đường Thanh Niên vẫn là chỗ chơi của lớp trẻ.