Tết Trung thu Hà Nội xưa

ANTD.VN - Tết Trung thu đã có từ cách đây ít nhất 2.000 năm. Xa xưa, các nước phương Đông đã có tục tế Mặt trời vào mùa xuân, tế Mặt trăng vào mùa thu. Khi trăng tỏa sáng vào đêm rằm tháng 8 âm lịch hàng năm, cũng là lúc lễ tế thần Mặt trăng lớn nhất trong năm bắt đầu.

Tết Trung thu Hà Nội xưa ảnh 1Hàng Mã là phố bán đồ chơi Trung thu truyền thống phong phú và lớn nhất Hà Nội cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX

Từ đầu tháng 8 âm lịch, trẻ con hàng phố đã náo nức đòi người lớn đưa lên Hàng Gai, Hàng Mã mua đồ chơi. Đây là hai phố bán đồ chơi truyền thống phong phú và lớn nhất Hà Nội cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Gần phố Hàng Mã là phố Hàng Đường, phố có nhiều cửa hàng bán bánh Trung thu và các con giống bằng bột, lại có nhà bán cả những con thú làm bằng trái cây vô cùng khéo tay. Những năm 1920 lại thêm phố Hàng Thiếc vì phố này bán đồ chơi làm bằng sắt tây. Ngoài các phố bán hàng tập trung thì các bà hàng xén ở các ngõ, phố nhỏ mua đầu lân, sư tử, đèn ông sao, đèn cũ hay mặt nạ chú Tễu về bán lẻ bày chung với pháo và các hàng hóa khác.

Tết Trung thu đối với trẻ nhỏ Hà Nội trước hết là hai loại bánh đặc trưng gồm bánh nướng và bánh dẻo. Bánh của người Việt được bán ở phố Hàng Đường còn bánh của Hoa kiều bán ở Hàng Buồm. Điều hấp dẫn đối với lũ trẻ là đứng nhìn những người thợ đóng bánh dẻo ngoài quầy, họ gõ mạnh khuôn bánh trên mặt bàn theo những nhịp điệu khoan nhặt tạo nên những âm thanh rộn ràng rất đặc trưng trên đường phố. 

Sau bánh là đồ chơi mà tiêu biểu nhất là các loại đèn được thắp sáng trong đêm Trung thu khi đợi trăng lên hay rước rong ngoài xóm, phố. Đèn bằng nan tre lợp giấy bóng kính có hình các con vật mà nhiều nhất là thỏ và cá. Ngoài ra, còn các loại đèn lồng xếp bằng các loại giấy màu và cầu kỳ, nhưng hấp dẫn nhất là đèn kéo quân với rất nhiều tích truyện được thể hiện bằng những bóng hình người và vật xoay tròn nhờ sức nóng của các ngọn nến, tạo ra những luồng khí đẩy cái vòng quay tròn theo trục đèn. Các loại đèn này tập trung nhiều trên phố Hàng Mã nhưng còn được bày bán ở Hàng Gai.

Tết Trung thu Hà Nội xưa ảnh 2Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Lại thêm ông tiến sĩ giấy gửi gắm lòng cầu mong của đấng sinh thành đối với con cái của mình lấy danh vị “Tiến sĩ” làm mơ ước. Có người bảo, ông tiến sĩ bằng giấy có bộ mặt non choẹt nhưng đáng yêu ấy chính là hình ảnh ông Trạng trẻ Nguyễn Hiền có thật trong lịch sử. Có người nói rằng đèn ông sao ra đời vào năm 1945 khi quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có ngôi sao nên người thợ thủ công bắt chước. Thực ra không phải như vậy, trong các bức ảnh chụp cửa hàng bán đồ chơi Trung thu ở phố Hàng Gai đầu thế kỷ XX đã thấy đèn ông sao. 

