Tiền & Ước mơ

ANTD.VN - Câu chuyện được nói nhiều trong những ngày này là tiền. Tiền khiến những người anh em tàn nhẫn xuống tay giết nhau, rồi chẳng còn gì, ngay cả mạng sống của bản thân. Tiền khiến người ta đánh đổi cả thanh danh, cả quá trình lập thân suốt cuộc đời lấy sự sỉ vả của xã hội. 

Một số người mải mê kiếm thật nhiều tiền để thực hiện những ước mơ mà phải đánh đổi cả tự do lẫn danh dự 

Và như thường lệ, khi đồng tiền khiến người ta phải nhắc đến nó trong rất nhiều sự kiện chấn động, nó thường dẫn người ta đến với câu hỏi: Vậy thì tiền nhiều để làm gì? Nhiều người nói với tôi, tiền là công cụ để thực hiện ước mơ.

Năm 20 tuổi, tôi ước mơ mình có đủ tiền để mua một cái xe máy để đi chơi xa. Tôi nghĩ đến cái xe máy của mình mọi lúc, tỉnh cũng như mơ. Tôi nhẩm tính sẽ phải đăng 500 bài thơ, hoặc 300 cái phóng sự sẽ đủ tiền mua một cái xe máy cũ. Hai năm sau, dù chưa đăng đủ số bài như nhẩm tính, nhưng nhờ đoạt giải thưởng nên tôi đã thực hiện được ước mơ của mình. Điều đó giúp tôi hạnh phúc một thời gian. Cho đến khi có một ước mơ tiếp theo.

Những giấc mơ nối nhau trong cuộc đời tôi, không phải bao giờ cũng dễ dàng đạt được bởi sự đột phá như cái giải thưởng năm 22 tuổi. Có những giấc mơ dai dẳng, khiến tôi dằn vặt, trăn trở, hoang mang bên đường biên của sự thiện, ác. Rất may, trong những khoảnh khắc hoang mang ấy, tôi thường nhớ tới giấc mơ tuổi 20 của mình. Tôi nhớ rằng mình đã hạnh phúc, đã thỏa mãn với giấc mơ ấy như thế nào. Tôi nhận ra mình đã nhiều lần phản bội niềm hạnh phúc của bản thân khi tiếp tục đau khổ vì những giấc mơ khác. Việc nhớ lại giấc mơ tuổi 20 khiến tôi bình tâm sống, và rồi những điều mà tôi từng mơ ước lần lượt tìm đến, trở thành sự thật, một cách bình an. 

“Tiền là công cụ để thực hiện ước mơ. Điều đó đúng! Nhưng đa số chúng ta thường quên tự hỏi mình về mơ ước thực sự của bản thân. Chúng ta thường vật chất hóa những ước mơ để rồi quên đi cảm giác hạnh phúc khi đạt được điều mà mình hằng mơ ước. Chúng ta mải mê kiếm thật nhiều tiền để thực hiện các ước mơ liên tục được nâng cấp thay vì nuôi dưỡng cái cảm giác hạnh phúc mà chúng ta đã có với giấc mơ ban đầu của mình”. 

Nhà báo Phạm Trung Tuyến

Có hôm, một người bạn gặp tôi, và nói: “Tôi thèm có được một cuộc sống phóng khoáng như của cậu”. Tôi tin cậu ta nói điều đó một cách chân thành, dù cậu ta giàu có, và quyền cao chức trọng hơn tôi rất nhiều lần. Tôi biết chắc rằng cậu ta không còn nhớ giấc mơ tuổi 20 của bản thân, hoặc nhớ đến chỉ để tự trào rằng sao có lúc ước mơ đơn giản thế.

Giấc mơ tuổi 20 của chàng thanh niên nông thôn là gì? Có lẽ đó không phải là giấc mơ có cái nhà mặt tiền rộng hơn mấy mét để vì nó mà chém chết gần hết cả nhà em trai mình.

Giấc mơ của một người lính tuổi 20 trong thời chinh chiến là gì? Chắc chắn đó không phải có mấy triệu đô la Mỹ cho con gái làm ăn để chấp nhận rủi ro mà thân bại danh liệt.

Tiền là công cụ để thực hiện ước mơ. Điều đó đúng! Nhưng đa số chúng ta thường quên tự hỏi mình về mơ ước thực sự của bản thân. Chúng ta thường vật chất hóa những ước mơ để rồi quên đi cảm giác hạnh phúc khi đạt được điều mà mình hằng mơ ước. Chúng ta mải mê kiếm thật nhiều tiền để thực hiện các ước mơ liên tục được nâng cấp thay vì nuôi dưỡng cái cảm giác hạnh phúc mà chúng ta đã có với giấc mơ ban đầu của mình. 

Nhà báo Phạm Trung Tuyến

Có người sẽ nói, nếu như chúng ta không liên tục mơ ước, chúng ta sẽ không có khát vọng để tiến lên, chúng ta sẽ đứng yên và tụt lại phía sau. Đúng là như thế, “người gian nan mơ ước bình thường, người cao sang mơ ước địa đàng” mỗi một giai đoạn trong cuộc đời thì chúng ta sẽ có những ước mơ khác nhau. Nhưng điều quan trọng nhất của một ước mơ mà chúng ta muốn có là gì? Tôi nghĩ đó là cảm giác hạnh phúc của bản thân khi thực hiện được ước mơ bằng khả năng của mình mà không đánh mất những giá trị của bản thân. 

Nếu như để hiện thực hóa ước mơ mà phải đánh đổi tự do, danh dự, chúng ta đã để những ước mơ chiếm hữu cuộc đời mình, thay vì chúng ta đã có một ước mơ!