Thành phố biết nhớ và không bao giờ mất

ANTD.VN - Để gìn giữ quá khứ, con người ta thường nhờ vào những nỗi nhớ. Nếu đó chỉ là những ám ảnh nhỏ nhẹ tinh tế thì gọi là kỷ niệm. Còn nếu là một nỗi niềm cuồn cuộn thăm thẳm rộng dài không thể quên, thì đấy gọi là ký ức. Tất cả các đô thị lớn đều có ký ức của riêng mình, đặc biệt là Hà Nội. Bởi đơn giản nó đã là một thành phố lồng lộng rêu phong, là nơi địa linh nhân kiệt. Hoặc đơn giản hơn, nó là trái tim của cả nước mà ở sâu xa từng trang lịch sử đều nghẹn ngào đẫm đầy máu và hoa.

Thành phố biết nhớ và không bao giờ mất ảnh 1Ảnh: ĐINH VĂN LINH

Hà Nội luôn là một miền nhớ không nguôi với những ai đã từng sống cùng nó. Liệu nỗi nhớ đấy đã được kết tinh từ sâu sắc của hơn một nghìn năm tuổi. Hay mới hơn trăm năm thôi, tính từ khi người Pháp mới vào thực dân. Bởi sâu xa trong ký ức của người Hà Nội, thì nỗi nhớ Thăng Long - Đông Đô hay Kẻ Chợ luôn sắc nét chập chờn bất cần thời gian. Có thể đấy là đoạn tần tảo bao cấp, mong manh một quán chè chén bán rượu trắng “quả hồng” mẹ truyền con nối, lửng lơ ở đầu phố ngắn nào đó.

Khách ngồi uống “thập loại chúng sinh”, từ viên chức nghèo đến sinh viên nghèo, thỉnh thoảng có thêm đám nghệ sĩ lại càng nghèo. Cũng có thể đó là mấy toa tàu điện xộc xệch, loay hoay vài thằng bé con nhẩy “lá vàng rơi” trốn vé, trôi qua mấy gánh xôi chè, gánh bún đông nghịt chị em cũng xộc xệch. Nhưng cồn cào ám ảnh quyến rũ nhất, vẫn là thấp thoáng dáng của một vài mỹ nhân phố, ơ hờ trên lãng mạn ban công rêu phong thấp thoáng giàn hoa giấy. Bọn họ đoan trang kiêu sa “lẳng” tới mức, khi mình đăm đắm nhìn thì họ hình như cũng nhìn trộm lại.

Cũng có thể nỗi nhớ ấy đến từ những điều mang vẻ vĩ mô hơn, đó là những lễ hội tín ngưỡng đậm màu sắc Hà Nội được diễn ra quanh năm ở những làng ven đô. Người Thăng Long có truyền thống thờ phụng nhân thần. Họ là các vị tiền bối anh hùng có công với nước, hoặc giúp dân khai hoang lập làng hoặc dựng nghề khởi nghiệp.

Tựu chung, một sự tồn vong của một Thủ đô tầm cỡ luôn phụ thuộc vào hai yếu tố lớn. Đầu tiên phải thâm hậu mang một nội lực tinh hoa văn hóa của riêng mình, và tinh hoa (elite) đó được đặc biệt thể hiện ở con người. Hai là luôn bền vững bảo đảm một nền văn minh đích thực, ngang bằng cao không kém những nền văn minh xung quanh, để giữ cho mình một bản sắc độc đáo. Hạnh phúc thay cho Hà Nội, hơn ngàn năm nay chúng ta luôn sở hữu cả hai điều đó.

Thành phố biết nhớ và không bao giờ mất ảnh 3Gánh hàng rong trên phố Hà Nội xưa (Ảnh tư liệu)

Và nỗi nhớ đấy còn đến từ những giản dị bi tráng của thi ca nhạc họa, từ những tinh hoa trí thức manh nha quý tộc, được trong trắng sinh ra trong tao loạn rồi tồn tại mong manh tưởng như đã thất truyền. Hoặc nó đến từ những phố nhỏ ngõ nhỏ, nơi trùng trùng điệp điệp những mẹ những chị, tuy tần tảo vất vả nhưng vẫn giữ sâu trong mình một cách ăn cách mặc sang trọng tinh tế.

Có lẽ do vậy, Hà Nội bây giờ thì chẳng của riêng ai cả, bởi ai cũng có một Hà Nội của mình. Hà Nội thì có sông, có hồ và quan trọng nhất là có người. Cho dù đúng là “người Hà Nội” hay mới chỉ là “người ở Hà Nội”, thì tất cả những thị dân đó đều nồng nàn yêu văn yêu nhạc yêu họa và đặc biệt là thơ. Hình như có một mặc định, bất cứ ai mong manh đôi chút chất “nghệ”, bất kể gốc gác “thập phương tứ xứ”, nhưng đã ở Hà Nội một đoạn đều chợt nhiên thăng hoa thành nghệ sĩ. Vì một lẽ trầm lắng tự nhiên, Hà Nội vốn là thành phố có bề dày văn hóa và nghệ thuật.

Thành phố biết nhớ và không bao giờ mất ảnh 4Hình ảnh phố phường Hà Nội xưa với những chuyến tàu điện leng keng (Ảnh tư liệu)

Và cái Hà Nội độc đáo đó liệu có phôi pha. Thường những gì đã cũ kỹ, thì phải phi thường lắm mới giữ nguyên được hình hài. Hà Nội hôm nay tự giữ cho riêng mình nhờ những ẩn ức truyền thống văn hóa thiêng liêng nằm sâu trong hồn Việt. Bởi lịch sử của nhân loại đã có tiền lệ, không ít những quốc gia thịnh trị, sau một thời gian dài rực rỡ xuất hiện đã dần dần tàn lụi, thậm chí vĩnh viễn biến mất. Tất nhiên, lịch sử của một đô thị nào cũng có hay có dở.

Có điều, muốn biết mình sẽ đi về đâu thì cũng nên biết là mình từ đâu đến. Và để sâu sắc biết được điều đó thì không có cách gì tốt hơn là phải gìn giữ những di sản văn hóa phi vật thể của đô thị. Bởi nó là tinh huyết của không biết bao nhiêu thế hệ những người con Hà Nội. Từ nhỏ nhoi những tiếng rao đêm, những lời nói lóng… cho đến một tổng thể hoành tráng, ví như quy hoạch kiến trúc mang đậm nét Không - Thời gian cả xưa lẫn nay. Ký ức cao cả về một thành phố Rồng bay chính là bệ đỡ để Hà Nội vươn lên. Hay nói khác hơn, nó chính là di sản.

Một thành phố đã tự biết nhớ thì không bao giờ có thể mất.