Tán láo vỉa hè

ANTD.VN - Tương truyền thời mạt Tấn, thi hào Đào Uyên Minh (365-427) mỏi chán hoạn lộ, nhất là chán cả cái kiểu sinh hoạt phù phiếm nơi đô hội nên tự cáo quan bỏ về quê thanh bần sống đời cày cấy. 

Bây giờ mạng xã hội đang thời thượng, những hình ảnh ngồi tán gẫu ở vỉa hè giờ cũng không còn nhiều như trước

Thơ điền viên của ông tuyệt hay “Bầu xuân vui chuốc chén. Hái mớ rau vườn nhà. Mưa phùn từ đông đến. Đem theo làn gió hòa”, nhưng nổi tiếng nhất là bài “Quy khứ lai từ” mà phóng khoáng dịch theo kiểu hậu hiện đại sẽ là “Té về đi thôi” thanh thoát đau đớn giải thích cái việc mình từ quan. 

Ông Đào là người nhân cách rất cao, kiến văn rất rộng, nhưng có một sở thích tương đối đặc biệt, đấy là rất thích dông dài ngồi tán gẫu. Nhà ông thậm nghèo, bóng cây che sân đất, ông thường rủ đám nông phu tới uống rượu suông rồi nói láo. Tàn bữa, những nông phu kia mệt đừ bẩm với ông rằng chẳng có chuyện gì để nói nữa, ông cười dịu dàng bảo, đã là chuyện gẫu thì cứ bịa ra mà nói.

Xưa cũng như nay, dân ở phố phóng khoáng rộng tính, khi có chút dư dật nhàn tản, đa phần đều thích tán láo. Từ điển tiếng Việt giải nghĩa tán dóc tán gẫu tán phét đại loại là “Nói toàn những chuyện không đâu vào đâu, tào lao cho vui”. Tán láo không thấy được kê cứu, nhưng chắc cũng loanh quanh trong cái trường nghĩa ấy thôi. “Chuyện vỉa hè” mang nghĩa không tích cực thì rõ rồi, nhưng không hẳn nó đã hoàn toàn là tiêu cực.

Ví như trong trường hợp không muốn định danh, nhưng lại càng không muốn dung tục nặc danh thì dân ở phố hay dùng nó. Ví dụ dễ thấy là, một ông phó giáo sư vừa được phong, chỉ vì bà bán hàng chè chén có lấn một cái ghế nhỏ sang cửa nhà ông thì ông mất bình tĩnh đánh rơi cao đạo, xông ra cãi nhau. Ông tổ trưởng dân phố, vốn dĩ điềm đạm lại can: “Xin ông nhẹ lời, dù sao cũng là tình hàng xóm. Vỉa hè vẫn nói ông là người tử tế mà”. Nếu ông phó giáo sư đã ở phố lâu, thì ông ta sẽ tự hiểu.

Cái hồi bao cấp, tuyệt chưa có facebook, đám thị dân thích tán láo thường ngồi xung quanh hoặc mâm rượu hoặc bàn bia ngoài vỉa hè, quang cảnh ngổn ngang dăm bảy bằng hữu nửa thân nửa sơ. Câu chuyện lúc căng lúc chùng, tửu nhập ngôn xuất, chủ đề lúc thấp lúc cao hầu hết là vớ vẩn là linh tinh là những chuyện giải trí cợt cười. Cuộc thi hát bolero của truyền hình năm nay sao mà nhố nhăng, thầy trò tay ca sĩ đấy đúng là đã phá nát cả một truyền thống. Và ở những chuyện linh tinh ấy thì chẳng có gì hay bằng chuyện tục.

Và chuyện tục hay nhất thì chẳng có gì hay bằng chuyện cái nọ xọ cái kia. Ví như mới hôm qua đi hát karaoke, gặp một em “châm tửu” vừa xinh vừa ngoan, chắc là “xử nữ”. Ông bạn vừa quen ở Tây lâu năm chợt hỏi, xử nữ liệu có phải là con gái đã qua sử dụng, Anh ngữ tạm dịch là used-girl. Cả bọn đang uống phì cười phun cả bia. “Xử nữ” là thuật ngữ tiếng Tàu trong chuyện chưởng chỉ người con gái vẫn còn trinh nguyên.

Ở chỗ phức tạp mà gặp được xử nữ là hiếm lắm, nó hiếm y như đã là hoa hậu mà bỗng dưng khiêm nhường chịu đi lấy chồng nghèo. Bữa rượu cứ thế mà trôi, gầy cuộc lúc đầu Ngọ lảo đảo đứng lên đã cuối Dậu. Bàng hoàng bi tráng thở dài cảm thán “Đúng là thời gian như nước”.

Đàn ông lúc đang hăng say tán láo thì thường có hai điều rất sợ. Một là sợ những người nghiêm trọng thật thà luôn mồm khen ngợi vợ mình rồi kể xấu người tình cũ. Hai là có người cùng bàn, nổi hứng mời thêm khách nữ. Có phụ nữ xuất hiện câu chuyện bỗng thăng hoa vĩ mô những là chia sẻ nạn đói Bắc Phi, những là cải cách hành chính đại học, những là bức xúc đào tạo tiến sĩ. Rồi hơi hơi đỏ mặt khoe khéo tài năng của mình, tài sản của mình, phẩm hạnh của mình. Chuyện tán láo đang có nhí nhố đạo đức thật chợt rưng rưng chuyển sang trong trắng nồng nặc mùi đạo đức giả.

Bây giờ mạng xã hội đang thời thượng, hình như nhu cầu tán láo vỉa hè của đám đàn ông cũng vợi bớt. Viết một cái status cho dù ngô nghê nhưng có lẽ vẫn sâu sắc sang hơn. Thực ra cũng đã từ lâu lắm rồi, một vài đàn ông khác thường kiểu như ông Đào, phát chán không đi tụ bạ tán phét nữa mà âm thầm ngồi một mình tự cô độc luyên thuyên. Lảm nhảm xót xa mãi thì lấy những lời không đâu vào đâu đấy vất vả chép lại thành chữ. Kiệt tác “Liêu trai chí dị” được Bồ Tùng Linh (1640-1715), một người Tàu ham tán láo sáng tác trong hoàn cảnh như thế. Nhà thơ cùng thời nổi tiếng Vương Sĩ Trinh nghẹn ngào đề từ cho kiệt tác nói phét thành thần ấy như sau.

Nói láo mà chơi nghe láo chơi.

Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi.

Chuyện đời hẳn chán không buồn nhắc.

Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời.

(Bản dịch của Tản Đà)

Nghe vỉa hè đồn rằng, kể từ sau khi có Liêu Trai, nhiều gã trai phố lúc ngồi tán láo, chỉ toàn bàn về chuyện ma nữ.