Tiện hay tùy tiện

ANTD.VN - Ngày trước, mỗi lần đi mua cơm, người ta xách theo cặp lồng. Ngăn dưới đựng cơm và thức ăn, ở trên là một ngăn lửng đựng chút canh hoặc nước rau. Bây giờ, một hộp cơm gọi đến nhà là biết bao nhiêu lần túi nilon và giấy bọc.

Rác thải nhựa tràn ngập khắp nơi  - Ảnh: Nguyễn Việt Hùng

Một ngày đầu hè, tôi ghé quán cà phê đầu chợ Hàng Bè. Quán mới mở, bài trí theo phong cách thời bao cấp với bàn ghế gỗ thấp, đài cassette, TV màu nội địa, cà phê đựng trong cốc thủy tinh Liên Xô nhấm nháp với ô mai Hoa Đào đúng kiểu 30 năm trước. Nơi này, trước kia là quán cơm bình dân ngon có tiếng. Bà chủ chỉ nấu mấy món rất truyền thống, như cá kho giềng, đậu rán tẩm hành, thịt kho tàu, chả xương xông… giá cả lại đắt gấp rưỡi nơi khác. Thế mà khách nườm nượp. Dân phố cổ tinh mồm, ăn không nhất thiết cầu kỳ, nhưng phải đúng vị mới ngon.

Bây giờ thì hàng cơm ngon ấy không biết đã chuyển đi đâu. Cơm nước giờ cũng xuê xoa nhiều. Rút điện thoại bấm bấm, có hộp cơm “ship tận chân công trình”, đấy là ưu điểm lớn nhất. Tiện là chính. Ngày trước, mỗi lần đi mua cơm, người ta xách theo cái cặp lồng. Ngăn dưới đựng cơm và thức ăn, ở trên là một ngăn lửng đựng chút canh hoặc nước rau. Bây giờ, một hộp cơm gọi đến nhà là biết bao nhiêu lần túi nilon và giấy bọc.

Nhiều khi mọi thứ chỉ thay đổi rất đơn giản từ một sự kiên quyết của chính bạn. Như là vào quán cà phê và nói: Cho tôi một cốc đen đá, đựng trong cốc thủy tinh, không cần ống hút nhé!

Nhà báo Phạm Gia Hiền

Đũa tre dùng 1 lần bọc nilon, thìa nhựa dùng 1 lần vứt (và cũng bọc trong túi nilon), hộp xốp đựng cơm, cốc nhựa đựng canh, đến mấy que tăm cũng thêm 1 túi nilon nữa, rồi ngoài cùng là 1 túi nilon để đựng tất cả. Ăn xong bữa cơm là 1 tá những đồ nhựa, nilon, xốp… vứt vào thùng rác, lồng phà lồng phồng. Mà mỗi bữa cơm có hàng nghìn hàng vạn “combo túi” như thế, chuyển tới khắp hang cùng ngõ hẻm Hà thành, trước khi quần tụ trong bãi rác. 

Tôi biết, những suất cơm hộp ấy khó có thể gọi là ngon và lành. Nhưng tôi, và những thị dân công sở có cùng quỹ thời gian eo hẹp tương đương với ví tiền, chẳng có lựa chọn nào khác. Chẳng có lựa chọn nào khác - đó là lý do phổ biến nhất khi người ta tặc lưỡi với những thứ đồ nhựa dùng 1 lần con con. Phổ biến nhất là túi nilon. Một buổi chợ về, các bà nội trợ xách theo cả chục cái túi nilon lớn nhỏ các loại.

