Thực tế, nhưng đừng trần trụi

ANTD.VN - Hôm trước tôi có nghe chị bán hàng hoa ở đầu phố nhà mình ngồi than thở mà không biết nên buồn hay vui!

- Vừa mới qua Ngày Hiến chương Nhà giáo, từ học sinh tới phụ huynh đều đi chúc mừng thầy cô, hàng hoa tha hồ bán chạy, còn tâm tư điều gì?

- Ai cũng tưởng thế, nhưng chị ấy bảo ế nhiều lắm! Mấy ngày trước bỏ cả đống tiền ra nhập thật nhiều hoa để phục vụ dịp này, không ngờ năm nay dân tình chuyển mạnh sang tặng thầy cô những thứ đồ vật chất khác, hoa thật chẳng mấy người hỏi đến.

- Nếu nhìn một cách tích cực thì bác nên vui, vì xã hội đã suy nghĩ thiết thực hơn, hoa lá cành phù phiếm lắm, mà lại tốn kém. Bó hoa đẹp bây giờ cũng mấy trăm nghìn đồng, chỉ được dăm ba ngày là vứt bỏ.

- Nhưng tinh thần đôi khi quan trọng hơn vật chất. Với lại, cứ quen thói thực dụng sẽ “làm hư” thầy cô giáo trẻ. Theo dõi báo đài thì thấy đấy, bây giờ giáo dục chẳng khác gì dịch vụ, hàng hóa mua bán bằng tiền.

- Đó là do xã hội ngày nay cũng nhạy cảm quá, cứ nhìn vào những mặt xấu để đánh giá tổng thể. Ngày xưa lương giáo viên của tôi có 65 đồng, nhưng bát phở chỉ 2 hào, tính ra thì còn cao gấp rưỡi mức lương mấy triệu đồng giáo viên nhận bây giờ. Nói nặng nề thì là “thực dụng”, nhưng thực tế phải đủ sống đã thì mới làm hay, làm tốt được. 

- Biết vậy, nhưng thực tế đến trần trụi thì cũng nguy hiểm. Hôm nọ tôi đọc báo thấy có thầy giáo lên mạng viết: “Thay vì hoa, hãy tặng chúng tôi thật nhiều phong bì mà ái ngại”. Vẫn biết thầy giáo đó nói là sẽ dùng tiền được tặng để mua chăn cho các cháu học sinh nghèo ở miền núi, vậy tại sao không thay bằng câu: “Hãy tặng chúng tôi chăn ấm”, nghe đỡ phản… giáo dục hơn nhiều.