Tiếng chim hót trong rừng bê tông

ANTD.VN - Đôi khi trên đường phố ta chợt nghe tiếng chim hót lảnh lót. Hà Nội cây xanh nhiều nhưng cũng không lại được với mức độ phát triển đô thị. 

Những dãy phố mới dù sơn phết màu sắc sáng choang thì cũng không làm vợi đi cảm giác nhức nhối của bê tông. Cây cối ở những khu phố này ít và chưa đủ độ lớn tỏa bóng mát vì thế chim chóc cũng ít về. Tiếng chim hót không phải từ những lùm cây rậm ròa mà là từ những chiếc lồng chim được treo lủng liểng ở chạc cây ở hiên nhà, thậm chí từ bậc cửa. Tiếng hót của chim lồng.

Hà Nội từ xa xưa đã hình thành thú chơi chim cảnh. Đi đến bất cứ đường phố nào ta cũng bắt gặp lồng chim treo. Thôi thì đủ loại, từ những loại chim quen thuộc như chào mào, sáo sậu, khướu, chích chòe, vành khuyên, họa mi đến cả những loại chim săn mồi như đại bàng, chim ưng, chim cắt, diều hâu...

Hiếm nữa là có những người công phu nuôi cả những loài chim xuất xứ nước ngoài là những con chim quý đắt giá. Những con chim săn mồi được nuôi nhốt bằng xích, bàn đậu và nếu là lồng chuồng thì phải to, rộng đủ không gian.

Ngoài sự nuôi chim lẻ tẻ ở các gia đình như một thứ mốt, lại có những người chơi chim chuyên nghiệp. Họ dồn đam mê, tâm sức và thời gian cho loài chim mình yêu thích. Không hiếm gặp ở một chỗ nào đó mà dân chơi chim quy ước với nhau thành từng nhóm tùy thuộc loại chim cùng sở thích. Có quán cà phê dân chơi chim mang đến treo và đặt trên hè phố san sát những lồng chim khuyên. Cả dàn chim rinh rích lên tiếng thật vui tai trong sự rạng rỡ của những chủ chim.

Góc phố Nguyễn Du - Trần Bình Trọng mỗi cuối tuần như một đại hội chim. Có nhiều loại chim được mang đến đây. Đủ loại và thường là những loại chim có đặc tính hay hót khi gặp bầy. Dàn hợp âm đủ giọng hót của các loại chim dưới những tầng cây cổ thụ tạo một cảm giác thiên nhiên kỳ thú giữa phố phường. 

Một dạo tôi cũng mê nuôi chim. Đôi chim đầu tiên tôi nuôi là hai con sáo đá chân vàng và chân chì biết nói tiếng người, là đến nhà bạn bè thấy hay nên xin về. Do không có kinh nghiệm nên tôi treo hai lồng chim sát nhau. Kết quả là con chân chì bị con chân vàng mổ mù một mắt. Còn con chân vàng bị nấm dùng mỏ rỉa nên cũng thành tật cụt mất một bàn chân.

Tôi đã viết về hai con chim này. Đó là lần Hà Nội có lệnh cấm nuôi chim khi có cúm gia cầm. Thích hai con chim biết nói vui tai nên tôi nấn ná không thả. Rủi hôm ấy có đoàn kiểm  tra của phường đến. Tôi phủ kín lồng chim cất kỹ vào góc nhà tắm đóng chặt cửa. Khi đoàn kiểm tra ra về thì bất ngờ cả hai ông mãnh lên tiếng. Chào cụ, chào cụ và nhà có khách, nhà có khách. Ê mặt không để đâu cho hết. Tôi bèn thả hai ông mãnh đi. Nhưng chúng cứ quanh quẩn không bay vì đã quen thức ăn lồng. Đành phải bắt lại rồi cho nhà khác nuôi hộ.

