Thừa kẻ hiếu kỳ, hiếm người trách nhiệm

ANTD.VN - Giờ cứ vào mạng xã hội, bất kể lúc nào, lại thấy người ta mắng nhiếc nhau. Mắng nhiếc nhau bất cứ lý do gì. Thậm chí chẳng cần lý do. 

Thừa kẻ hiếu kỳ, hiếm người trách nhiệm ảnh 1Chưa có ai vì xúc phạm người khác ở trên mạng xã hội mà phải chịu trách nhiệm trước pháp luật để cư dân mạng nhìn vào đó để tự chỉnh đốn lại lời ăn tiếng nói của mình (Ảnh minh họa) 

Ở dạng liên quan thế sự ví như: gian lận thi cử, gian lận bằng cấp, nhập nhằng danh nghĩa trường quốc tế. Rồi đường tắc, cống ngập cũng “đăng đàn” chửi bới. Những ví dụ kiểu ấy nhiều vô kể.

Mà không chỉ có chuyện chung, các cá nhân cũng là “mồi” cho những cơn phẫn nộ tập thể. Mới đây thôi, vụ lái xe bỏ sản phụ giữa đường, khiến thai nhi sinh non rồi tử vong, gây làn sóng phẫn nộ chính đáng trong dư luận. Khổ nỗi cư dân mạng lại nhầm khi cứ nhằm vào một lái xe khác cùng có tên Nguyễn Đức Nhạc, rủa xả thậm tệ. Nhạc có lỗi ở Bình Phước, 46 tuổi, còn Nhạc mắc oan 24 tuổi hiện đang sống ở Đồng Tháp.

Nhưng cãi chẳng nổi khi một số tài khoản Facebook nhanh như gió đã tìm ra trang cá nhân của anh này. Lập tức làn sóng nhắn tin chửi bới, dọa giết, cô vợ trẻ cũng bị lăng mạ thậm tệ chỉ vì có anh chồng tự dưng trùng tên với kẻ làm chuyện thất đức. Cứ bị chửi rủa xả tập thể như vậy, ai đó mà có trót yếu đuối không khéo cũng “sốc” quá vỡ tim mà chết.

“Cho đến giờ, hình như chưa có ai vì xúc phạm người khác ở trên mạng mà phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cả. Thế cho nên chẳng có gương sáng tày liếp nào để cư dân mạng nhìn vào đó để tự chỉnh đốn lại lời ăn tiếng nói”.

Nhà báo Phạm Thanh Hà

Thật may là cho đến bây giờ, đa phần nạn nhân trong các cuộc “ném đá” trên mạng thường là có đủ dũng khí. Còn các “quan tòa trên mạng” tuyên án xong chỉ vài ngày sau thì quên luôn là mình đã từng “kết án” một ai đó. Và rồi lại mải miết đi tìm những nạn nhân mới để… kết tội. Cho đến giờ, hình như chưa có ai vì xúc phạm người khác ở trên mạng mà phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cả. Thế cho nên chẳng có gương sáng tày liếp nào để cư dân mạng nhìn vào đó để tự chỉnh đốn lại lời ăn tiếng nói. 

Bây giờ, lên mạng xã hội nhiều khi phản rón rén, bởi nếu quan điểm, cách sống của người này bất đồng với người kia thôi là mâu thuẫn lớn xảy ra rồi. Bạn bè thân thiết, chơi với nhau cả mấy chục năm mà chỉ “còm” đi “còm” lại tranh luận trên mạng thì ra đường lắm khi đã hóa người dưng rồi.

Người trong cuộc, nếu bây giờ có nhỡ bị “ném đá” oan. Cách tốt nhất, hoặc đóng Facebook đi nghỉ mát, hoặc tự an ủi có những chuyện trời biết, mình biết. Một khi chẳng thể đưa sự minh bạch đến tận cùng. Mà minh bạch là một chuyện khó khăn vô cùng kể. Ngày nào trên mạng cũng hết rộ lên tin đồn nọ đến tin đồn kia. Gọi là hoang tin. Thì đòi hỏi minh bạch thật sự khó khăn.

Căn cứ lượng thông tin không kiểm chứng mỗi ngày trên mạng xã hội, thì tất thảy chúng ta đều mắc chứng cả tin, hoặc đều theo thuyết âm mưu. “Các mẹ ơi, các mẹ biết gì chưa?”, vụ mấy mẹ bỉm sửa nổi đình đám mấy năm trước giờ có khi chẳng mấy ai nhớ là vụ đó đưa thông tin gì, nhưng cái câu “Các mẹ biết gì chưa?” thì trở nên một câu nói mang tính phổ quát cực kỳ cao trong xã hội mạng - xã hội của những người vô cùng tò mò, vô cùng muốn tỏ ra thạo nguồn, vô cùng thích tỏ ra nguy hiểm. Và đưa tin thế, người ta chẳng cần quan tâm hiệu quả. Nó âm tính, nó tồi tệ, nó chẳng cần hướng đến điều gì tốt đẹp.

Thừa kẻ hiếu kỳ, hiếm người trách nhiệm ảnh 2Nhà báo Phạm Thanh Hà

Ông lái xe P. của trường Gateway đã tự tử mà chết, ví dụ thế, là một hoang tin gần đây nhất. Những tin như vậy còn được gọi là tin thất thiệt. Ông P. liên quan đến một vụ việc “nóng” và đang là tâm điểm dư luận. Việc bịa ra cái chết của ông ta sẽ khiến nhiều người đổ xô vào quan tâm. Những tin thất thiệt sinh ra từ ý đồ “câu like”, “câu view” nhiều vô kể và bất chấp đạo lý.

Liên quan đến sinh mạng một con người nhưng được đưa ra một cách thản nhiên. Tin đó lập tức được chia sẻ chóng mặt kèm theo những bình luận nghe đầy vẻ hiểu biết. Người ta chẳng cần kiểm chứng, đương nhiên, vì thông tin đó phù hợp với suy nghĩ (nếu gọi được là suy nghĩ) đầy nông cạn của mình. Mà đã kiểm chứng được, thì còn gì là tin đồn nữa.

Người chưa chết bị đồn là đã chết, hoặc người đang sống trở nên sống dở chết dở vì tin đồn, những chuyện đó đầy ra trên mạng. Một mạng xã hội đầy những kẻ hiếu kỳ nhưng vô cùng hiếm người có trách nhiệm.

Thôi thì, đành vậy chứ biết làm sao!