Tìm kiếm nụ cười giữa bốn bề chật chội

ANTD.VN - LTS: Nói theo đạo diễn Lê Hoàng thì nhà báo Hà Quang Minh là một “chuyên gia về bóng đá quốc tế”. Nhìn vào “gia tài” là những cuốn sách đã xuất bản thì Hà Quang Minh còn tỏ tường về showbiz Việt. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nhưng 16 năm trước, Hà Quang Minh vào TP.HCM lập nghiệp. Và rồi ở một nơi cách Hà Nội cả nghìn cây số, anh nhìn về thành phố của mình bằng một góc nhìn rất riêng.

Có nhiều người nói, Sài Gòn là thành phố bao dung, vì nó mở rộng vòng tay cho người tứ xứ. Sài Gòn cho người ta cơ hội để sống, miễn là người ta phải chịu thương, chịu khó.

Sống được ở thành phố này vài năm, đã có thể được coi là người Sài Gòn. Người ta nói như vậy khiến không ít người Hà Nội chạnh lòng liên tưởng rằng, họ đang ngầm so sánh với Hà Nội. Nhưng suy đi nghĩ lại cho cạn cùng, ta cũng không thể không phủ nhận rằng Hà Nội cũng là thành phố bao dung. 

Từ ngàn năm nay rồi, Hà Nội (Thăng Long) vẫn mở rộng vòng tay cho người tứ xứ. Hà Nội chưa bao giờ đóng kín mình lại trước làn sóng người nhập cư đổ về đó cả. Này những Đinh, Trần, Lê cũng đâu phải từ Hà Nội mà ra. Nơi ấy như cái rốn của cả một vùng, với những cơ hội hứa hẹn, để rồi người đó đây đổ về mỗi ngày mỗi đông, ở lâu rồi cũng coi mình là người Hà Nội được. Ở đến vài đời rồi thì còn mặc định coi mình là Hà Nội gốc cũng nên.

Những nụ cười khó bắt gặp giữa cuộc sống thường nhật

Sài Gòn kẹt xe, ngày nào mà chẳng có. Nhưng người Sài Gòn ít khi đổ tại người nhập cư đã khiến thành phố chật hẹp hơn, dù thực tế đúng là như vậy. Đơn giản, cư dân Sài Gòn ý thức rất rõ mình cũng chỉ là người nhập cư như mọi người. Đổ lỗi ư? Hóa ra mình cũng là người mắc lỗi. Hà Nội tắc đường, giờ ngày nào cũng có. Người Hà Nội dễ đổ tại người ngoại tỉnh quá đông ùn về thành phố.

Nhà báo Hà Quang Minh

Nhưng những người đổ lỗi cho người ngoại tỉnh nhập cư nhiều khi cũng chính là người nhập cư mà thôi. Chỉ có điều, Hà Nội dễ dàng quá, để bị người nhập cư đồng hóa, đến mức ai đó mới từ đâu về Hà Nội sống được dăm năm cũng đã có thể nhận mình là người Hà Nội một cách thản nhiên vô cùng. Còn người Hà Nội gốc thì chẳng nói gì. Tính họ trầm, nền nã và mềm mại. Vả lại, họ bây giờ cũng là thiểu số hiếm, nên có nói cũng chẳng ai nghe, mà có khi còn bị mang tiếng cảnh vẻ, kỳ thị.

Quanh đi quẩn lại, mới thấy Hà Nội và Sài Gòn cũng có điểm chung, cũng đều bao dung cả. Hai thành phố cởi mở hết mọi cánh cổng nếu có để người nhập cư hòa nhập vào đấy mà sống, mà kiếm tìm cơ hội, mà mong đổi đời.

Chỉ có điều, hai tiếng Hà Nội nó “cao sang” quá thì phải, nên lập tức người nhập cư về đều mong mình được là người Hà Nội và họ thể hiện ngay bằng thái độ làm chủ thành phố, dẫn đến chuyện họ đã góp phần quyết định luôn bộ mặt văn hóa của thành phố ấy, theo cách hành xử của chính họ từ thói quen ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Chúng ta cứ thử ước tính xem, mỗi năm vào kỳ tuyển sinh đại học thôi, có bao nhiêu tân sinh viên từ ngoại tỉnh đổ về Hà Nội và Sài Gòn? Chắc cũng phải cả chục ngàn ở mỗi thành phố? Rồi cũng ngần ấy nữa tốt nghiệp đại học, và sau những năm tháng quen sống ở đô thị phồn hoa rồi, mấy người trong số họ muốn trở về lại quê nhà, nơi có thể sẽ khiến họ phung phí cả 4-5 năm dùi mài đèn sách.

Chẳng có ai có quyền ngăn cấm họ lựa chọn nơi để sinh sống cả. Và cũng chẳng có ai có quyền bỉ bai quyết định chọn lựa của họ hết. Mà đó là chúng ta mới nói đến những người được coi là trí thức thôi nhé. Bên cạnh họ, hàng ngày, hàng giờ còn nhiều nhiều nữa những con người đặt chân xuống hai chốn phồn hoa đô thị ấy.

Vì ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc, sự nghiệp và theo đuổi hoài bão của mình mà. Thành phố đông dần lên. Thành phố mở vòng tay đón thêm mỗi con người. Bao nhiêu tinh hoa nhận về từ đó và như là một lẽ dĩ nhiên cùng với tinh hoa còn có cả những cặn đọng.

Bao dung. Sài Gòn và Hà Nội đều bao dung. Có bao giờ chúng ta tự hỏi, Hà Nội có tâm hồn không, Hà Nội có tiếng nói không? Nếu Hà Nội là một con người cụ thể như chúng ta, Hà Nội sẽ nói gì, về những nhạt nhòa bản sắc mà thành phố này đang phải gánh chịu. Có khi, cũng chẳng có lời than vãn nào cả, vì Hà Nội là thế, là nụ cười mà, vì có người đã viết: “Thân thương quá, nụ cười người Hà Nội”, dù nụ cười ấy hôm nay cũng khó kiếm tìm giữa những bộn bề, chật chội…