Trăm kiểu người giúp việc

ANTD.VN - Người giúp việc từ lâu đã có một tên gọi khác là ôsin, tên gọi được định danh cho một công việc này có nguồn gốc từ một bộ phim truyền hình Nhật Bản. 

Trăm kiểu người giúp việc ảnh 1Những câu chuyện bi hài về người giúp việc luôn hiện hữu đâu đó trong mỗi gia đình hiện nay

Từ ôsin được dùng một cách phổ biến hơn cả từ thuần Việt là người giúp việc. Trong đội quân hùng hậu từ quê ra phố, những người làm nghề ôsin ngày càng chiếm “thị phần” lao động lớn. 

Lẽ dĩ nhiên, có cung thì ắt có cầu. Chỉ cần một tổ ấm nhỏ xinh xuất hiện một sinh linh bé nhỏ, nếu không có ông bà nội ngoại tích cực hỗ trợ, hẳn nhiên phải cần có một ôsin để vừa chăm em bé vừa hỗ trợ việc gia đình. 

Nhưng không phải gia đình nào cũng chấp nhận ôsin trong nhà. Đơn giản bởi họ không có thói quen để một người lạ vào nhà mình, chăm sóc đứa con là một phần ruột thịt của mình và chiếm dụng toàn bộ không gian gia đình khi họ vắng mặt. Những người như vậy càng thấy quan điểm của mình là chính đáng khi trên mạng thỉnh thoảng lại xuất hiện những thông tin người giúp việc đánh con chủ nhà và chăm chỉ “kiểm kê tài sản” gia chủ khi tất cả vắng nhà. 

Dù vậy, hình ảnh tiêu cực của một bộ phận người giúp việc kể trên cũng không thể khỏa lấp được nhu cầu sử dụng nguồn lao động vào công việc này của nhiều gia đình. Thế nên, những người mẹ vào mùa nông nhàn, những cô gái quá lứa lỡ thì… vẫn cứ đều đặn rời bờ đê con nước quê mình để tiến vào những căn nhà ở phố. 

Chuyện về ôsin ở phố thì nhiều như lá rụng mùa thu. Có cả bi lẫn hài. Chủ đề chủ yếu vẫn xuất phát từ sự lạc hậu của các bà, các mẹ ở quê khi lần đầu tiên tiếp cận với những thiết bị công nghệ hiện đại. 

Có chị ở một vùng núi non hiểm trở lần đầu xuống phố đầu quân cho nhà một người quen, được bố trí ở một căn phòng nhỏ sát tầng thượng. Hôm đó Hà Nội mưa lớn, có thêm sấm sét. Hai vợ chồng chủ nhà đang ngồi dưới phòng khách âu yếm xem phim (Vợ chồng hãy còn son nên vẫn còn thói quen như vậy). Hôm đó họ xem một bộ phim kinh dị, đèn điện được tắt hết để đảm bảo không gian thêm phần hắc ám. Bất ngờ bà giúp việc lao xuống như một mũi tên giật mạnh chiếc ổ cắm. Ti vi tắt phụt cái. Hai vợ chồng hoảng hồn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì được bà giúp việc giải thích: “Cô cậu chủ quan quá, sấm sét thế này mà xem phim sét nó đánh chết cả nhà đấy”. 

Có hôm, cũng một ngày mưa thê lương rả rích. Đã sang canh, không gian tĩnh mịch thì hai vợ chồng nghe trong tiếng gió có tiếng ai rấm rứt khóc. Tiếng lúc bổng lúc trầm nhiều lần lên nấc. Vợ thụi chồng, chồng thụi vợ. Chẳng ai dám đi tìm nguồn gốc tiếng khóc. Mãi rồi ông chồng vẫn phải thực thi nhiệm vụ của đàn ông. Men theo tiếng khóc anh lên tầng thượng thì mới biết, chủ nhân tiếng khóc là bà giúp việc. Bà bảo, đêm khó ngủ nghe tiếng mưa rơi lại nhớ núi nhớ đồi. Bà liền leo lên đây, phóng mắt nhìn xung quanh mà chỉ thấy toàn nhà không thấy núi đâu, thế là khóc ngon lành. 

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Lại có một chuyện nghe hoang mang như phim. Anh nọ là công chức nhà nước, chưa vợ và lương dĩ nhiên cũng không sum suê cho lắm. Có lần anh được một đồng nghiệp trong cơ quan nhờ về quê tìm giúp việc. Anh gọi điện về cho mẹ để hỏi dò xem có ai phù hợp không. Bà mẹ vốn ở quê cũng chỉ trồng rau nuôi lợn, nghe con bảo lương đến 5-6 triệu đồng/tháng đã bao ăn ở thì hối hả bảo: Tìm chi cho xa, mẹ đây cũng làm được ôsin chứ khó gì. 

Ngẫm lại thấy cũng đúng. Mẹ ở nhà việc cũng nhàn rỗi mà thu nhập lại thấp. “Ra đây” công việc không có gì phức tạp mà tháng lại có thêm mấy triệu ngon ơ. Thế là anh giới thiệu mẹ cho đồng nghiệp. Nhưng cũng vì sĩ diện nên anh bảo với mẹ nói với nhà chủ là người bà con trong họ. 

Mọi việc cũng hanh thông cho đến khi anh được người đồng nghiệp mời đến dùng cơm. Ngồi vào bàn khách, anh cố kìm cảm xúc khi thấy mẹ cần mẫn với đống đồ cao ngút trời, thỉnh thoảng lại bị ăn mấy câu lầm bầm của bà chủ. Đỉnh điểm nhất là khi bà bê bát canh thận trọng bước đến bàn, không may một người khách bất ngờ đứng dậy, bát canh hắt trọn vào người bà. Không được một lời an ủi hỏi thăm, bà lại bị rầm rầm những lời chửi bới. Bất chấp sĩ diện, anh lôi mẹ lên xe về trong ngày hôm đó. 

Lẽ thường, hình ảnh tiêu cực luôn gây sự chú ý hơn, nên bức tranh về ôsin ở Việt Nam cũng nhiều gam màu xám xịt. Nhưng lẫn vào đó vẫn có những người chân chất thật thà, yêu thương con chủ nhà như con cháu của mình. Dẫu vậy, những người giúp việc tử tế đó không thể làm thay đổi hoàn toàn về những tiêu cực mà những “đồng nghiệp” của mình tạo ra. 

Đọc hay nghe những câu chuyện về người giúp việc hành hạ con nhà chủ, trộm cắp đồ… tôi chợt nghĩ đến băn khoăn của một người chị: “Tại sao người ta được trả tiền, đối xử tử tế mà không thể yêu thương được một đứa trẻ ?”. 

Lại cũng nghe đâu đó, người ta đưa ra nguồn gốc người ngoài tỉnh hay quê mùa để giải thích cho mọi hành vi tiêu cực. Xét cho cùng, người giúp việc hay bất cứ nghề nào khác cũng có những người hành động trái với lương tâm và đạo đức xã hội. Đó là căn tính con người chứ không phải xuất phát từ nguồn gốc nơi họ sinh ra và lớn lên.  

Xét cho cùng, người giúp việc hay bất cứ nghề nào khác cũng có những người hành động trái với lương tâm và đạo đức xã hội. Đó là căn tính con người chứ không phải xuất phát từ nguồn gốc nơi họ sinh ra và lớn lên.