Đầu thế kỷ XX, hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu sang Việt Nam thường được bao bọc bởi sắt tây để tránh han rỉ vì vận chuyển bằng tàu biển. Khi người ta dỡ hàng thì thợ phố Hàng Thiếc mua lại chế ra nhiều thứ như: đèn dầu, phễu, ô doa tưới rau và các loại đồ chơi Trung thu. Cái khéo léo của người thợ là chỉ với cái kéo cắt sắt và mỏ hàn bằng thiếc, họ đã sáng tạo ra những “con giống” đặt trên các bánh xe và nhờ những liên kết khéo léo của các tay đòn bằng dây thép cứng mà nó cử động được như con thỏ đánh trống hay con bướm đập cánh; lại có cả xe kéo, xe ô tô rồi những đồ chơi thời thượng là những chiếc tàu bay bên cạnh cái xe kéo cũng mới có từ khi người Pháp chiếm Hà Nội.

Trong các loại đồ chơi làm bằng sắt tây còn có Hai Bà Trưng cưỡi voi sắt, tiến sĩ vinh quy bái tổ, con lân, con phượng, Tôn Ngộ Không và rất nhiều thứ khác. Nhưng gây hứng thú nhất cho lũ trẻ chính là những chiếc tàu thủy làm bằng sắt tây bên trong có phao dầu, khi đốt dầu, khí nóng thổi mạnh vào nước kêu “pành-pạch” đẩy con tàu về phía trước. Trẻ mua về mang ra hồ Gươm cho chạy, có bé cẩn thận sợ mất cho tàu vào chậu nước.

Lũ trẻ năng động thì thích ở ngoài đường với cái đầu lân, đầu sư tử bồi bằng giấy. Chúng hợp thành những đoàn có trống, xèng xèng (chập chõa) và thế nào cũng có một chú phỗng (ông Địa) múa may làm vui. Cho đến trước năm 1954, vào Trung thu vẫn có các đoàn múa lân của các phường gồm toàn trẻ con đi các phố múa trước các cửa hàng và bao giờ chủ nhà cho tiền chúng mới kéo nhau đi nhà khác.

Cuối cùng là phút chờ đợi nhất, trong sự ấm cúng của gia đình xoay quanh nơi bày cỗ. Những món đồ ăn và đồ chơi được bày biện trong nhà hay ngoài trời phô bày sự chăm sóc của gia đình với con trẻ trong ngày tết được chúng chờ đợi nhất trong năm, lại vào lúc tiết trời mua thu đẹp nhất với gió mát trăng trong. Tết Trung thu ở Hà Nội xưa kia quan trọng nhất vẫn là mâm cỗ trông trăng, bắt đầu được bày từ chiều hôm rằm.

Mâm cỗ trông trăng với nhiều thứ bánh trái, hoa quả bao giờ cũng được bày trước cửa nhà. Và cả nhà từ ông bà, cha mẹ đến con cái, cháu chắt quây quần phá cỗ. Sau màn phá cỗ và cùng nhau thưởng thức hương vị các loại bánh trái, thì không chỉ đám trẻ con trong nhà, mà cả người lớn cũng ham vui, nhập vào đám rước đèn chơi cho đến khuya mới giải tán về ngủ.

Tết Trung thu ở Hà Nội xưa kia còn có nhiều phong tục như thi đèn; thi cỗ, thi múa sư tử, với đủ loại thanh la, não bạt, đèn màu, cờ ngũ sắc, người cầm côn hộ vệ đầu sư tử. Lại có thi hát trống quân, vừa hát vừa đánh nhịp vào một sợi dây căng trên một chiếc thùng rỗng, tiếng kêu “thùng thình” đặc trưng của tiếng trống mùa Trung thu. 

Ngày nay, những phong tục này đã bị mai một và Trung thu đã bị thương mại hóa quá mức, khiến không còn nhiều người hiểu về ý nghĩa của Tết Trung thu mà chỉ coi đó là một dịp để biếu xén hay đơn thuần chỉ là một dịp vui cho trẻ.