Thói xấu mặc nhiên, cái đẹp bị coi là kỳ quái

ANTD.VN - Có vẻ như bây giờ mọi người quen quá với việc nói năng chỏng lỏn, hành động thô lỗ, nên mới thấy những thói quen lịch thiệp là kỳ quái, khác thường.

- Gần nhà tôi có anh bán rau hết sức nực cười, ngày nào đi chợ cũng mặc áo sơ mi “đóng thùng” với quần âu, nếu đứng tách ra khỏi chiếc xe với hai sọt rau đầy ắp thì ai cũng tưởng dân công sở nhé.

- Ơ, như thế thì có gì mà nực cười?

- Các cụ chả bảo, “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”? Đi bán rau thì cứ mặc tuềnh toàng thôi, trang trọng cho ai ngắm? 

- Trong bối cảnh này thì câu đó có thể được hiểu là: Họ đi bán rau là bán cho người thành thị, tiếp xúc với người thành thị, nên cũng cần lịch sự như người thành thị.

- Ôi dào, vẽ chuyện. Người khác nhìn vào lại tưởng hâm. Có người còn bảo, hay anh này là công chức mất việc, hàng ngày vẫn đóng bộ ra khỏi nhà để vợ con không biết, rồi đi bán rau kiếm sống.

- Kể cả như thế thì có ảnh hưởng gì đến các bà các chị nhỉ, sao mọi người lắm chuyện thế?

- Cũng tại cung cách khá dị của anh ta nên mọi người mới để ý. Ai mua mà vứt tiền ra sọt là nhất quyết không nhặt, cứ phải đưa tận tay, rồi trả lại tiền thừa cũng điệu bộ. Bà nào mà mặc cả, chê bôi này nọ là dứt khoát không bán nữa luôn.

- Ở đâu chẳng cần phép lịch sự. Có vẻ như bây giờ mọi người quen quá với việc nói năng chỏng lỏn, hành động thô lỗ, nên mới thấy những thói quen lịch thiệp đó là kỳ quái. Sao không đi mà phê phán những người thuộc hàng ngũ trí thức, công chức Nhà nước hẳn hoi nhưng đi làm mà ăn mặc xộc xệch, đầu tóc không chải, áo quần nhàu nhĩ, váy “lò xo” ấy? Rõ ngược đời.