Mua thịt có túi thịt, mua rau có túi rau, mấy củ hành khô là một túi, gói gia vị một túi, mà đến mua mấy quả cà cũng lại 1 cái túi nữa. Những túi ấy phần lớn đều dính thực phẩm, chẳng dùng được nữa mà phải đem bỏ. Phổ biến nhì là ống hút nhựa. Ống hút nhựa rẻ khủng khiếp, chỉ độ chục nghìn là mua được 1 bịch có cả trăm cái ống hút. Ống hút thường đi kèm với cốc nhựa. Uống cái gì, người ta cũng bỏ vào cốc nhựa, rồi cắm ống hút vào. Trước thường là nước mía, sinh tố, nước ép hoa quả. Giờ thì trà đá, trà chanh cũng cốc nhựa và ống hút. Rẻ mà tiện.

Nhà báo Phạm Gia Hiền

Kinh hoàng nhất là những hàng trà sữa - đồ uống thời thượng - mỗi ngày bán ra hàng trăm cốc nhựa to, kèm ống hút. 

Người ta lạm dụng ống hút đến mức, không chỉ riêng đồ take away (mang đi), mà ngồi ngay tại quán thì khách cũng vẫn nhận đồ uống đựng trong cốc nhựa, được đóng nắp kín, nên lại bắt buộc phải dùng ống hút mới uống được. Có người yêu môi trường, tự mang cốc của mình vào quán cà phê để không phải dùng cốc nhựa, nhưng cũng bị từ chối - bởi vì đó là tiêu chuẩn phục vụ rồi.

Tôi có một người bạn họa sĩ, anh mở quán cà phê cho bạn bè cùng giới có chỗ tụ tập. Quán anh gần như không sử dụng đồ nhựa, hoặc đồ nhựa dùng 1 lần. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu, bắt buộc vẫn phải dùng ống hút nhựa. Một hôm, tôi đưa con trai nhỏ đến quán, uống 2 cốc nước, ăn mấy cái bánh ngọt. Anh chủ quán đón tiếp niềm nở, luôn miệng giục tôi mua thêm món gì đó đi. Tôi vui vẻ lấy thêm túi bánh mang về.

Chỉ chờ có thế, anh hớn hở thông báo hóa đơn của tôi đã đủ để được tặng quà, là 1 chiếc ống hút kim loại, kèm dụng cụ lau rửa để dùng được nhiều lần. Tôi bật cười hỏi, sao ông không nói từ đầu thì tôi mua luôn cũng được chứ. Anh bạn cũng cười bảo, tặng thì cũng được, nhưng muốn khách có ý thức trân trọng cái ống hút này, từ đó mới dùng trong những lần sau. Giờ thì sau 1 năm hoạt động, tất cả ống hút quán anh đã đổi sang kim loại.

Nhưng một người bạn khác của tôi lại lập luận, sao phải dùng ống kim loại, rồi ống giấy, ống cỏ (những loại ống hút có thể tự hủy nhanh hơn nhiều so với ống hút nhựa). Trong khi đó, chúng ta có thể đơn giản uống mà không cần ống hút? Ừ nhỉ, trước khi có ống hút, đàn ông uống cà phê bằng tách, nhấp môi ngon lành. Trước khi có ống hút, phụ nữ vẫn uống nước quả từ cốc thủy tinh, và một chút son môi lem lên miệng cốc trông cũng duyên dáng chứ sao đâu?

Không đổ tại cho sự thuận tiện, người ta có thể loại bỏ đồ nhựa dùng 1 lần, túi nilon và ống hút, theo những cách mà ông bà ta đã làm suốt nhiều thế kỷ trước. Cái thúng có vỉ buồm đậy lại của bà, thay biết bao nhiêu loại túi. Các loại chè cháo, đồ ăn vặt đựng trong những bát chiết yêu xinh xinh. Bạn nhớ chứ, những thùng tào phớ, những gánh “lục tào xá”, “chí mà phù”, những gánh cháo trai, cháo đậu… đã lớn lên cùng tuổi thơ ta, nào có cần một cái cốc nhựa hay ống hút nào?

Nhiều khi mọi thứ chỉ thay đổi rất đơn giản từ một sự kiên quyết của chính bạn. Như là vào quán cà phê và nói: Cho tôi một cốc đen đá, đựng trong cốc thủy tinh, không cần ống hút nhé!