Tâm sự về nắm đấm

ANTD.VN - LTS: Có vẻ như chúng ta đang chứng kiến không ít hành vi bạo lực diễn ra thường ngày, khiến những người tử tế phẫn nộ, bức xúc! Không ít người hoang mang hỏi, người Việt chúng ta trở nên xấu xí từ khi nào? Để trả lời cho câu hỏi trên, Báo ANTĐ trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết của nhà văn Đỗ Phấn.

Ngày chiến tranh, đi khắp nơi trên miền Bắc đều có những tranh cổ động cỡ lớn treo ở các thành phố, thị xã và nhà máy, công trường. Đặc điểm chung của thể loại tranh này thường là vẽ các nhân vật “công, nông, binh, trí” với cơ thể khoẻ mạnh, ánh mắt tự tin, đôi khi căm hờn. Và không thể thiếu một nhân vật nào đó hoặc tất cả cùng giơ cao nắm đấm thể hiện quyết tâm thực hiện khẩu hiệu ghi bên dưới bức tranh. Thế nhưng thật ngạc nhiên, đó lại là thời kỳ hết sức yên bình trong đời sống thường nhật. Hiếm hoi lắm mới gặp một vụ đánh nhau.

Ở trên tàu xe người ta nhường ghế cho cụ già, trẻ nhỏ. Ngoài đường phố ngăn nắp trật tự với lèo tèo vài chiếc xe đạp chậm rãi. Khi muốn rẽ người ta đều giơ tay xin đường. Xe máy và kể cả vài loại ô tô cũng xin đường như thế. Ngoài đường thỉnh thoảng có đám trẻ đánh nhau tay không. Người lớn vào can là phải ngừng ngay lập tức. Trong các gia đình rất hiếm khi thấy to tiếng cãi vã. Đánh đập dạy dỗ trẻ con chủ yếu dùng cán chổi phất trần có tính răn đe là chính. Vài đứa dạn đòn cũng chẳng buồn khóc.

Tâm sự về nắm đấm ảnh 2Chỉ cần một va chạm nhỏ khi tham gia giao thông, có người chọn cách lao vào nhau ẩu đả

Cuối thập kỷ 1960 khi ngừng sơ tán đợt thứ nhất, người Hà Nội kéo nhau về chật phố. Đó là lúc bắt đầu sinh ra những tệ nạn, nhiều nhất là nạn móc túi trên tàu xe hoặc chợ búa, cửa hàng thực phẩm. Vẫn còn nếp sinh hoạt cũ, người dân phát hiện đám móc túi này thường hô hoán đuổi bắt và gần như lần nào cũng tóm gọn. Kẻ cắp thường nhận một trận đòn nhừ tử nhưng chỉ bằng nắm đấm tay không. Vài cái tát tai chẳng thấm tháp gì. Trộm đến chiếc xe đạp thì bắt đầu to chuyện.

Ngoài trận đòn phố ra có đứa ngồi tù đến gần chục năm tùy theo giá trị chiếc xe. Hình ảnh bắt trộm này còn phổ biến ở phố cho đến khoảng cuối thập kỷ 1970 mới hết. Bà con được vận động giáo dục một phần nên kẻ trộm cũng ít đi. Cái đau đớn của trận đòn phố hình như không thấm thía bằng nỗi nhục bị dong đi ngoài đường đến đồn công an. Những người đi tù về cũng phải rất lâu mới được hàng phố thôi nhìn bằng con mắt cảnh giác.

Thành phố tưởng như yên bình mãi như thế hoặc hơn lên mà không phải. Trên phố không còn những bức tranh cổ động giơ nắm đấm lên nữa nhưng nắm đấm thật sự lại nhiều lên gấp bội. Buồn một nỗi nếu mang nắm đấm đi thi đấu quốc tế lại chưa bao giờ ăn giải gì.

Nắm đấm ở trong nhà của các bà vợ, ông chồng có thể vung lên bất cứ lúc nào để giành phần thắng. Nắm đấm ở các hàng quán bình dân và cao cấp vung lên đôi khi chỉ vì một cốc bia mời mà không uống. Nắm đấm của người tham gia giao thông mỗi khi va quệt xe ngoài đường. Không quệt xe nhưng cũng có ông giáo sư nổi máu hơn thua vác cả bê tông đập kính chiếc xe đỗ chắn cửa. Khủng khiếp nhất là nắm đấm đã bắt đầu có mặt ở những nơi thâm nghiêm công sở. Hơn thế nữa là súng ống dao rựa cũng tham gia vào ăn thua đủ với đồng nghiệp.

