Tết như là cổ tích

ANTD.VN - Ngày Xuân vốn dĩ là ngày khởi tạo của những điềm lành. Tết nhất càng lúc càng no hơn, càng ấm hơn. Cho dù phong vị Tết bây giờ đã không hẳn giống xưa nhưng về đại thể vẫn giữ được những nét đẹp cũ. Và không hiểu sao, khi nhớ về những cái Tết chưa xa, thỉnh thoảng ký ức lại như lạc vào chuyện hoang đường cổ tích. 

Tranh Lê Thiết Cương

Hà Nội lúc ấy còn thưa người, hiếm hoi ô tô, đã lác đác xe máy và thanh nhã dịu dàng ngập tràn xe đạp. Ở mọi góc phố, tuyệt hiếm những khu chung cư thô lỗ vô cảm cao tầng.

Thảng nếu có, như khu Kim Liên Trung Tự chẳng hạn, thì nó cũng chỉ cao vừa đủ để cho một chàng trai đang yêu đứng dưới lòng đường, vọng lên những lời tình tứ cho một cô bé dối cha dối mẹ đang giả vờ tưới hoa ở tầng thượng.

Thời ấy, những người chân thành yêu nhau thường bẽn lẽn, Tết chính là một dịp bằng vàng để cho bọn họ liều lĩnh hẹn hò. Tất nhiên, hầu hết những cuộc hẹn là loay hoay khổ nhọc, bởi chuẩn bị Tết với từng nhà, không cứ quan hay dân, luôn là sự lo toan tuyệt vời vất vả.

Vì thế, những thiếu nữ chưa chồng ở dịp Tết của thời đấy bận lắm, không nhàn cư vi bất thiện như đám con gái tóc xanh tóc đỏ của Tết hôm nay. Biết người yêu đang ngong ngóng thập thò chờ ở cột điện chỗ ngã tư đầu phố với lời hẹn là hai đứa sẽ đi mua hoa, nhưng phải rửa cho xong rổ lá dong để gói bánh chưng đã. Nhà có túng thì cũng phải gói lấy vài đôi bánh, rồi đem ra tổ phục vụ tiểu khu (một loại hình “căng tin” chỉ tồn tại trong thời bao cấp) nhờ luộc. “Mẹ ơi, xong hết rồi, con đi mua luôn cành đào nhé”.

Bà mẹ nhìn cái vẻ vừa hấp tấp vừa kỹ càng trang điểm của con gái thì thừa biết, có một thời chính bà cũng vậy, bèn mắng yêu: “Bố cô, đi chợ hoa thì cứ mua hoa, nhớ là về sớm. Còn mua đào thì cô không đến lượt”. Thiếu nữ đang lần đầu yêu cười trừ nhớ ra, mua đào là đặc quyền của những ông bố. Bởi đám cao bồi già thị dân, luôn mặc định việc sửa soạn bàn thờ tổ tiên và mua cành đào chơi Tết là nghi lễ thiêng liêng. Tất tật những sự vụ khác kiểu như cỗ bàn, lau dọn nhà cửa… là chuyện lụn vụn của đám đàn bà.

Thường thì họ rủ thêm một hay hai tay bạn thân, đa phần là những trung niên khó đoán tuổi, cho dù tóc đã bạc tới sáu bảy phần. Bọn họ thong thả mặc cái “ghi lê” len ra ngoài sơ mi, khoác áo vét vào, đội mũ phớt vào, có tay sành điệu cầm cả “can”, mồm ngậm “píp”. Nhìn những ông bố cao bồi có tuổi kiêu bạc, thanh thản khệnh khạng đi ngắm hoa chọn đào trong chiều mưa phùn cuối Chạp giăng mịn rêu phong phố cổ mới thấy Hà Nội tinh tế đẹp đến nao lòng.

Và một trong vài cái thú chơi Tết đẹp nhất ở hồi ấy là tục khai bút, giờ đây đã quá hiếm hoi. Cái nhã hứng này thực ra cũng có từ rất lâu rồi. Học giả Phan Kế Bính viết trong cuốn “Việt Nam phong tục”: “Mùng hai Tết Nguyên đán những nhà buôn thấy hợp ngày thì mở hàng. Kẻ sĩ thường thường thì làm lễ khai bút”.

Bởi tượng của mùa Xuân là quẻ Địa Thiên Thái, khí Dương trong trắng mới sinh, tinh hoa Trời Đất bắt đầu tụ, vung bút đón lấy cái khí thiêng trong lành đó quả là một phúc phận.

Tất nhiên, khai bút không phải là thao tác độc quyền của kẻ sĩ, nhưng riêng với văn nhân thường nghĩ mình hữu tài hữu tự thì lấy đó làm trân trọng lắm. Bây giờ kẻ sĩ làm thơ viết văn vào dịp Tết đương nhiên có khác.

Mùa Xuân tươi tốt làm lộc văn đâm cành trổ nhánh. Bình nhật viết vài dòng là khó, mới ngòn ngọt rét mùi Tết, khẽ vung tay đã trôi ra dăm tạp văn lẫn đôi ba truyện ngắn. Biết sao được, chữ là thứ dư dật sẵn có trong mình nên kẻ sĩ hay hoang. Mà nghĩ cho cùng, hoang chữ ung dung hơn hoang bạc.

