Số phận thăng trầm của tượng Nữ thần Tự do ở Hà Nội

ANTD.VN - Trước khi Hà Nội mở thêm nhiều con đường lớn thì có lẽ không có nút giao thông nào trong nội thành phức tạp hơn ngã tư Cửa Nam. Với một cậu học trò miền núi lần đầu về Hà Nội, đứng trước cái mê cung giao thông đó, tôi thấy thật bối rối trước một Hà Nội quá rộng lớn và nhộn nhịp. Nhưng không chỉ là giao điểm của nhiều tuyến đường, Cửa Nam có một lịch sử lâu đời và những câu chuyện ẩn chứa ký ức của một thời.

Số phận thăng trầm của tượng Nữ thần Tự do ở Hà Nội ảnh 1Tượng A di đà ở chùa Ngũ Xã (Hà Nội) có một phần tượng Nữ thần Tự do bên trong

Cửa Nam: Cửa chính của kinh thành Thăng Long

Bây giờ thì Hà Nội có rất nhiều nút giao thông lớn và tôi đã quen thuộc với nó chứ khoảng vài chục năm về trước, khi còn là cậu học trò đi xe đạp đến đúng cái điểm giao này, lòng phân vân quá đỗi. Chính cái ngã tư Cửa Nam cho tôi biết đường sá Hà Nội chằng chịt và phức tạp nhường nào, người xe lúc nào cũng đông như hội và chỉ cần sai một nhịp là có thể lạc đường.

Khu vực Cửa Nam xa xưa là một trong những cửa chính của kinh thành Thăng Long và được nhắc đến trong các sách sử rất sớm. Đây chính là đầu mối giao thông quan trọng khi các tuyến đường từ Sơn Tây về, từ Kinh Bắc sang hay từ Sơn Nam lên đều quy tụ nơi đây. Có thể nói rằng, có hai cửa thành của kinh thành xưa quan trọng và ảnh hưởng bậc nhất đến khu vực xung quanh là Cửa Đông và Cửa Nam. Khu vực xung quanh Cửa Nam thì phồn vinh sớm hơn nhưng sau này thì suy vi ít nhiều và nhường vị trí quan trọng hơn cho Cửa Đông ở thời kỳ cận đại, khi người Pháp đặt sự chiếm đóng ở Hà Nội.

Số phận thăng trầm của tượng Nữ thần Tự do ở Hà Nội ảnh 2Tượng Nữ thần Tự do thời điểm được đặt tại Vườn hoa Cửa Nam

Khu vực Cửa Nam khá rộng, phố Cửa Nam bây giờ chỉ là một cái tên đại diện, xung quanh khu vực này có phố Đình Ngang, Hàng Bông, Tràng Thi, Thợ Nhuộm, chợ và cả một vườn hoa xưa khá lớn giờ bị thu hẹp dần và có tên mới là Bách Việt.

Ở trung tâm khu vực này là phố Đình Ngang ngày xưa có một cái đình, đình Quảng Văn là nơi các triều đại phong kiến dùng làm chỗ để dán các cáo thị, thông báo các chính sách của triều đình cho dân chúng được biết. Cao Bá Quát đã từng có một tuổi thơ ở khu vực này. Nhà thơ lừng danh một thời với giai thoại chuyện luyện chữ đẹp và sau trở thành một thủ lĩnh quân khởi nghĩa đã được Nguyễn Tuân lấy làm nguyên mẫu viết thiên truyện ngắn “Chữ người tử tù” lừng danh.

Số phận thăng trầm của tượng Nữ thần Tự do ở Hà Nội ảnh 3

Đây là đoạn Cao Bá Quát miêu tả về Đình Ngang ngày xưa: “Lúc đầu cha tôi dọn đến ở tại Đình Ngang phía nam thành. Ngõ thì hẹp, ở giữa nơi vắng vẻ, nhà lại chật chội. Phía trước liền với doanh trại quân đội, phía sau san sát với vườn nhà khác, mọi người sống hoà hợp không phân biệt địa giới, quên cả cảnh nghèo nàn…”. Thời tuổi thơ của Cao Bá Quát đã quá xa, bây giờ Đình Ngang là một phố ngắn nhưng nhộn nhịp và được biết đến với nhiều nhà hàng nổi tiếng.

Lịch sử của pho tượng đồng nổi tiếng ở chùa Ngũ Xã

Ở khu vực Cửa Nam xưa còn có một bức tượng mà sự thăng trầm của nó gần như song hành với một phần lịch sử Hà Nội. Đó là tượng Nữ thần Tự do mà dân gian quen gọi là Tượng bà đầm xòe. Và câu chuyện về nữ thần biểu tượng cho nước Mỹ chứa đựng những chi tiết rất thú vị.