Đợt sau tôi nuôi mấy con họa mi, chích chòe và cu gáy. Sự nghiệp nuôi chim của tôi nhanh chóng kết thúc khi tôi không đủ thời gian và kiến thức chăm sóc chúng. Mấy con chim chết cả, chỉ còn con cu gáy cũng sổng lồng. Giống cu gáy khác với các loài chim khác là khi tự do dù trước đấy được huấn luyện gáy, chào thuần thục và dạn người thế nào thì cũng bay  một mạch về thẳng cánh đồng không hề một lần ngoái đầu lại. Nó là con chim của đồng ruộng có thể ăn thóc và đất để sống mà không hề phụ thuộc vào thói quen thức ăn của chim lồng.

Chơi chim cảnh có nhiều đam mê và rất công phu. Từng nhóm hội còn tổ chức thi chim hót hay. Và cũng chỉ những dân chơi chim kiểu này mới đủ trình độ để thẩm âm, đánh giá hơn thua. Kỳ công hơn là những cuộc thi từ giọng hót đến đấu sức của loài chim danh giá họa mi. Tôi đã chứng kiến cuộc đấu mê ly này. Chim đăng quang phải là những con chim dũng mãnh áp đảo được đối thủ. Những cuộc thi chim đấu họa mi hay được tổ chức vào những dịp trang trọng như Tết Nguyên đán và những lễ hội. Đặc biệt dịp Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm tuổi cũng tổ chức đấu chim họa mi được rất đông người thích thú cổ vũ.

Đã thành thông lệ vào tầm chiều ở Văn Phú, Hà Đông, các tay chơi chim săn mồi lại nhóm họp ở một bãi đất trống. Các chủ nhân mang theo đủ loại của những dòng chim dũng mãnh như đại bàng, cú, cắt... Họ đến để thỏa mãn đam mê của mình. Ở đây những chủ chim sẽ luyện chim và biểu diễn kỹ nghệ săn mồi của chim. Bắt gặp ở bãi chim này những con chim lạ quý như dòng chim Ưng Ấn, 

Harris Hawk. Có con chim giá tới vài ngàn đô la Mỹ. Người chơi chim săn mồi phải rất sành và có điều kiện bởi việc nuôi nấng chúng tốn kém và phải kèm theo những phụ kiện cho người chơi. Giống chim săn mồi chỉ nuôi được bằng thịt là những con chim nhỏ như chim cút, chim sẻ và thịt sống còn tươi. Trọng lượng cơ thể của chúng lớn nên đòi hỏi thức ăn nhiều. Chứng kiến những con chim nghe hiệu lệnh chủ săn mồi, người xem không khỏi thán phục. Những con chim kiêu dũng tung cánh bay cao và chụp móng, quắp mỏ vồ mồi. Âu cũng là một thú chơi xa xỉ.

Thú chơi chim của người Hà Nội dẫn đến hình thành những chợ mua bán trao đổi chim. Các chợ chim này hay nương vào các chợ lớn như chợ Bưởi, chợ Mơ... và một số điểm trên đường phố. Cũng hình thành những cửa hàng bán thức ăn chim và lồng chim. Nói đến lồng cũng muôn hình vạn trạng. Mỗi loài chim phải là một kiểu lồng tương thích và chất liệu thì vô cùng, bằng tre, gỗ, kim loại… Khi có những con chim quý như chào mào biến đổi gene thay màu sắc thành đỏ, nhất là trắng giá lên đến vài chục triệu một con thì cái lồng cho bậc đế vương này hẳn phải tương xứng. Tất nhiên là lồng bằng gỗ quý và tạo hình cầu kỳ. Nhiều lắm chuyện chơi chim còn phải kể dài dài.

Dù gì việc nuôi nhốt chim cũng gờn gợn khi tước đoạt đi của nó tự do nhưng khó có thể phủ nhận tiếng chim hót trong thành phố hiện đại được ví là rừng bê tông là điều đáng quý. Chí ít trong một giây phút bất chợt nghe thấy tiếng hót thanh tao cũng khiến cho ta một niềm vui thiên nhiên nho nhỏ.

Hà Nội, 20-4-2017