Sách giấy không thể suy tàn

ANTD.VN - Có một thời người ta lo lắng về sự cáo chung của sách giấy khi các phương tiện giải trí điện tử ra đời. Lúc đó, người ta không cần phải đến thư viện hay ra hiệu sách mà vẫn có thể tìm đọc được những tác phẩm lừng danh. Nhưng những dự đoán ấy liệu có chính xác?

1. Câu trả lời là “không”. Trải qua thời kì phát triển mạnh mẽ của các phương tiện điện tử, đọc sách trên máy tính, điện thoại và các thiết bị chuyên dùng thì sách giấy vẫn không mất đi. Ngược lại nó còn có những phục hồi đáng kể sau một thời gian bị suy yếu ít nhiều. Tôi sẽ nêu ra những lí do để sách giấy sẽ không bao giờ suy tàn dù văn minh con người có tiến xa đến mức  nào. Nếu có ngày diệt vong của sách giấy thì vẫn còn xa, khi tư duy và quan niệm của con người đã hoàn toàn thay đổi.

Thứ nhất, sách giấy là thứ hữu hình có thể cầm, nắm, sở hữu thực sự được. Lí do này có vẻ đơn giản, nhưng chính là yếu tố quan trọng nhất mà có thể khẳng định rằng nó gần như vĩnh cửu. Khi ai đó nói rằng mình đọc sách rất nhiều, mình có một kho sách lớn thì làm thế nào để họ chỉ ra đươc điều đó? Có lẽ cách hay nhất là trưng ra một thư viện hoặc một tủ sách cực kì lộng lẫy, hoành tráng trong nhà. Một thư viện hoặc một tủ sách lớn là thứ nhìn thấy được và rất có ý nghĩa, ít nhất là về mặt tinh thần. Có niềm vui nào sung sướng hơn dành cho những người ham đọc sách là được dạo chơi trong thư viện, hoặc ngắm nhìn những quyển sách quý trong giá sách cao chất ngất trong nhà mình rồi rút ra một quyển ưng ý và ngồi thư thái đọc.

Sách giấy không thể suy tàn ảnh 1

Một tủ sách trong nhà chính là thứ tài sản, vật trang trí sang trọng cho bất cứ người nào yêu tri thức và ham thích đọc. Bạn khoe có nhiều sách bằng cách đưa ra một chiếc máy tính hoặc một thiết bị đọc sách ư? Điều này có thể chấp nhận được, nhưng nó sẽ không bao giờ là một khoái cảm khi đó là những thứ không thể cầm nắm được. Có một kho sách trong máy tính cũng có nghĩa là... không có gì cả. Loài người luôn thích những thứ cụ thể, có thể cầm nắm, nhìn thấy trực tiếp. Sách giấy cho ta một quyền sở hữu thiêng liêng mà các loại sách điện tử không thể thỏa mãn được. Chính quyền được sở hữu một vật cụ thể mới khiến người ta yêu những của cải vật chất mình làm ra hoặc có được. Thế nên mới có câu chuyện những anh nhà giàu cất vàng trong két, rồi thỉnh thoảng lại bỏ ra sờ ngắm để thỏa mãn khoái cảm duy nhất là vàng đang ở trong tay mình. Sách cũng thế, một giá sách truyền thống bao giờ cũng mang một giá trị cụ thể hơn một chiếc máy tính hoặc thiết bị đọc sách mỏng mảnh.

Thứ hai, sách giấy là một tài sản có thật, thậm chí rất có giá trị. Những quyển sách giấy ngày càng đắt đỏ hơn, in bằng những loại giấy tốt, bìa đẹp nhưng không vì thế mà người ta ngừng mua nó. Ngay ở Việt Nam vẫn có những những nhóm người mê sách, coi sách là tài sản thực sự. Ở Sài Gòn trước những năm 1945 đã có nhà sách làm ra những bộ sách đặc biệt, in trên giấy thượng hạng, có đánh số, chữ kí tác giả để dành cho những người yêu sách, chơi sách. Hiện giờ, các nhà sách đình đám như Nhã Nam, Tao Đàn, Đông A... cũng đã đầu tư những phiên bản sách giấy còn tốt và đặc biệt hơn thế. Chúng luôn có giá cao gấp nhiều lần so với một phiên bản sách thông thường. Tuy đắt nhưng vẫn có nhiều người muốn sở hữu những bộ sách này, vì ngoài giá trị nội dung nó còn là một thứ đồ trang trí cao cấp trong nhà, một tài sản có giá trị.

2. Nếu ai sành sỏi về sách thì đều biết những quyển sách cũ hay và quý luôn có giá trên trời, thậm chí một cuốn sách bằng gia sản của cả một đời người. Cuốn sách đắt nhất có thể kể đến là bản thảo “Codex Leicester” của họa sĩ kiêm nhà bác học vĩ đại Leonardo da Vinci. Nó có giá đến hơn 30 triệu USD và được Bill Gates - cha đẻ của Microsoft mua từ năm 1994. Những cuốn sách có giá trị cực lớn có thể kể thêm là “First Folio” của William Shakespeare; “Hiến pháp Hoa Kỳ” của George Washington, “Chuyện kể ở Canterbury” của Geoffrey Chaucer; “Các loài chim Mỹ” của John James Audubon... Những cuốn sách này nếu quy ra tiền Việt chúng có giá trị đến hàng trăm tỉ đồng. Những cuốn sách cũ có liên quan tới Việt Nam cũng có giá trị rất lớn và quý hiếm ví như cuốn “Con rồng An Nam” của vua Bảo Đại; “Đại Nam quốc âm tự vị” của Huỳnh Tịnh Của; “Từ điển Việt - Bồ - La” của Alexandre de Rhodes, hay các phiên bản cổ của “Truyện Kiều”...

