Thầy nào trò nấy

ANTD.VN - Có thể nói, một phần lớn nền văn minh của nhân loại đã được xây dựng từ công sức của những người trò tài năng chăm học và những bậc thầy minh triết biết dạy học. 

Thầy nào trò nấy ảnh 1Nghề làm thầy tự nhiên như muối của đời, cái độ mằn mặn của nó nếu cố phải nếm cũng chỉ thấy đằm đặm lấp lánh trong vô vàn thế hệ học trò.

Họ thường là những nhà đạo đức lớn, những khoa học gia hàng đầu hoặc những chính trị gia lỗi lạc. Ở họ luôn rừng rực cháy một nỗi khát khao hướng tới Chân - Thiện - Mỹ. Vì thế với họ, một nền giáo dục chân chính luôn thấm đẫm một tinh thần dâng hiến quên mình cho đồng loại, một tinh thần vị tha nhân văn nhân bản. 

Văn hiến nước Việt được hình thành từ nhiều nguồn và một nguồn lớn đấy là truyền thống tôn sư trọng đạo. Cứ nhìn cách cư xử chân thành kính trọng của không biết bao nhiêu thế hệ học trò với vị thầy vĩ đại Chu Văn An của mình thì biết. Bởi sâu xa trong trái tim của những người chân thành hiếu học, luôn lồng lộng hình ảnh của một hoặc vài người thầy vô tư uyên bác.

Vào thời văn hiến của nước Việt đang cao, vị trí của người thầy chỉ sau có vua và trên cả những bậc sinh thành. Theo nếp cũ, chiều muộn mùng Một hoặc sáng sớm mùng Hai Tết, học sinh thường đến thăm viếng thầy. Trò tuy thành danh (đa phần ở hoạn lộ), khi xênh xang về Tết thầy cũ thì chẳng cần có biển “hạ mã”, cũng biết điều mà giấu ngựa giấu kiệu vào một xó nào đấy rồi khúm núm đi bộ tới vấn sư. Bây giờ ô tô nhiều, cảnh này đã thất truyền, cố chỉ thấy lác đác ở trong tranh dân gian Đông Hồ.

Chính vì thế mà cho trẻ con đi học không bao giờ chỉ là học lấy chữ. Có một dạo dài ở ta, nhiều trường đã cho treo lại một khẩu hiệu tưởng như đã cũ. “Tiên học lễ, hậu học văn”. Nạn bằng cấp bây giờ đang tràn lan chính là hệ lụy của việc nhầm tưởng hiếu học là hiếu chữ. Sự cao thượng hiếu học không có chỗ cho sự tầm thường hiếu danh. Ở Hà Nội thời Pháp thuộc, trong giới chân dài thượng lưu còn tồn tại một câu nhố nhăng mang vẻ thành ngữ “phi cao đẳng bất thành phu phụ”. Theo khảo sát riêng của nhà văn Nguyễn Công Hoan, tất cả những thằng Sở Khanh hồi ấy đều cố gắng phấn đấu cho được cái bằng cao đẳng. 

Khi chữ đã bị tha hóa thì nó dễ có mầu của tiền. Nhiều học trò thông minh sáng mắt khi nhìn thấy mầu đấy thì hốt hoảng ra sức lèn chữ tích chữ cho thật đầy óc, cho thật chật bụng. Họ a dua theo vẻ ngoài những đại nhân hiếu học, cũng miệt mài tự treo tóc lên xà nhà để khỏi ngủ gật mà nuốt chữ. Rồi lom khom đi bắt đom đóm thay đèn, cố trợn hết lờ mờ cả mắt mà ngốn chữ. Những người thân tầm thường xung quanh hào hứng cổ vũ, ai nấy đều âm thầm hớn hở ích kỷ nghĩ tới ngày, nhà mình sẽ vinh thân mình sẽ phì.

Trò vậy liệu thầy có đau lòng không? Giáo dục đâu phải là riêng từ một phía. Từ xa xưa, nghề làm thầy (bây giờ đã có làm cô) luôn là tối thiêng liêng và cực kỳ cao cả. Nó âm thầm gìn giữ nuôi dưỡng những nhân cách thiện lương cho cuộc sống.

Ví như nữ hiệp Ninh Trung Tắc trong bộ trường thiên tiểu thuyết “Tiếu ngạo giang hồ” của Kim Dung tiên sinh chẳng hạn. Bà chân thành thương yêu rồi sâu xa trân trọng hiểu học trò. Bà khác hẳn gã thầy chưởng môn đang làm chồng bà là ngụy quân tử Nhạc Bất Quần. Khi luyện kiếm, bà không bao giờ lỡ làm đau học trò. Và khi chúng hành hiệp giang hồ, lỡ có bị người khác làm gãy chân thì bà xót xa như chính chân mình gãy.

Từ đáy lòng, đám đệ tử luôn coi bà như mẹ hiền, không cần biết lúc ấy là đang ở trường hay ngày ấy có phải 20-11. Tất nhiên, coi học trò như con thì cũng có thể nhiều người làm được, nhưng sâu xa để học trò coi cô như mẹ thì ở cuộc đời này không phải lúc nào cũng có nhiều. Cái bà từng là hiệu trưởng của một trường tiểu học ở ta, đã liên miên ăn bớt khẩu phần của bọn trẻ chắc là người rất ghét đọc kiếm hiệp Tàu. 

Nghề làm thầy tự nhiên như muối của đời, cái độ mằn mặn của nó nếu cố phải nếm cũng chỉ thấy đằm đặm lấp lánh trong vô vàn thế hệ học trò. Rất nhiều những người thầy thanh đạm đã tự ví mình như một lái đò ngày ngày cần mẫn chở từng con người từ bờ bên này sang bến bên kia, cái bến có long lanh chứa một sự tự biết tự hiểu để rồi tự trọng tự ngộ. Không phải ngẫu nhiên mà cho tới tận hôm nay ở ta, chỉ duy có nghề giáo và nghề thuốc vẫn được thiên hạ trân trọng tôn xưng gọi là thầy. Hỡi ôi, một nghề thì sửa chữa cơ thể của người ta, một nghề thì uốn nắn tâm hồn của người ta, nên đương nhiên xứng đáng.

Có lẽ vì hiểu được những phẩm chất tuyệt vời của thầy và trò là không khoa trương, nên một dạo dài Bộ Giáo dục miệt mài phát động phong trào “nói không với bệnh thành tích”. Nghe đài đọc báo xem tivi thì hình như phong trào này luôn cuồn cuộn ở đỉnh cao. Cũng một hôm lâu rồi, có việc đi ngang qua một trường tiểu học bỗng thấy cô hiệu trưởng đang đứng trước bạt ngàn học sinh, đọc kiểu như quyết tâm thư “Trong phong trào nói không với bệnh thành tích, trường ta đã lập được một thành tích to lớn là …”.

Gần đây phong trào nói không với dạy thêm và học thêm cũng được bàn nhiều, thậm chí có một thầy hiệu trưởng vừa bàn vừa bật khóc. Thôi thì, công cuộc giáo dục vốn là một sự nghiệp dài lâu. Chỉ hy vọng rằng, với những thành tựu to lớn mà nền giáo dục nước nhà đã đạt được, thầy và trò sẽ không phải nói không với bất cứ một vấn đề nào nữa.