Thương nhớ những làng quê yêu dấu

ANTD.VN - Ngày 5-8-1964, Mỹ đã điều hàng chục máy bay tiêm kích và cường kích hiện đại, chia làm 3 đợt tấn công cùng một lúc vào các mục tiêu kinh tế, quân sự, và căn cứ hải quân của Việt Nam từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Bình. Chiến dịch này đã mở màn cho cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ bằng không quân và hải quân quy mô lớn đối với miền Bắc, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, đầu não kinh tế, chính trị của đất nước. 

Thương nhớ những làng quê yêu dấu ảnh 1Thập niên 1970 là khoảng thời gian tình cảm giữa nhiều gia đình Hà Nội và các làng quê Hà Tây được kết tinh

Để  hạn chế thấp nhất thiệt hại, mất mát về con người khi máy bay Mỹ ném bom đánh phá Hà Nội, năm 1965, Ủy ban hành chính thành phố đã ra lệnh cho người dân không có nhiệm vụ, và trẻ con phải dời khỏi thành phố sơ tán về các vùng quê. Đây là lần thứ hai trong thế kỷ XX, người Hà Nội phải chia tay thành phố. Lần đầu diễn ra vào tháng 12-1946 khi quân đội Pháp tái chiếm Hà Nội.

Thời gian đó, để tránh chiến sự diễn ra ác liệt giữ các chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô với quân Pháp giành giật từng góc phố, dân chúng gồng gánh, bế bồng nhau  tản cư về các vùng tự do ở Thanh Hóa, Hà Đông hay ngược lên Phú Thọ, Thái Nguyên. Và để có tiền sinh sống, nhiều gia đình làm đủ nghề mưu sinh. Nhưng rời xa Hà Nội lần này thì khác.

Ai có quê thì đưa con cái về quê, ai không có quê hoặc quê ở miền Trung thì tìm nơi thuận tiện. Từ Hà Tây, Hưng Yên, Hà Nam đến Hòa Bình, Phú Thọ…, tỉnh nào cũng có dân Hà Nội tá túc. Nhưng đông đúc nhất là Hà Tây vì địa phương này gần Hà Nội, thuận tiện cho việc thăm nom và tiếp tế bằng xe khách và xe đạp. Các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thạch Thất, Đan Phượng… rất đông các gia đình sơ tán. 

Những gia đình quê Hà Tây thì thuận hơn, họ ở nhà cha mẹ hay họ hàng nhưng với các gia đình khác cũng chả khó khăn gì. Chỉ cần đặt vấn đề thì chủ nhà sẵn lòng cho ở. Họ dồn gia đình vào một góc nhường giường, phản làm thêm bếp mới cho các gia đình ở nhờ đun nấu.

Thương nhớ những làng quê yêu dấu ảnh 2Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến 

Cuộc sống thời chiến vốn đã khó khăn nay lại phải bỏ cửa, dời nhà thì khó khăn lại tăng gấp bội. Con cái một nơi, cha mẹ một nơi trong khi lương thực, thực phẩm, chất  đốt  trông chờ cả vào tiêu chuẩn Nhà nước cung cấp. Một lạng thịt phải chia hai, chai nước mắm cũng vậy, lại còn phải chờ ngày nghỉ mới đi tiếp tế được. Mà có khi ngày nghỉ cũng không thể đi được vì phải tham gia trực chiến.

Không chỉ lo miếng ăn mà còn lo con cái học hành thế nào, sống ra sao và cái lo lớn nhất là có an toàn không khi các làng quê xa cầu cống cơ sở quân sự vẫn bị máy bay Mỹ ném bom. Thế nhưng trong biết bao nhiêu mối lo ấy, họ lại nhận được sự giúp đỡ vô tư, chân thành của các gia đình đã  cho con cái họ ở nhờ. Hết gạo họ cho vay gạo, hết dầu, củi họ cho rơm rạ nấu ăn. Không còn tiền mua rau họ cho rau.

Những năm 1966, 1967, Mỹ đánh bom ác liệt miền quê nào cũng có thể trúng bom, học sinh đi học phải có mũ rơm đội đầu và thêm chiền nùn rơm đeo sau lưng thì chả cần hỏi các bác chủ nhà chọn rơm nếp đan mũ cho lũ con gái còn con trai thì đan rơm thường. Các trường học phải có hầm trú ẩn thì các xã cũng miễn sự đóng góp cho học sinh sơ tán. Sự cảm thông tưởng rất nhỏ bé nhưng lại vô cùng có ý nghĩa, những đứa trẻ cảm thấy được làng quê bao bọc, che chở. 

Với lũ trẻ thành thị để thích nghi với cuộc sống thôn quê những ngày đầu là không dễ dàng vì ở thành phố có đèn điện nhưng buổi tối ở quê chỉ có ngọn đèn dầu để ở gian giữa. Tối ra đường  phải lần mò từng bước vì chưa quen ngõ, quen đường. Nước giếng dù trong nhưng khi ăn khi uống vẫn có cảm giác ngang ngang.

Rồi chính những đứa con chủ nhà, trẻ hàng xóm hay cùng lớp học đã lôi cuốn chúng vào cuộc sống thôn quê. Chiều chiều, lũ trẻ thành thị được ra đồng thả diều, đi kéo vó tôm, tát khúc mương cạn bắt cá hay ra ruộng lúa cào châu chấu thêm thực phẩm cho bữa cơm hàng ngày. 

Ở Hà Nội, muốn bơi ở bể phải mua vé còn ở quê tha hồ vùng vẫy dưới ao. Những tối có văn công tỉnh hay văn công Trung ương về diễn ở sân kho hợp tác xã chúng được theo bạn mang ghế tre đi xem. Lại được xem các cô, các chú, các anh chị tập hát chèo, múa chèo cho diễn toàn xã và ngạc nhiên khi thấy các diễn viên không chuyên đánh má hồng, tô môi son bằng giấy gói hương.

Khi Mỹ tuyên bố ngừng ném bom từ Thanh Hóa trở ra để ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, nhiều gia đình lục đục đưa con trở về Hà Nội. Cuộc chia tay lưu luyến và cảm động với những giọt nước mắt chân tình. Nhưng có ngờ đâu tháng 4-1972, người Hà Nội lại phải dời thành phố lần nữa. Và họ lại trở  các làng quê nơi con cái từng sơ tán. Những ngày tháng cuối năm 1972 Mỹ ném bom Hà Nội bằng máy bay B52 là khoảng thời gian tình cảm giữa nhiều gia đình Hà Nội và các làng quê Hà Tây được kết tinh.

Chiến tranh đã cướp mất tuổi thơ kiểu thành thị của trẻ con Hà Nội nhưng bù lại các làng quê nơi đây đã mang lại tuổi thơ với biết bao điều mới lạ và thú vị. Năm 2008, để Hà Nội có dư địa phát triển, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết hợp nhất Hà Tây vào Hà Nội. Thoắt đã 10 năm trôi qua. Cái tên Hà Tây không còn, nhưng các địa danh làng, xã, huyện nơi lứa tuổi 5X, 6X sơ tán vẫn nguyên vẹn và dù có thay đổi thì ký ức về những miền quê yêu dấu vẫn không thể mất và không bao giờ mất.