Một thú vui Xuân đáng kể nữa là được thong thả nhâm nhi ngồi uống rượu. Tết ở Việt Nam là khoảng thời gian phóng khoáng trôi chậm nhất thế giới, và Hà Nội là vô địch. Có được sự giảm tốc đáng yêu đấy là nhờ những bữa cỗ tràn ngập đủ kiểu người thích uống. Nào nam phụ lão ấu, nào rể thảo dâu hiền. Rượu mạnh thì có “Lúa Mới”, rượu nhẹ thì có “Mơ” có “Chanh”, nếu là “Thanh Mai” thì sang quá. Tất tật đều được tần tảo xếp hàng mậu dịch mua bằng “bìa” Tết.

Chiều muộn giao thừa thì uống tất niên, trưa sớm mùng một thì uống khai niên. Bữa tối mùng hai bạn mời, bữa sáng mùng ba mời bạn. Tết mà, phải dành mọi thứ tốt đẹp nhất cho người thân. Nhiều phố cổ như đứng yên trong màn mưa phùn luênh loang mùi men bàng bạc ấm nồng tửu khí, ai ai mặt cũng náo nức đào hoa tương ánh hồng.

Tất cả thăng hoa thành một vòng tròn phê phê lừ đừ quay dìu dịu. Ngày Tết ngày nhất đi đâu mà vội. Vì thế lịch xuất hành chúc Tết của đa số đàn ông hoặc ham uống hoặc cả nể thường đứt đoạn. Tất nhiên, vợ con khó tính có thể cáu, người yêu quen “chảnh” có thể hờn. Có điều ngày Tết là ngày của cao cả vị tha, chẳng ai nỡ làm mất vui người khác.

Có lẽ vì thế mà có những ông mang vẻ đứng đắn, vừa sáng ra thì ân cần dự định sẽ đến nhà ông này chú kia, còn chiều thì sẽ đi cùng vợ con tới thăm cô này dì nọ. Tết nhất kiêng gõ cửa nhà người ta sớm, nên tới nhà đầu tiên cũng chừng hơn mười giờ. Chủ nhà cũng com lê com táo chuẩn bị đi, gặp khách ngay cửa thì kêu may quá, hớn hở quay vào bầy đôi chén, gọi là tí ti chúc nhau sức khỏe.

Chén đầu thì cắt khoanh giò, chén sau hô con gái lớn múc thêm bát măng. Khách tỏ ra lịch sự, thôi nốt chén này nhé, còn phải sang bên nhà ông cậu ruột ở Hàng Trống. Chủ khe khẽ nài, từ đây sang đấy có bao xa, tôi cũng phải đi chúc Tết ông nhạc tận dưới Giảng Võ.

Chợt có khách đến thêm mà lại là bạn chung, lại là người nức tiếng có tửu lượng hào sảng. Chủ nhà phi như bay vào buồng trong, nơi giấu một chai Bắc Ninh trong veo “độc nhất vô nhị”. Hiền thê đang uốn éo trước gương là lượt quần áo xong rồi, hốt hoảng nhẹ nhàng nhắc, “ông bà ngoại chờ cơm bố đấy”.

Chủ nhà nghiêm mặt toát ra vẻ chính khí kinh người, thì Tết bạn bè ngồi với nhau một lúc. Và một “lúc” của Tết luôn dài bằng thế kỷ. Chênh chếch quá ngọ, mâm uống đã phình ra hơn sáu. Mà vui nhất là có cả bố vợ của chủ nhà. Biết tính la cà của thằng con rể, nên đầu giờ chiều chủ động cụ tới, mừng tuổi cho mấy đứa cháu ngoại. Thế là ngồi cùng mâm, thế là ngồi một “lúc”.

Đám đàn bà trẻ con hồi ấy còn giữ được cốt cách phương Đông, nể cha chiều chồng, đành đem bộ “tú lơ khơ” hay “tam cúc” ra chơi ăn tiền mừng tuổi. Chiều xuân sầm sậm mưa, thời gian lững lờ hạnh phúc trôi, mim mỉm cười ủng hộ.

Thế nhưng hoang đường đáng nể vẫn là đám văn nghệ, nhất là mấy ông làm thơ chưa thành. Họ mới đích thực thi sĩ. Tết đến nhà họ chơi hay họ đến chơi nhà, đại để đều là một ngày vui thảm họa. Họ sẽ uống qua trưa qua chiều, kệ cho khách hay chủ nhà ruột gan như lửa đốt.

Và đã đến chai thứ hai thì đừng nói chuyện đi đâu, trừ phi bê cả cái bàn đang dở sang nhà khác uống tiếp. Với họ, phẩm chất cao quý nhất của những ngày Tết là sự thong thả. Làm sao có thứ người tầm thường tới mức, người ta đang cao hứng đọc thơ vừa khai bút lại có thể cáo lỗi xin về với vợ con. 

Kẻ viết bài này có một người bạn yêu cổ thi và quý rượu hơn tính mạng. Tửu lượng của ông vô bờ, kiến thức thâm tàng vô lượng. Cứ mỗi khi Tết đến ông lại tự chế một bình “Túy nhật tửu”. Rượu đó thơm ngát uống một chén say đúng một ngày.

Tết cách đây chừng mấy chục năm, tham lam uống ba chén, bò về nhà say ngủ suốt cả ba ngày Tết. Mở mắt dậy hoang mang thấy mình như khác. Kể từ đó loay hoay tập tọng viết văn, sâu xa đến giờ không biết đấy là ý mình hay ý rượu.

Hình như cái Tết cổ tích năm ấy cũng là Tết con Gà.