Tượng Nữ thần Tự do được kiến trúc sư người Pháp Frédéric Bartholdi thiết kế và được Chính phủ Pháp tặng cho nước Mỹ. Tượng được dựng trên đảo Liberty, cảng New York. Tượng nguyên bản cao 46m, còn phiên bản tượng đặt ở Vườn hoa Cửa Nam cao khoảng 2,85m, làm bằng đồng xám. Điều đáng chú ý là phiên bản tượng Nữ thần Tự do xuất hiện ở Hà Nội rất sớm, khi tượng chính được khánh thành ở cảng New York năm 1886 thì năm 1887, phiên bản tượng đã có mặt ở Hà Nội và vị trí đặt tượng bị thay đổi nhiều lần.

Người Pháp đưa phiên bản tượng Nữ thần Tự do sang Đông Dương nhằm mục đích triển lãm ở Hội chợ Đấu Xảo ở Hà Nội, sau triển lãm thì để lại. Hội Tam điểm Bắc kỳ đã từng mượn tượng để đặt ở trụ sở của mình ở phố Mã Mây một thời gian để khuếch trương thanh thế. Sau tượng chính thức được đặt ở vị trí Vườn hoa Chi Lăng bây giờ, ngay sát hồ Gươm. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, đến năm 1890, người Pháp quyết định dựng tượng Paul Bert, người từng làm Thống sứ An Nam và Bắc Kỳ để thay thế và tượng Nữ thần Tự do được di chuyển lên đỉnh tháp Rùa.

Vị nữ thần của thần thoại Hy Lạp nằm trên đỉnh tháp Rùa! Ngay từ thời đó đã là một điều bất bình thường khó chấp nhận. Tranh luận nổ ra gay gắt và cuối cùng tượng Nữ thần Tự do được đặt ở Vườn hoa Cửa Nam từ năm 1896.

Nhưng lịch sử sang trang và tượng cũng chịu thăng trầm. Năm 1945, ông Trần Văn Lai khi đó là Đốc lý Hà Nội đã ra lệnh giật đổ tượng Bà đầm xòe và một số tượng khác của người Pháp vì cho đó là tàn tích của chế độ thực dân. Nhưng không phải vì thế mà số phận tượng Nữ thần Tự do đã an bài. Gần 10 năm sau, năm 1952 dân làng Ngũ Xã đúc tượng A di đà và không tìm đủ vật liệu nên đã mua lại tượng Nữ thần Tự do và các tượng thời Pháp khác đúc thành pho tượng đồng lớn nhất miền Bắc thời điểm đó. Như vậy là kết thúc một hành trình và bây giờ, trong pho tượng đồng nổi tiếng của văn hóa phương Đông đặt ở chùa Ngũ Xã có một phần tượng của văn hóa phương Tây ở trong. Câu chuyện tự thân nó đã toát lên nhiều tầng ý nghĩa đáng suy ngẫm.

Số phận thăng trầm của tượng Nữ thần Tự do ở Hà Nội ảnh 4Giai đoạn những năm 1890, tượng Nữ thần Tự do được di chuyển lên đỉnh tháp Rùa

Tiếng vang vụ đầu độc binh lính thực dân Pháp 

Phố Cửa Nam còn gắn với một sự kiện quan trọng liên quan tới lịch sử Hà Nội. Đó là vụ đầu độc năm 1908. Khi đó, ở hàng cơm của gia đình ông Sáu Tĩnh ở số nhà 20, một số nghĩa quân của cuộc khởi nghĩa Yên Thế và số binh lính Việt trong quân đội Pháp được giác ngộ đã họp bàn, dự định đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội. Cuộc đầu độc diễn ra không thành công vì bị bại lộ và chất độc quá yếu nhưng đã để lại tiếng vang lớn. Những người liên quan tới vụ đầu độc như Đội Bình, Đội Nhân, Đội Cốc… và cả gia đình ông Sáu Tĩnh đều bị xử tử.

Phố Cửa Nam và khu vực xung quanh giờ vẫn còn thấp thoáng những ngôi nhà có tuổi đời cả trăm năm nằm xen kẽ những ngôi nhà cao tầng hiện đại. Nhưng “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo” có còn được bao nhiêu và liệu còn có ai hoài nhớ về một thời xưa cũ.

Số phận thăng trầm của tượng Nữ thần Tự do ở Hà Nội ảnh 5Nhà văn Uông Triều