Sách cũ là thế, một mạch ngầm không ngưng chảy

ANTD.VN - Sách cũ là thế… Nơi lưu giữ thời gian và kho tàng tri thức nhân loại. Người Hà Nội có thể tự hào là một trong những thành phố tiêu thụ nhiều sách, các hiệu sách mới nhiều, đương nhiên rồi và các hiệu sách cũ cũng không ít, vì nhu cầu tìm về những cuốn sách cổ xưa, hoặc là để sưu tầm, hoặc là để truy tìm vốn tri thức cần thiết đang có xu hướng nhúc nhích tiến lên.

Cái hữu ích của những hiệu sách cũ là thế này. Một ngày, bỗng một người bạn gọi điện thoại hỏi: “Anh ơi mua quyển “Đàn hương hình” của Mạc Ngôn và “Cát bụi chân ai” bản in đầu tiên của Tô Hoài ở đâu ạ?”. Các hiệu sách mới thì tất nhiên không có rồi, vì sách in đã lâu, có quyển chưa kịp tái bản. Ra các hiệu sách cũ và chịu khó tìm nhé! Thế rồi một vài hôm sau người bạn ấy lại gọi điện, giọng mừng hớn hở: “Em đã tìm được cả Mạc Ngôn và Tô Hoài rồi nhé, trong hiệu sách cũ”.

Sách cũ là thế, một mạch ngầm không ngưng chảy ảnh 1Những hiệu sách cũ dù giản dị, mộc mạc nhưng là nơi lưu giữ một tình yêu với sách

“Vua sách cũ” biết yêu và quý sách

Khó có thể ngờ rằng, ở giữa một con phố cổ, nhà mặt tiền rộng rãi, nếu cho thuê sẽ có được một số tiền khá lớn hàng tháng mà lại có người chỉ dùng làm nơi lưu trữ và bán những cuốn sách cũ. Đó là hiệu sách cũ trên phố Bát Đàn của vợ chồng ông Cảnh, bà Mão. Hiệu sách nằm giản dị, yên bình trong một con phố khá tấp nập, một cái biển hiệu cũng giản dị, bằng gỗ treo trên cửa ba chữ: “Nhà sách cũ”. Ngay ngoài cửa vào là một chiếc tủ kính xếp những quyển sách đã bạc màu thời gian như một ngầm ý rằng đây đích thị là một hiệu sách cũ.

Ông Cảnh, bà Mão nổi tiếng trong giới sưu tầm và bán sách cũ đã lâu, người ta phong cho ông là “Vua sách cũ” vì sự giàu có về vốn sách và sự lịch duyệt của ông bà. Tôi đến hiệu sách một ngày đầu thu và gặp bà Mão ở nhà. Bà tuổi đã khá cao nhưng còn minh mẫn, từ tốn và điềm đạm đúng chất của một người gốc Hà Nội. Mặc dù cái kho sách đồ sộ đến mười tấn sách, ông bà ước tính thế và phải dành hẳn một cái nhà riêng làm kho chứa sách nhưng khi có khách hàng hỏi về cuốn sách cần tìm, chủ cửa hiệu có thể tìm ra chúng khá nhanh chóng hoặc có thể nói ngay có hay không.

Cái vẻ điềm đạm của một người yêu sách, cũng là cách tiếp đón niềm nở ân cần khiến nhiều người tìm đến nơi này. Người biết yêu sách, quý sách là thế. Sách cũ, có những quyển rất quý và hiếm nhưng nếu gặp được một tâm hồn đồng điệu, kính trọng và quý mến thì người bán sách cũng có thể tặng ngay mà không phải tính toán tiền bạc. Và cái duyên kỳ ngộ như thế cũng không phải hiếm.

Người bán sách có phong cách kiêu bạc

Cũng là một người nổi tiếng trong giới chơi và bán sách cũ nhưng ông Dư ở phố Bà Triệu thì lại khác. Ông cũng dành ngôi nhà mặt phố khá rộng của mình làm cửa hiệu sách cũ và ngôi nhà ấy là một kho sách lớn, sách chất cao chất ngất đến tận nóc nhà. Nhìn bức tường sách đồ sộ ấy đôi khi người mới đến thấy choáng ngợp bởi sự đa dạng, phong phú của nó.

Nhưng người đàn ông này có một phong cách khá kiêu bạc, ông không cho phép khách hàng tự lần tìm trong kho sách của mình mà ông sẽ hỏi khách cần cuốn gì ông sẽ tự tìm và đưa cho. Nhờ một trí nhớ tuyệt vời và một sự đọc vô biên nên người đàn ông này thậm chí có thể nói tóm lược về nội dung về cuốn sách cần tìm, xuất bản thời kỳ nào hoặc ra được mấy số thì đình lại… Nổi tiếng vì bán sách đắt và một thái độ gần như lạnh nhạt nhưng đây vẫn là hiệu sách được nhiều người tìm đến vì nó có nhiều cuốn sách quý, cổ; cũng như khách hàng không mất nhiều thời gian để biết cuốn sách mình đang tìm có hay không.