Tâm sự về nắm đấm ảnh 3Chỉ là va quệt nhẹ, nhưng người thanh niên ở Biên Hòa, Đồng Nai đã dùng mũ bảo hiểm, đập tới tấp vào đầu cô gái

Đọc trên báo hàng ngày thì thấy nắm đấm đôi khi hướng cả vào những người đáng ra là ân nhân của mình. Chị công nhân môi trường đêm hôm quét đường cũng trở thành nạn nhân của những kẻ côn đồ bày bừa hàng quán ra vỉa hè. Cán bộ Sở Tài nguyên-Môi trường ở Đồng Nai tỉ thí với nhau chỉ vì tiếp khách thiếu nhiệt tình. Kết quả ngoài sứt đầu mẻ tai, mỗi bác còn nhận thêm án kỷ luật cách chức. Kỷ luật như thế cũng chưa triệt để lắm. Chức vụ càng nhỏ thì nguy cơ mâu thuẫn càng cao bởi hay phải tiếp khách.

Không kể những vụ án man rợ có chủ đích và âm mưu từ trước, cơn giận dữ bộc phát của nhiều người là việc rất khó để tìm ra căn nguyên. Cán bộ Sở Ngoại vụ hành hung vị tiến sĩ già đáng tuổi ông mình chỉ vì vợ đi xe máy vô ý va vào chân ông cụ. Chỉ vì một người chở nước gạo qua nhà bốc mùi cũng gây nên một vụ án kinh hoàng. Bốn người bị tạt a xít bỏng nhiều phần trăm cơ thể. Mâu thuẫn gia đình con cầm điếu cày đánh chết bố là chuyện vượt qua mọi ngưỡng của sự tưởng tượng. Chồng giết vợ ngay trước mặt hai con thể hiện mức độ tàn nhẫn mất nhân tính đến cùng cực.

Không chỉ người lớn mà ngay trẻ con cũng đã bắt đầu tập nhiễm thói côn đồ. Cũng không chỉ trẻ trai mà còn có cả trẻ gái. Chúng tụ tập đánh bạn, xé quần áo chỉ vì vài lời nhận xét trên facebook. Trẻ trai vị thành niên gây án man rợ cũng chẳng thiếu gì. Giết bạn chỉ để lấy chiếc điện thoại. Đã có nhiều nhà khoa học thử tìm nguyên nhân dẫn đến những cơn cuồng nộ phi nhân tính ấy mà kết quả hầu như chưa có gì. Tìm quy luật của một thứ chưa có tiền lệ chẳng dễ chút nào. Chỉ đến lúc nó xảy ra rồi mới biết. 

Có nên nói rằng nền giáo dục gia đình của chúng ta đang thất bại? Mọi cơn cuồng nộ bất chợt ngoài đường hình như đều có xuất phát điểm là gia đình. Những gia đình chăm chút dạy dỗ con cháu vào khuôn phép ngày một ít đi. Dạy chúng bon chen từ học hành cho đến sinh hoạt nhiều lên. Vài gia đình còn cố công dạy cho những đứa trẻ nhà mình trở thành phi thường ngay từ nhỏ. Lũ trẻ ít nhất vài thế hệ vừa rồi 8x, 9x, 10x sống trong gia đình hẳn là phải được chứng kiến nhiều lần bố mẹ chúng bỏ tiền vào phong bì khi đến trường học, bệnh viện…

Việc nhỏ ấy thôi đã sớm hình thành trong chúng ý thức của việc bán mua, đổi chác, chợ búa. Ai dám đảm bảo chúng lớn lên không dùng tiền để mua chức, chạy tội? Tiếc thay, những gia đình dạy dỗ con cháu kiểu ấy bây giờ là đa số. Họ cũng chỉ là nạn nhân của một xã hội thiếu quản lý nghiêm khắc.

Có gia đình nào đặt hẳn ra mục đích dạy lũ trẻ nhà mình trở thành người bình thường không? Sợ rằng hiếm như người trúng số Vietlott vậy!

Tháng 7-2017