Sách giấy không thể suy tàn ảnh 2Những cuốn sách quý được bọc bìa da

Sách giấy có sự đặc biệt về hình thức mỹ thuật. Điều này thì chắc chắn những phiên bản sách điện tử không bao giờ có được. Một quyển sách giấy là công sức và trí tuệ của nhiều người, và nếu người ta làm nó thật tâm huyết thì sẽ có sức quyến rũ đặc biệt. Bạn đã bao giờ để ý đến chất lượng của giấy in sách chưa? Ngày xưa có những loại rất kém, chúng thường đen, mỏng, dễ ố. Giờ thì đa số giấy in sách giấy trắng hơn và được phân thành rất nhiều loại khác nhau: ngà, trơn láng, xốp, dai... mà mỗi khi lựa chọn, người làm sách đều có những tính toán riêng cho từng đối tượng độc giả hoặc cân đối giá thành. Lại có những chi tiết thiên về kĩ thuật cũng mang lại cho sách giấy những nét riêng biệt như phông chữ, sự co giãn dòng, cách đánh số trang và đặc biệt là bìa sách. Những người làm sách chuyên nghiệp thường làm bìa rất kĩ, chọn họa sĩ có uy tín, bìa sách phản ánh trúng nội dung, ấn tượng và hấp dẫn. Một cái bìa sách đẹp cũng góp phần làm nên thành công cho sách. Xưa kia ở châu Âu, người ta đóng bìa  bằng da thật. Đó là một thứ vật liệu rất xa xỉ. Hiện tại, chỉ những cuốn sách đặc biệt mới được đầu tư một cái bìa da thật hoặc bìa cứng thượng hạng. Cái kẹp sách (bookmark) cũng được đầu tư, phiên bản thường là bìa giấy, cao cấp có thể bằng da...

3. Sách giấy mang lại nhiều cảm xúc hơn mà dân nghiền sách thường rất thích thú. Mùi vị của giấy mới, những âm thanh sột soạt khi giở từng trang, những ghi chép bên lề hoặc gạch chân những đoạn thú vị. Thậm chí trong những quyển sách giấy người ta còn để lại những kí hiệu đầy bí hiểm. Có câu chuyện về một người cất giấu tài sản khổng lồ trong sách bằng cách viết lên từng trang kí hiệu mật mã két sắt ngân hàng. Một độc giả vào thư viện đọc và tình cờ tìm thấy dãy kí hiệu này. Cảm thấy đây là điều bất thường, vị độc giả đã tìm kiếm những quyển sách khác của cùng tác giả mà anh ta nghi ngờ người đọc trước đã cố tình lưu dấu. Sau khi có được tất cả các kí hiệu, vị độc giả tìm được ngân hàng. Tới đó, anh được biết người chủ tài khoản đã mất từ lâu, chiếc két còn nguyên và chưa có người thừa kế. Khi nhập mã số tìm thấy trong sách, chiếc két mở ra thì bên trong có một bức thư. Chủ tài khoản di chúc rằng, ai tìm được mã số bí mật trong những quyển sách mà anh ta để lại ký hiệu thì sẽ được hưởng toàn bộ gia tài. Và may mắn đã dành cho vị độc giả kiên nhẫn kia. Những câu chuyện tương tự không bao giờ xảy ra với sách điện tử hoặc phiên bản ebook. Sách giấy sở hữu những cảm xúc đặc biệt như đã nói trên. Nhiều người nói với tôi rằng, chính cái mùi của mực in, tiếng lật trang sột soạt, ngắm cái bìa sách với chữ kí của tác giả hay lời đề tặng của bạn bè, mà họ kiên quyết chọn sách giấy chứ không phải sách điện tử.

Khoa học đã chứng minh, đọc sách giấy khiến người ta ghi nhớ tốt hơn so với sách điện tử. Sách điện tử chỉ là một tệp tin mà người ta khó có những thao tác như đánh dấu, ghi chú hoặc làm một thứ gì đó mang tính cá nhân hoặc thú vui riêng lẻ. Khi đóng lại trang sách điện tử, người ta không có cảm giác được nghỉ ngơi hoặc chinh phục nó. Và đơn giản, sách giấy cho ta cảm giác hữu hình, còn sách điện tử thì không. Với tất cả những đặc điểm của sách giấy như nói ở trên, tôi tin khi nào loài người vẫn còn nhận thức về quyền sở hữu, cái đẹp, những cảm xúc đi cùng những riêng tư cá nhân, thì sách giấy vẫn còn có chỗ đứng trong đời sống nhân loại. 

Có niềm vui nào sung sướng hơn dành cho những người ham đọc sách là được dạo chơi trong thư viện, hoặc ngắm nhìn những quyển sách quý trong giá sách cao chất ngất trong nhà mình rồi rút ra một quyển ưng ý và ngồi thư thái đọc.