“Linh Hoàng Hà”

Lại một hiệu sách nữa làm tôi thấy ấn tượng. Đó là hiệu sách trên phố Mai Dịch. Một ngôi nhà thấp lè tè và cũ kỹ nhưng sách xếp kẹt cứng. Căn phòng hơi tối và ngột ngạt, một người đàn bà trung niên cần mẫn chụp ảnh từng cuốn sách rồi đưa ảnh lên Facebook cho mọi người chọn lựa và giao dịch. Đó là một cửa hiệu gần như chuyên bán sách trên mạng có tên “Linh Hoàng Hà”; hiệu sách này nổi tiếng vì thường xuyên đưa sách lên mạng, sách khá phong phú và giá cả phải chăng.

Điều đặc biệt ở hiệu sách này là người chồng chuyên biệt trong việc tìm nguồn sách từ các nơi đưa về, có khi người ta nhìn thấy anh chở cả một tải sách to tướng với mồ hôi nhễ nhại; còn chị vợ thì chuyên biệt trong việc đưa sách lên mạng, đặt giá, giao dịch hoặc ra bưu điện gửi hàng cho khách. Vì chịu khó đưa sách lên mạng và giá cả cạnh tranh nên có vẻ hiệu sách này bán khá chạy.

Gia tài là thời gian và sách cũ

Cùng với thời gian và nhu cầu xã hội, Hà Nội có những con phố gần như chuyên bán sách mới như Đinh Lễ, Nguyễn Xí và cũng có những con phố có nhiều hàng sách cũ là Láng, Trần Quốc Hoàn…. Đi qua những cửa hàng sách này, ấn tượng mạnh là nguồn sách rất dồi dào, hầu như cửa hàng nào sách cũng xếp cao đến tận trần nhà và những bộ sách nhiều tập, ví như truyện thiếu nhi, sách chuyên ngành… được bó gọn lại thành từng chồng cao và có sẵn những cái thang gỗ sử dụng cho việc lấy sách được dễ dàng hơn.

Nhưng cũng có những hiệu sách cũ không có mặt tiền để giao dịch thuận tiện nhưng vẫn được khách hàng ưa thích và điều đáng nói đó là hiệu sách của những người rất trẻ. Anh Hợp, người ở phố Lê Thanh Nghị nổi tiếng là một người trẻ có nhiều sách. Yêu thích sách từ bé và mặc dù là kỹ sư tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa, anh dành phần lớn thời gian của mình cho sách cũ và gia tài của anh có đến vài chục nghìn cuốn sách cũ đủ các chủng loại.

Từ “Sách cũ Hà Thành” đến “Gia Khoa sách”

Đến cái kho sách kiêm hiệu sách được anh Hợp đặt tên là “Sách cũ Hà Thành” mới thấy tình yêu, đam mê và công sức của anh bỏ ra với sách thế nào. Sách xếp chật cứng trong các phòng lớn, trên cầu thang, lối đi hành lang, ở các khoảng không gian có thể tận dụng được. Sách gần như có mặt khắp mọi nơi trong nhà anh và người đến mua sách thì cảm thấy hài lòng vì được hướng dẫn tận tình về những cuốn sách đang tìm; cũng giống như những người chơi, bán sách có tâm khác, gặp những những người quý mến, tri âm, anh có thể tặng những cuốn sách hay mà không lấy tiền.

Một người trẻ nữa chơi sách cũ mà tôi muốn nói đến là anh Dũng nhà ở phố Thụy Khuê, anh vừa bán sách trên mạng vừa bán ở nhà với cái tên giao dịch là “Gia Khoa sách”. Đường vào nhà anh ngoắt ngoéo, nhỏ tí, đúng cái kiểu zích zắc của các con ngõ Hà Nội. Là kỹ sư thủy lợi, bước vào nghề sưu tầm, bán sách cũ chưa lâu nhưng anh rất chịu khó lặn lội khắp nơi tìm sách. Đôi khi khách hàng đặt anh những bộ sách rất khó kiếm nhưng nhờ sự mày mò, cần mẫn anh vẫn tìm ra. Khi tôi đến nhà anh để lấy một cuốn sách về văn học Nga, tôi đã ấn tượng bởi hình ảnh này. Cậu con trai nhà anh lẫm chẫm đang vịn vào cái giá sách để đi, thằng bé nhìn ngắm những quyển sách, mặt nó đầy vẻ háo hức, vui vẻ và khi thấy khách đến nhà, thằng bé nhoẻn một nụ cười rất tươi…

Mạch ngầm không ngưng chảy

Người ta đang lo lắng rằng văn hóa đọc đang mờ nhạt đi, điều đó có thể đúng. Thời gian cho cuộc sống thì nhiều mà thời gian cho sách thì ít nhưng những hiệu sách cũ ở Hà Nội thế này vẫn chứng thực được rằng, văn hóa đọc vẫn là cái mạch ngầm đang chảy. Ngày càng có nhiều người trẻ mua sách, đọc sách, kể cả những cuốn sách cũ. Mạch sống tri thức không thể tuột đi một cách dễ dàng và những hiệu sách cũ như thế, dù mộc mạc giản dị nhưng là nơi lưu giữ một tình yêu với sách, một nét văn hóa thanh lịch và đáng quý của người Hà Nội.

Thời gian cho cuộc sống thì nhiều mà thời gian cho sách thì ít nhưng những hiệu sách cũ ở Hà Nội thế này vẫn chứng thực được rằng, văn hóa đọc vẫn là cái mạch ngầm đang chảy. Ngày càng có nhiều người trẻ mua sách, đọc sách, kể cả những cuốn sách cũ.